Agribank lãi giảm hơn chục phần trăm

Tăng trưởng tín dụng chỉ đạt 1,2% trong nửa đầu năm nay, khiến lợi nhuận riêng lẻ của Agribank giảm hơn 10% về 6.761 tỷ đồng.

Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) vừa công bố kết quả kinh doanh riêng lẻ nửa đầu năm với lợi nhuận trước thuế giảm hơn 10% so với cùng kỳ, còn 6.761 tỷ đồng.

Tính đến hết tháng 6, dư nợ tín dụng cho nền kinh tế của Agribank chỉ tăng 1,2% trong khi huy động vốn tăng gần 4% so với đầu năm. Kéo theo đó, chi phí trả lãi tiền gửi tăng nhanh hơn thu nhập lãi từ cho vay (nợ cơ cấu cũng không được tính lãi dự thu) nên thu nhập lãi thuần trong nửa đầu năm của Agribank giảm 5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Bên cạnh đó, lãi thuần từ hoạt động khác của Agribank cũng giảm hơn 27% so với cùng kỳ về 2.690 tỷ, chủ yếu do thu từ nợ gốc đã xử lý và thu từ lãi của các khoản nợ đã xử lý rủi ro giảm.

Trong khi nguồn thu cốt lõi từ tín dụng sụt giảm, lãi thuần từ dịch vụ của Agribank tăng nhẹ 9% so với cùng kỳ lên 2.069 tỷ đồng. Thu từ dịch vụ kiều hối, thanh toán xuất nhập khẩu bị ảnh hưởng nên nguồn thu dịch vụ của Agribank chủ yếu phụ thuộc vào thu từ thanh toán và thẻ trong nước.

Trong bối cảnh phần lớn nguồn thu giảm, Agribank duy trì chi phí nhân viên tương đương với cùng kỳ năm ngoái, khoảng 6.900 tỷ đồng. Lãnh đạo nhà băng cho biết, tuy bộ phận vùng sâu vùng xa thiếu nhân sự nhưng Agribank chỉ tuyển dụng hạn chế đủ bù đắp lao động nghỉ hưu, nhằm không làm tăng quỹ tiền lương.

Chi phí nhân viên được duy trì tương đương với cùng kỳ nhưng do chi phí dự phòng khoản phải thu khác tăng nên chi phí hoạt động của Agribank tăng 12% so với nửa đầu năm ngoái. Bên cạnh đó, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng trong kỳ giảm 24% xuống 6.500 tỷ.

Như vậy, trong nửa đầu năm, do nguồn thu từ tín dụng giảm cộng với khó khăn trong công tác thu hồi nợ đã xử lý, lợi nhuận trước thuế riêng lẻ của Agribank giảm 13% so với cùng kỳ, về 6.761 tỷ đồng.

Để được giữ lại 3.500 tỷ đồng tăng vốn điều lệ theo kế hoạch phê duyệt, Agribank phải đạt tối thiểu 12.200 tỷ lợi nhuận trong năm nay. Trong nửa năm còn lại, bà Nguyễn Thị Phượng, Phó tổng giám đốc Agribank đánh giá rất khó dự đoán tăng trưởng tín dụng và kết quả kinh doanh vì “chưa biết Covid-19 diễn biến ra sao”.

Dù ngân hàng giảm thêm lãi suất, doanh nghiệp cũng khó hấp thụ được tín dụng. Đối với những người đang vay, điều họ mong muốn nhất là được cơ cấu hạn trả nợ và giảm lãi phải trả, ngân hàng cũng đã có chính sách này. Vì thế, lãnh đạo nhà băng này nhận định giải pháp tốt nhất để cứu doanh nghiệp lúc này là tập trung mọi nguồn lực vào y tế và chặn đứng Covid-19.

Tính đến hết tháng 6, dư nợ cho vay của Agribank bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 là 167.000 tỷ đồng, chiếm gần 15% tổng dư nợ. Trong đó, ngân hàng đã cơ cấu hạn trả nợ cho 42.000 tỷ dư nợ, miễn toàn bộ lãi hoặc giảm một phần lãi cho tổng dư nợ 4.000 tỷ và giảm lãi suất vay hiện hữu cho tổng khoản vay giá trị 120.000 tỷ.

Hết quý II, tỷ lệ nợ xấu của Agribank tăng từ 1,56% lên 2,15%, chủ yếu do nợ nhóm 4 tăng gần 95% lên 3.805 tỷ và nợ nhóm 5 tăng 40% lên 17.285 tỷ đồng.

Trong bối cảnh nợ xấu toàn ngành có xu hướng tăng nhanh, số dư dự phòng của Agribank tới cuối tháng 6 đạt khoảng 23.900 tỷ đồng, tăng gần 26% so với mức 19.000 tỷ vào đầu năm. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu đạt gần 100%.

Quỳnh Trang

Nguồn bài viết

Bài trướcHơn 7.000 đơn đặt mua trước Galaxy Note20 tại FPT Shop
Bài tiếp theoQuan điểm chọn trường đại học giữa đại dịch Covid-19 | Giáo dục