Thói quen vô tư đăng ảnh selfie lên mạng xã hội có thể khiến người dùng gặp rắc rối vì các bức ảnh có thể tiết lộ nhiều điều về họ.
Loại smartphone bạn sử dụng, thời gian và vị trí chụp sẽ được lưu lại trong EXIF (hay còn gọi là thông số metadata) của mỗi ảnh. Thông tin này có thể được hiển thị qua bất cứ ứng dụng kiểm tra ảnh nào. Dựa vào ngày giờ và địa điểm cụ thể, bức ảnh có nguy cơ trở thành bằng chứng gây bất lợi cho người dùng trong công việc, các mối quan hệ…
Người dùng có thể xóa hoặc thay đổi thông tin metadata. Thậm chí, có một mẹo đơn giản là chụp màn hình, crop chi tiết thừa và đăng ảnh chụp màn hình này thay vì ảnh gốc lên mạng xã hội. Tuy nhiên, các chuyên gia công nghệ khuyến cáo, metadata mới chỉ là bước đầu trong việc bảo mật dữ liệu cá nhân.

Ảnh chụp bằng điện thoại ẩn chứa nhiều nguy cơ bảo mật. Ảnh: Onespan.
Người xuất hiện trong ảnh
Nhiều người thường chia sẻ ảnh selfie của chính họ hoặc ảnh người thân, bạn bè lên mạng. Thói quen này hình thành từ những ngày đầu của blog, mạng xã hội và trở thành điều bình thường.
Tuy nhiên, so với chục năm trước, công nghệ nhận diện khuôn mặt ngày nay đã trở nên phổ biến, tiềm ẩn những nguy cơ mà không ít người vẫn còn xem nhẹ. Các bức ảnh tưởng chừng không có gì đặc biệt của hàng trăm triệu người đang nằm trong những kho dữ liệu khổng lồ của một số công ty tư nhân trên thế giới.
Nổi tiếng nhất hiện nay là Clearview AI, ra đời năm 2017. Công ty này xây dựng cơ sở dữ liệu lên tới hơn ba tỷ gương mặt, thu thập từ hàng loạt mạng xã hội như Facebook, Twitter, LinkIn, Venmo… trong nhiều năm. Người thuê bao dịch vụ chỉ cần nhập một bức ảnh của ai đó lên hệ thống và sau vài giây, chương trình sẽ phân tích, nhận diện khuôn mặt và hiển thị tất cả các trang web có xuất hiện ảnh của người đó.
Tương tự, PimEyes (Ba Lan) được quảng cáo là giúp người dùng xác định ảnh của họ đã được đăng lên những trang nào. Nếu thấy ảnh bị sử dụng bất hợp pháp, họ có thể liên hệ với website xâm phạm và yêu cầu gỡ bỏ. Tuy nhiên, các chuyên gia bảo mật hoài nghi lợi ích của những công cụ như PimEyes và cho rằng chúng sẽ bị kẻ xấu lợi dụng để rình mò người khác.
Vị trí chụp ảnh
Nếu chấp nhận cho ứng dụng camera truy cập vị trí trên điện thoại, metadata của ảnh sẽ chứa dữ liệu về kinh độ và vĩ độ nơi ảnh được chụp. Nhưng ngay cả khi người dùng không cho phép truy cập vị trí, thông tin địa điểm vẫn hoàn toàn có thể được xác định. Biển số xe, cửa hàng, biển báo giao thông, biển quảng cáo, thậm chí cả những chiếc áo phông xuất hiện trong ảnh cũng có thể là manh mối để khoanh vùng bức ảnh. Thậm chí, mắt của những người xuất hiện trong ảnh có thể được phóng to để xem ảnh phản chiếu.
Cuối năm 2019, một ca sĩ 20 tuổi ở Nhật đã bị tấn công vì sự bất cẩn trong việc chia sẻ ảnh của mình. Dựa vào loạt ảnh selfie mà cô đăng trên mạng, kẻ tấn công xác định được ga tàu cô thường lui tới. Kẻ này thậm chí soi hình phản chiếu trên mắt để xác định địa chỉ nhà bằng Google Street View. Sau khi tìm được nhà, tên này đã đánh và sàm sỡ cô.
Trang Tokyo Shimbun cảnh báo, các tấm hình selfie đời thường tưởng như vô hại nhưng hình ảnh các toà nhà xung quanh có thể khiến kẻ gian biết được người trong ảnh ở đâu. Người dùng cũng hạn chế chụp hình giơ tay chữ V bởi vân tay cũng có thể bị đánh cắp thông qua hình ảnh như vậy.