Sau 29 năm với nhiều lần đổi chủ, Jetstar vẫn chưa thành ngôi sao trên bầu trời hàng không giá rẻ như cái tên của nó và thậm chí mới báo lãi 4 lần.
Trong buổi công bố sắp đổi tên thương hiệu hãng hàng không giá rẻ Jetstar Pacific thành Pacific Airlines, Phó tổng giám đốc Vietnam Airlines kiêm Chủ tịch Jetstar Trịnh Hồng Quang thừa nhận “hãng bay này thành lập từ rất lâu nhưng mãi không bứt phá lên được”.
Sau nhiều lần “kết hôn” với các nhà đầu tư khác nhau, Jetstar lại trở về là đơn vị thành viên của Vietnam Airlines cùng tên gọi đầu tiên khi thành lập năm 1991 – Pacific Airlines.
Pacific Airlines là hãng hàng không cổ phần đầu tiên được lập tại Việt Nam sau khi luật sửa đổi cho phép nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực hàng không trong nước. Khi đó, hãng bay này có 7 cổ đông, gồm Cục Hàng không dân dụng Việt Nam cùng 4 doanh nghiệp thành viên chiếm gần 86,49% cổ phần. Hai cổ đông còn lại là Tổng công ty Du lịch Sài Gòn (Saigon Tourist) và Công ty Thương mại Đầu tư Phát triển Giao thông Vận tải (Tradevico).
Đến năm 1993, Cục Hàng không dân dụng Việt Nam tái cấu trúc bộ phận khai thác thành Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) và chuyển toàn bộ số cổ phần tại Pacific Airlines cho Vietnam Airlines quản lý. Hai năm sau đó, Pacific Airlines là một đơn vị thành viên của Vietnam Airlines.
Năm 2006, Chính phủ chuyển giao 86,49% cổ phần của Vietnam Airlines tại Pacific Airlines cho Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) sau khi doanh nghiệp thuộc Bộ Tài chính này được thành lập.
Bước ngoặt đến Pacific Airlines năm 2007 khi Tập đoàn Qantas (Australia) trở thành đối tác của SCIC, mua lại 18% tại Pacific Airlines. Sau đó, Pacific Airlines được đổi tên thành Jetstar Pacific, thành viên của Jetstar Airways (Australia) và thành hàng không giá rẻ đầu tiên tại Việt Nam.
Dù được doanh nghiệp ngoại góp sức, Jetstar Pacific vẫn chưa thể thoát khỏi cảnh thua lỗ, thậm chí còn đứng bên bờ vực phá sản. Tính đến cuối năm 2008, hãng hàng không này lỗ lũy kế gần 55 triệu USD. Để cứu lỗ, Chính phủ đã phải đồng ý bán thêm 12% đến 31% cổ phần cho Qantas để tái cơ cấu Jetstar Pacific, trong khi bản thân hãng này phải tính đến giải pháp sa thải bớt lao động để giảm chi phí.
Hơn một năm sau khi sử dụng thương hiệu Jetstar, hãng bay này đã thoát được giai đoạn khó khăn nhất khi có quý đầu tiên báo lãi vào tháng 7/2009 dù chốt cả năm vẫn lỗ. Rồi ngay sau đó, họ liên tiếp gặp phải những lùm xùm về vấn đề thương hiệu, đồng thời để lộ ra hàng loạt sai phạm liên quan đến hệ thống kiểm tra, bảo dưỡng kỹ thuật máy bay… Sự cố này lớn đến mức các lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải còn phải lên tiếng để trấn an hành khách yên tâm bay cùng Jetstar.
Đến năm 2012, hãng bay giá rẻ lại về một nhà với Vietnam Airlines khi SCIC chuyển hết phần vốn nhà nước tại Jetstar cho doanh nghiệp này. Lúc này, Jetstar lỗ ròng khoảng 2.400 tỷ đồng.
