Chương trình diễn ra trực tiếp tại Trường THCS Nguyễn Du (Q.1, TP.HCM). Bạn đọc có thể xem lại trên các kênh của Báo Thanh Niên (thanhnien.vn, Facebook.com/thanhnien và YouTube Thanh Niên).
Học đến đâu thi đến đó
Một phụ huynh HS lớp 9A1 đã đặt câu hỏi: “Trong thời gian còn lại ngắn, áp lực nhiều, trong khi định hướng của Sở là học đến đâu thi đến đó, vậy đề thi chỉ rơi vào kiến thức lớp 9 hay cả các lớp trước đó?”.
Với thắc mắc này, thầy Đặng Hữu Trí, giáo viên môn toán Trường THCS Nguyễn Du (Q.1) nói rằng kiến thức nền tảng nằm trong chương trình từ lớp 7 đến lớp 9. Chẳng hạn như tam giác đồng dạng xuất hiện từ lớp 7, tỷ số diện tích, hình dạng không gian học ở lớp 8… Các kiến thức có quan hệ mắt xích với nhau do đó đòi hỏi các em phải nắm chắc nội dung cơ bản với các công thức, khái niệm, định lý…
Về giới hạn kiến thức môn ngữ văn, thầy Võ Kim Bảo, Trường THCS Nguyễn Du (Q.1), cho biết trọng tâm là lớp 9 nhưng kiến thức, kỹ năng cơ bản như viết văn, viết đoạn lại được học từ những lớp dưới. Vì vậy, bên cạnh việc ôn tập các phương pháp biểu đạt, các biện pháp tu từ, hình thức nghị luận thì các em nên chú ý rèn kỹ năng.
![]() Học sinh đặt câu hỏi ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH
|
Đề thi phân loại ở mức độ nào ?
Mong muốn có sự chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi, Hồng Diễm, HS lớp 9A2, đặt câu hỏi với ban tư vấn: “Sau ảnh hưởng của dịch, đề thi có câu phân loại như mấy năm trước hay không?”.
Trước câu hỏi này, vị đại diện Sở GD-ĐT khẳng định chắc chắn đề thi sẽ xuất hiện câu hỏi phân loại nhưng nằm trong chương trình đã học, những kiến thức Bộ đã giảm tải sẽ không xuất hiện trong đề thi. Điều quan trọng là các em nỗ lực như thế nào để giải quyết vấn đề mà thôi.
Còn thầy Kim Bảo thì cho rằng phân loại là nguyên tắc của đề thi đặc biệt ở kỳ thi tuyển sinh. Nhưng phân loại ở đây không phải là nhồi nhét, bắt thí sinh phải thể hiện những kiến thức hàn lâm mà là thể hiện kỹ năng học, hiểu và vận dụng.
Liên quan đến vấn đề phân loại trong đề thi, Nguyễn Nhật Anh, HS lớp 9A5, thắc mắc: “Tại sao câu hỏi phân loại lại nằm ở kiến thức hình học mà không phải ở các kiến thức toán khác?”.
Trước câu hỏi này, ông Hồ Tấn Minh giải thích: “Khi xây dựng ngân hàng đề thi, Sở không có quy định câu hỏi phân loại tập trung vào kiến thức hình học. Khi phân bổ kiến thức trong ma trận đề, tất cả đều có mức độ yêu cầu tương đương. Vì vậy, có thể với HS có những khó khăn về kiến thức hình học thì cho đó là câu hỏi khó và ngược lại có HS giải quyết bài toán này một cách thông thường, có khi lại gặp khó ở phần tính toán khác”.
Báo Thanh Niên cảm ơn Sở GD-ĐT TP.HCM, Ban Giám hiệu Trường THCS Nguyễn Du (Q.1) đã tạo mọi điều kiện và hỗ trợ để tổ chức chương trình.
|
Phân bổ thời gian ôn thi từng môn hợp lý Thời gian này, cô Xuân Oanh cho rằng HS nên luyện giải đề, so sánh để thấy mình đang ở đâu, rà soát sự thiếu hụt để bổ sung kịp thời kỹ năng, vốn từ. Lượng từ vựng lớp 9 ở mức độ không nhiều nhưng cũng cần ôn luyện nhiều lần. HS có thể lập những nhóm bạn để cùng nhau ôn luyện. Còn thầy Kim Bảo tư vấn, nên rèn kỹ năng qua việc tập dượt các đề thi năm trước và đừng quên dung nạp kiến thức xã hội có thể xuất hiện ở các câu của đề ngữ văn. Riêng để làm tốt bài nghị luận văn học thì nên chia nội dung ôn tập theo chủ đề thay cho việc học dàn trải lần lượt từng tác phẩm. Bởi việc ôn chủ đề HS sẽ giúp các em có nhiều tư liệu, kiến thức, có cái nhìn toàn diện về một vấn đề.
|