Agribank được ủng hộ tăng vốn bằng ngân sách

Quốc hội nhất trí tăng tối đa 3.500 tỷ vốn cho Agribank bằng ngân sách nhưng một số đại biểu lưu ý không nên tạo tiền lệ với các nhà băng khác.

Chiều 10/6, kết luận thảo luận tại hội trường về tăng vốn điều lệ cho Agribank, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nói, Quốc hội nhất trí tăng vốn cho Agribank và sẽ đưa vào Nghị quyết chung kỳ họp thứ 9. 

Chính phủ đề xuất bổ sung dự toán chi ngân sách Nhà nước năm 2020 để bổ sung vốn điều lệ cho Agribank từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2019. Khoản tiền này bằng với lãi sau thuế nhà băng này nộp ngân sách năm 2020, tối đa 3.500 tỷ đồng.

Tuy nhiên, đề xuất tăng vốn này nhận được nhiều ý kiến lo ngại từ các đại biểu.

Ủng hộ sự cần thiết song ông Tạ Văn Hạ (Bạc Liêu) hỏi: “Ngân sách khó khăn mà vẫn dùng nguồn để bổ sung cho Agribank thì có hợp lý không? Chưa kể thời điểm tăng vốn cho ngân hàng lúc này đã hợp lý chưa”, ông Hạ đặt loạt câu hỏi. Vị đại biểu tỉnh Bạc Liêu đề nghị cân nhắc kỹ nguồn dành tăng vốn cho Agribank, và thời điểm tăng vốn để “đảm bảo an toàn cân đối thu chi ngân sách năm 2020”. 

Ở điểm này, ông Đặng Thuần Phong – Phó chủ nhiệm Uỷ ban các vấn đề xã hội, đại biểu tỉnh Bến Tre cho rằng, việc lo vốn cho phát triển nông nghiệp, nông thôn thì “ai cũng muốn, nhất là trong giai đoạn thiên tai, dịch bệnh hiện nay”. Ông lo ngại, việc Quốc hội ban hành Nghị quyết đồng ý cho Agribank từ vốn Nhà nước sẽ tạo tiền lệ sau này.

Trước lo lắng của các đại biểu về tác động ngân sách khi rót 3.500 tỷ đồng cho Agribank tăng vốn, Thống đốc Lê Minh Hưng trấn an: “Việc bổ sung 3.500 tỷ đồng cho Agribank từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách Trung ương 2019, tương đương số tiền nộp ngân sách năm 2020 của nhà băng này, đảm bảo không ảnh hưởng tới cân đối ngân sách năm nay”. 

Tranh luận, bà Vũ Thị Lưu Mai – uỷ viên thường trực Uỷ ban Tài chính ngân sách, đại biểu TP Hà Nội nói “bổ sung vốn điều lệ cho Agribank là hợp lý”. Theo Nghị quyết 936/2020, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quyết định phân bổ 14.124 tỷ đồng bù hụt thu ngân sách Trung ương năm 2020 và thực hiện một số giải pháp cấp bách năm 2020. “Nếu như đây là nhiệm vụ cấp bách thì hoàn toàn có thể sử dụng nguồn dự phòng để dành tăng vốn cho ngân hàng này”, bà Mai chia sẻ.

Không đồng tình khi coi đây là nhiệm vụ cấp bách, ông Đặng Thuần Phong nêu quan điểm: “Bây giờ xem việc tăng vốn cho Agribank là khẩn cấp, cấp bách trong khi còn nhiều cái khác khẩn cấp, bức xúc hơn. Tôi rất lo lắng chuyện đó”, ông Phong nói. 

Chưa kể, nếu quyết tăng vốn cho Agribank bằng nguồn ngân sách có thể sẽ tạo tiền lệ sau này “các ngân hàng khác họ đặt vấn đề cũng muốn tăng vốn như vậy thì có được không”. Ông đề nghị cần có giải trình rõ hơn để “đại biểu khi bấm nút thông qua Nghị quyết an tâm, không băn khoăn về việc phá lệ này”. 

Ông Đặng Thuần Phong - Phó chủ nhiệm Uỷ ban các vấn đề xã hội. Ảnh: Ngọc Thắng

Ông Đặng Thuần Phong – Phó chủ nhiệm Uỷ ban các vấn đề xã hội. Ảnh: Ngọc Thắng

Trong khi đó, ông Trần Hoàng Ngân (TP HCM) nêu 4 điểm lợi khi Agribank được tăng vốn. Theo ông, có thêm nguồn vốn 3.500 tỷ đồng, Agribank sẽ đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu theo tiêu chuẩn Basel 2; tăng sức chịu đựng của ngân hàng và nhà băng này có thêm khả năng huy động vốn, mở rộng tín dụng. 

Hiện 70% tín dụng Agribank được rót vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn nên “rất cần được hỗ trợ”. Cuối cùng, khoản vốn 3.500 tỷ đồng rót cho nhà băng này thực chất là khoản chi đầu tư, không phải chi tiêu dùng và tỷ suất sinh lợi (ROE) năm 2019 khá cao nên “đầu tư vào Agribank là hiệu quả, sẽ thu hồi được vốn”. 

Dù vậy, ông Trần Hoàng Ngân lưu ý, khi phát triển mạng lưới chi nhánh, cần ưu tiên ở nông thôn, hạn chế bớt chi nhánh ở đô thị. Cùng với đó, tăng cường hoạt động các ngân hàng di động, mở rộng tín dụng, tư vấn miễn phí cho các hộ nông dân ở vùng sâu, vùng xa để “đẩy lùi” tình trạng cho vay nặng lãi.

Giải trình sau đó, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng một lần nữa nói về tính cấp thiết cần tăng vốn cho Agribank, ngân hàng 100% vốn Nhà nước.

Theo ông Hưng, cơ quan này đã chỉ đạo Agribank có nhiều biện pháp thoái khoản đầu tư góp vốn không hiệu quả, bổ sung nguồn vốn tối đa theo phát hành trái phiếu nhưng khả năng phát hành thêm cũng hạn chế, rồi cổ phần hoá gặp khó khăn vì vướng xác định giá trị đất đai… “Là ngân hàng duy nhất 100% vốn Nhà nước còn lại, ông Hưng nhấn mạnh, lúc này Agribank rất cần thêm vốn từ Nhà nước”, ông nói. 

Trường hợp không được tăng vốn, tăng trưởng dư nợ ngân hàng này năm nay chỉ 4,5%, tăng trưởng tín dụng khoảng 11% nên tỷ lệ an toàn vốn chỉ khoảng 7,9% – không đạt yêu cầu. Ngay cả khi thực hiện tối đa các giải pháp tăng vốn thì nhu cầu vốn còn lại vẫn cần 3.500 tỷ đồng.

Hiện trong số 4 ngân hàng thương mại cổ phần là Vietcombank, VietinBank, BIDV và Agribank thì chỉ duy nhất Agribank “xin” cấp vốn từ Nhà nước. Ba nhà băng còn lại đã cổ phần hoá và đang được xem xét cho phép giữ lại lợi nhuận, cổ tức để tăng vốn, đảm bảo tiêu chuẩn Basel 2.

Anh Minh

Nguồn bài viết

Bài trướcÁn phạt kỷ lục vụ 1 tỉ cuộc gọi lừa đảo tại Mỹ | Công nghệ
Bài tiếp theoĐề xuất phương án mở rộng cao tốc TP.HCM-Long Thành-Dầu Giây