Chương trình phù hợp cho người đi làm
Lê Nguyễn Trà My (cựu sinh viên Trường ĐH Văn Lang), mong muốn có chương trình học cao học được thiết kế theo định hướng ứng dụng. Cụ thể, chương trình và giáo trình cung cấp cho học viên cái nhìn đa chiều thay vì theo khuôn khổ lý thuyết suông. Bài tập thực tế theo định hướng ứng dụng cũng chính là thước đo chính xác nhất để biết đầu ra có chất lượng hay không.
“Khác với chương trình thạc sĩ định hướng nghiên cứu thì chương trình ứng dụng nghề nghiệp nên có đầu vào vừa phải. Tất nhiên, quá trình đào tạo và đầu ra cần siết chặt để bằng thạc sĩ dù theo hướng ứng dụng vẫn đảm bảo có trình độ chuyên môn và ứng dụng cao hơn trình độ trước đó của người học”, Trà My mong muốn.
Người học nên có mục đích học tập rõ ràng
Phan Hồng Diễm Linh (cựu sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM), cho biết học tập trung toàn thời gian để thực sự tập trung cho nghiên cứu và lĩnh hội sâu kiến thức là mong muốn ở chương trình thạc sĩ.
“Sau một ngày dài đi làm mệt phờ, nếu phải đi học thêm nữa sẽ học không nỗi hoặc có lên lớp cũng không thể tập trung chứ chưa nói đến việc nghiên cứu”, Linh chia sẻ.
Về việc học cao học, Diễm Linh quan niệm: “Bằng thạc sĩ có thể là ‘tấm vé thông hành’ để lên một vị trí công việc nào đó đối với một số đơn vị, nhưng quan trọng là chương trình ấy sẽ mang lại giá trị thực tiễn gì để những người học thực sự có những đóng góp vượt bậc hơn trong công việc đối với những người ở cấp bậc chuyên môn thấp hơn”.
“Mình không phủ nhận việc học cao học sẽ giúp ích cho người học ở nhiều phương diện, tuy nhiên người học nên quyết định tùy yêu cầu công việc cụ thể. Thật sự với công việc hiện nay mình không nghĩ đến việc học tiếp cao học, thậm chí cả ĐH. Vì học cần thêm thời gian, công sức và tiền bạc nhưng đơn vị mình công tác không cần, họ cần tính ứng dụng hơn”, Diễm Linh nhấn mạnh.