Sau gần 24 năm chật vật, hãng bay giá rẻ này mới có thể lần đầu báo lãi với 8 tỷ đồng năm 2014. Năm sau đó, Jetstar tăng lãi lên 112 tỷ đồng trước khi lại lỗ hàng trăm tỷ đồng vào hai năm tiếp theo. Tính đến hết năm 2017 – thời điểm Qantas sở hữu 30% và Vietnam Airlines nắm giữ gần 70% cổ phần, doanh nghiệp này lỗ lũy kế hơn 4.000 đồng.
Nhờ tích cực mở rộng đội bay, tăng khuyến mại, quản lý chi phí hiệu quả hơn, Jetstar đã cắt lỗ vào năm 2018 và ghi nhận lợi nhuận sau thuế 34,3 tỷ đồng. Hãng bay này tiếp đà tăng trưởng khi báo lãi trên 200 tỷ đồng năm ngoái.
Theo ông Trịnh Hồng Quang, tháng 1, Jetstar lãi kỷ lục 150 tỷ đồng. “Nếu không có Covid-19, hãng đã lãi to. Nhưng vì dịch bệnh nên Jetstar lại lỗ ngược trở lại, dự kiến khoảng 1.200 tỷ đồng”, ông Quang nói.
Nhưng Covid-19 cũng là thời điểm mà lãnh đạo Vietnam Airlines tự thấy “thích hợp nhất” để tái cơ cấu khi Qantas đã sẵn sàng rút lui, chuyển lại cổ phần để họ sở hữu khoảng 98%.
Ông cũng lý giải trước đây Jetstar mãi không bứt phá lên được một phần cũng vì khác biệt văn hóa, quan điểm, cách làm việc giữa cổ đông doanh nghiệp Nhà nước (Vietnam Airlines) và tư nhân (Qantas).
Ngoài ra, những lần tái cơ cấu trước của Jetstar “chưa thực sự lớn”. Ở lần này, Vietnam Airlines dự kiến thay đổi thương hiệu và phương thức tổ chức bán vé. Với thương hiệu Pacific Airlines, hãng bay sẽ bán vé qua Sabre – hệ thống Vietnam Airlines cũng đang vận hành để đồng bộ.
Hiện nay, với đội bay 18 chiếc, Jetstar có quy mô rất nhỏ so với quy mô một hãng hàng không giá rẻ cần. Do vậy, thời gian tới, Vietnam Airlines dự kiến tăng đội bay của Pacific Airlines lên 30 – 40 chiếc, cùng loại Airbus A320. Từ tháng 7, Vietnam Airlines có thể công bố chương trình thương hiệu, sản phẩm mới của Pacific Airlines.
Pacific Airlines sẽ là một con bài tốt để Vietnam Airlines gia tăng cạnh tranh trên thị trường hàng không, tăng lợi nhuận cho mạng lưới của hãng hàng không quốc gia.
Giai đoạn năm 2009 – 2019, hàng không giá rẻ chiếm khoảng 30-40% tổng thị trường hàng không quốc tế, trong khi ở Việt Nam tỷ lệ còn cao hơn – đến trên 50%. Đồng thời, các hãng lớn nếu không chú ý đến phát triển phân khúc này, theo ông Quang, cũng dễ thất bại.
Tuy nhiên, Pacific Airlines sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức khi tái cơ cấu vào thời điểm thị trường hàng không chưa thể phục hồi ngay vì sau giai đoạn lao dốc đại dịch. Chính lãnh đạo Vietnam Airlines cũng thừa nhận lúc này lượng khách tăng nhưng doanh thu giảm bằng một nửa do giá vé thấp.
Đồng thời, thị phần hàng không giá rẻ nội địa hiện nay gần như nằm trọn trong tay Vietjet với mạng lưới gần 50 đường bay và 78 chiếc tính đến cuối năm ngoái. Ông lớn hàng không giá rẻ tại Đông Nam Á – AirAsia cuối năm ngoái cũng phải từ bỏ tham vọng thâm nhập thị trường Việt Nam. Theo CEO Tony Fernandes lý do là Việt Nam đã có quá nhiều hãng hàng không nên không còn dư địa.
Anh Tú