HomeThương trườngChợ truyền thống, cây xăng cũng 'cà' thẻ, 'quẹt' điện thoại

Chợ truyền thống, cây xăng cũng ‘cà’ thẻ, ‘quẹt’ điện thoại

Những nơi vốn là “thành trì’ của giao dịch bằng tiền mặt như chợ truyền thống hay cây xăng, giờ đang dần làm quen với “cà” thẻ, “quẹt” điện thoại.

Với các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi hay những chuỗi F&B lớn, việc chấp nhận cho khách dùng thẻ, quét mã QR để thanh toán gần như là hiển nhiên. Còn các “địa điểm” mang tính truyền thống hơn như chợ hay cây xăng trước giờ vẫn do tiền mặt chi phối.

Tuy nhiên, hiện đã có tín hiệu cho thấy thanh toán không tiền mặt đang dần len lõi vào những nơi này. Anh Nguyễn Đăng Thanh, chủ một sạp vải ở chợ An Đông, quận 5, TP HCM cho biết, các bạn hàng của anh giờ cũng quen với việc chuyển khoản cho nhau.

Anh Nguyễn Đăng Thanh cầm trên tay máy mPOS vừa lắp tại sạp vải của mình. Ảnh: Viễn Thông

Anh Nguyễn Đăng Thanh cầm trên tay máy mPOS vừa lắp tại sạp vải của mình. Ảnh: Viễn Thông.

Mới đây, anh vừa lắp một máy mPOS để khách hàng đến sạp có thể cà thẻ. Do chỉ mới dùng, chưa thể đánh giá mức độ hiệu quả nhưng anh Thanh tỏ ra lạc quan. “Tôi thấy cho khách thanh toán thẻ rất tiện, không sợ tiền giả. Chỉ có điều các tiểu thương ở đây có người dùng mạng 3G và nó hoạt động không ổn định”, anh cho biết. 

Trên đường Cách Mạng Tháng Tám (quận 3, TP HCM), cửa hàng xăng dầu số 13 của SFC cũng vừa dán một logo nhận diện thanh toán không tiền mặt vào chiều 16/6, thuộc khuôn khổ “Ngày không tiền mặt 2020”.

“Thanh toán không tiền mặt giúp việc báo cáo rất thuận tiện và nhanh hơn, cũng không sợ tiền giả”, chị Nguyễn Thị Hồng Loan, Quản lý cửa hàng cho biết đang có 30% khách đến đổ xăng thanh toán bằng thẻ, chủ yếu là xe doanh nghiệp, ôtô cá nhân. Việc dán nhãn nhận diện, theo chị cũng là quảng bá cho nhiều khách biết đến phương thức trả tiền xăng mới này.

Nhãn nhận diện có chấp nhận thanh toán không tiền mặt mới được dán trên một trụ bơm xăng chiều 16/6 tại Cửa hàng xăng dầu số 13. Ảnh: Viễn Thông

Nhãn nhận diện có chấp nhận thanh toán không tiền mặt mới được dán trên một trụ bơm xăng chiều 16/6 tại Cửa hàng xăng dầu số 13. Ảnh: Viễn Thông.

Không chỉ thành phố lớn, các phương thức thanh toán điện tử cũng đang tìm về các tiểu thương ở đô thị nhỏ hơn. SmartPay, một startup ví điện tử mới ra mắt cuối tháng 5/2019 cho biết, họ vừa trải qua năm “đầu đời” với hơn 100.000 điểm chấp nhận thanh toán toàn quốc. Trong top 10 thành phố mà họ phủ sóng thì 80% là ở các tỉnh thành nhỏ.

Ông Lù Duy Nguyên, Giám đốc Phát triển Sản phẩm SmartPay cho biết, ví này hướng đến sự giản đơn để chủ điểm bán – dù không rành công nghệ, cũng dễ tiếp cận. “Năm 2020 này, chúng tôi đặt mục tiêu đưa SmartPay đến với gần 1 triệu điểm bán hàng và tiếp cận khoảng 4 triệu người dùng cá nhân”, ông Nguyên nói.

Xuyên qua mùa dịch, cùng với hội họp, giải trí, mua sắm trực tuyến, người tiêu dùng Việt Nam cũng tăng cường số hóa hoạt động thanh toán của mình. Theo số liệu của Vụ Thanh toán – Ngân hàng Nhà nước, thanh toán qua thẻ, Internet và điện thoại di động trong 4 tháng đầu năm 2020 tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, tăng cao nhất là thanh toán qua kênh di động, tăng 198,8% về số lượng và 21,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019.

Ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán cho biết, mỗi ngày giá trị thanh toán qua tổng các kênh điện tử tại Việt Nam khoảng 17 tỷ USD. Ông Dũng nhận xét, chỉ mới 2 năm trước rất nhiều dịch vụ không thể tiến hành thanh toán trên thiết bị di động thì nay đã rất dễ dàng.

“Mobile Banking áp dụng những công nghệ rất mới như khả năng xác thực khuôn mặt. Các thanh toán dưới một triệu đồng hiện tiến hành rất nhanh, chỉ 2 click là xong. Bộ quy chuẩn thanh toán QR cũng đã ban hành và chuyển biến hình thức thanh toán này rất rõ nét trong các tháng đầu năm”, ông Dũng nhận định.

Thông tin về định hướng điều hành trong 6 tháng cuối năm, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà Nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, bổ sung hành lang pháp lý cho hoạt động thanh toán điện tử, là một trong 6 đầu việc trọng tâm.

Trong đó, tập trung vào ngân hàng số, thanh toán số, tiếp tục nghiên cứu, triển khai các mô hình thanh toán tại nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Hai bước tiến đáng chú ý là đã trình dự thảo quyết định thí điểm Mobile Money lên Thủ tướng Chính phủ và đang dự thảo thông tư về định danh người dùng bằng điện tử (eKYC).

Trong lúc này, sau cú bắt tay với Visa, NextPay – đơn vị cung cấp giải pháp thanh toán mà anh Nguyễn Đăng Thanh sử dụng tỏ ra rất kỳ vọng về thị trường. Hồi tháng 3/2020, công ty đã triển khai hơn 40.000 thiết bị thanh toán ra thị trường và trở thành đơn vị dẫn đầu trong việc phát triển các điểm chấp nhận thanh toán thẻ. Công ty đặt mục tiêu sẽ phát triển 300.000 điểm chấp nhận thanh toán thẻ tại Việt Nam vào năm 2023.

Viễn Thông

Nguồn bài viết

Xem nhiều

spot_img