Thai Kim Sim của Supermax Corp và Lim Kuang Sia của Kossan Rubber có tài sản chạm mốc 1 tỷ USD năm nay nhờ sản xuất găng tay cao su.
Malaysia – quốc gia sản xuất khoảng 65% găng tay cao su trên thế giới – hiện có ít nhất 4 tỷ phú trong ngành này. Trong đó, chỉ riêng năm nay đã có thêm 2 người. Theo Bloomberg Billionaires Index, Thai Kim Sim của Supermax Corp là cái tên mới nhất gia nhập danh sách này, với tài sản hiện tại khoảng 1 tỷ USD, nhờ giá cổ phiếu công ty tháng này lên cao. Lim Kuang Sia của Kossan Rubber cũng là tỷ phú mới năm nay, sở hữu 1,1 tỷ USD.
Nhu cầu toàn cầu tăng vọt do đại dịch đã kéo cổ phiếu các hãng sản xuất đồ bảo hộ lên cao, giúp Malaysia có thêm nhiều người siêu giàu. Top Glove Corp – hãng sản xuất găng tay cao su lớn nhất thế giới, Hartalega Holdings và Kossan Rubber Industries đều hưởng lợi. Tuy nhiên, với mức tăng gấp 5, Supermax là cái tên gây chú ý nhất năm nay.
“Đeo găng tay để làm mọi việc đã trở thành điều bình thường, dù trong ngành y tế hay bán lẻ. Mức độ sử dụng cao sẽ có lợi cho các hãng trong dài hạn”, Walter Aw – nhà phân tích tại CGS-CIMB Research nhận xét, “Supermax là câu chuyện rất thú vị. Vì họ tự sản xuất sản phẩm của mình, trong khi các hãng khác đa phần là nhà cung cấp”.
Thai thành lập Supermax cùng vợ mình năm 1987, ban đầu là công ty kinh doanh găng tay. Đến năm 1989, họ mới tự sản xuất. Đây là hãng sản xuất đầu tiên có thương hiệu riêng – Supermax, nhằm hưởng ứng lời kêu gọi của chính phủ Malaysia. Hãng này hiện xuất khẩu sang hơn 160 quốc gia, đáp ứng 12% nhu cầu toàn cầu về găng tay y tế.
Thai và gia đình ông sở hữu 38% Supermax. Doanh thu công ty này đã tăng 24% lên 447 triệu ringgit trong 3 tháng đầu năm, một phần nhờ đại dịch. Họ sản xuất 24 tỷ găng tay mỗi năm và dự kiến nâng lên 44 tỷ năm 2024. Tháng này, họ đã mua thêm đất để tăng diện tích sản xuất.
Nhu cầu găng tay cao su toàn cầu có thể tăng 11% lên 330 tỷ chiếc năm nay. Hai phần ba số này có thể đến từ Malaysia, hiệp hội các hãng sản xuất găng tay cao su nước này cho biết.
Malaysia trở thành cường quốc sản xuất găng tay từ thập niên 80, khi nhu cầu tăng vọt do đại dịch AIDS. Nhờ chi phí nhân công rẻ, số cây cao su và ngành công nghiệp dầu mỏ lớn, các công ty tại đây có điều kiện thuận lợi để sản xuất mặt hàng này.
Ngaofi Supermax, cổ phiếu Top Glove tăng hơn gấp 3 năm nay cũng nâng tài sản của người sáng lập Lim Wee Chai lên 2,5 tỷ USD. Công ty này ghi nhận lợi nhuận ròng tăng hơn gấp 4 lên kỷ lục 348 triệu ringgit (81 triệu USD) trong giai đoạn tháng 3-5. Doanh thu cũng lên cao nhất lịch sử. Các lãnh đạo công ty này tuần trước khẳng định “thời kỳ tốt nhất vẫn chưa đến” và các quý sau “sẽ có kết quả ấn tượng hơn”.
Cổ phiếu Hartalega và Kossan Rubber cũng tăng gấp đôi năm nay. Nhà sáng lập Hartalega Kuan Kam Hon và gia đình hiện sở hữu 4,8 tỷ USD. Trong khi đó, Lim Kuang Sia của Kossan Rubber có 1,1 tỷ USD.
Dù phần lớn nhà phân tích lạc quan về cổ phiếu Supermax, một số cho rằng các công ty Malaysia sẽ phải chịu sự cạnh tranh khi nhiều nước, như Trung Quốc, tăng sản xuất. Nhưng hiện tại, Supermax vẫn có lợi thế. Họ tự sản xuất thương hiệu của mình, đồng nghĩa có thể bán giá cao hơn cho người tiêu dùng.
Raymond Choo Ping Khoon – nhà phân tích tại Kenanga Research cho biết Supermax sẽ còn kinh doanh tốt, không chỉ vì “nhu cầu cao và nguồn cung ít”, mà còn vì công ty này “đã lên kế hoạch tỉ mỉ trong việc tăng sản xuất”.
Hà Thu (theo Bloomberg)