Từ một doanh nghiệp quy mô nhỏ, Nhựa Đồng Nai sau 6 năm vụt lên trở thành một doanh nghiệp rất lớn, với ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp của loạt doanh nhân quê Bắc Ninh, Bắc Giang.
Nhà máy nước sạch tại Bắc Giang có vốn đầu tư 1.000 tỷ đồng được Ngành nước DNP khánh thành tháng 8 năm ngoái.
Tăng trưởng “thần tốc”
Năm 2012, trong thời kỳ phát triển “thịnh” nhất, các cổ đông là các lãnh đạo thời kỳ đầu của CTCP Nhựa Đồng Nai (mã chứng khoán: DNP) đồng loạt thoái vốn, bán lại cổ phần cho nhóm nhà đầu tư mới. Ông Vũ Đình Độ được bầu vào HĐQT. Hai năm sau, quá trình chuyển giao quyền lực ở DNP coi như hoàn tất khi doanh nhân quê Bắc Giang liên tiếp giữ ghế Tổng giám đốc năm 2014 rồi Chủ tịch HĐQT một năm sau đó.
Bước đường kiểm soát DNP nhanh chóng của ông Vũ Đình Độ không khỏi khiến nhiều người trong giới bất ngờ, bởi đương kim Chủ tịch DNP trước đó được biết tới nhiều trong lĩnh vực chứng khoán, hơn là ngành công nghiệp nhựa vốn gần như chưa có kinh nghiệm.
Và cũng những người này, hẳn phải càng thêm bất ngờ khi chứng kiến sự phát triển “thần tốc” của DNP từ thời điểm đổi chủ đến nay.
Giai đoạn 2012-2018, Nhựa Đồng Nai ghi nhận tốc độ tăng trưởng rất ấn tượng: tổng tài sản tăng 23,5 lần lên mức 6.649 tỷ đồng vào cuối năm ngoái. Vốn cổ phần tăng 30 lần lên 1.000 tỷ đồng.
Về với chủ mới, bên cạnh duy trì thị phần ở lĩnh vực nhựa, DNP xác định cấp nước sẽ là mảng kinh doanh chính yếu, với loạt dự án nước sạch từ Bắc vào Nam và tham gia mua cổ phần lớn ở nhiều công ty nước sạch quốc doanh. Năm 2017, DNP thành lập CTCP Đầu tư Ngành nước DNP để triển khai tham chiến lược này.
Trong quá trình tăng vốn với cấp số nhân của DNP, ông Vũ Ngọc Tú – người được Nhadautu.vn đề cập trong bài viết gần đây – đã trở thành cổ đông chiến lược, nắm 6,19% vốn DNP sau đợt phát hành riêng lẻ.
Cuối năm 2016, công ty thuộc sở hữu của ông Tú là VSD Holdings tiếp tục trở thành cổ đông lớn, cùng doanh nhân sinh năm 1989 nắm 11,24% vốn DNP. Tỷ lệ này tiếp tục tăng lên khi VSD Holdings là một trong số ba nhà đầu tư mua cổ phần riêng lẻ của Nhựa Đồng Nai trong hai đợt vào tháng 6 và tháng 12 năm ngoái. Tới cuối năm vừa qua, riêng VSD Holdings đã nắm 10,6% vốn DNP.
Như đề cập ở kỳ trước, cả ông Vũ Ngọc Tú và VSD Holdings đã tham gia quá trình mua bán cổ phần CTCP Cấp thoát nước Long An, để rồi đích đến cuối cùng là “sang tay” cho Ngành nước DNP.
Những người xứ “Bắc”
Cái “duyên” giữa ông Vũ Ngọc Tú và ông Vũ Đình Độ không chỉ bởi hai người cùng họ, hay cùng quê Tân Yên, Bắc Giang, mà ông Tú từng có thời dưới quyền Chủ tịch DNP khi ông Độ làm Phó TGĐ Chứng khoán Maritime Bank những năm 2011-2012.
Mở rộng ra, sự lớn mạnh không ngừng của DNP có vai trò không nhỏ của những nhân tố gốc Bắc Ninh, Bắc Giang trong doanh nghiệp này, ngoài những VSD Holdings, ông Vũ Ngọc Tú hay ông Vũ Đình Độ.
Trong hai đợt phát hành riêng lẻ năm ngoái, DNP đã bán tổng cộng 20 triệu cổ phần cho VSD Holdings và hai doanh nghiệp khác là CTCP Đầu tư Châu Á Thống Nhất và Công ty TNHH Capella Group.
Đầu tư Châu Á Thống Nhất có trụ sở ở TP. Bắc Ninh, hiện sở hữu gần 8,4 triệu cổ phiếu, tương đương 8,4% vốn DNP. Doanh nghiệp này hiện cũng đang nắm trong tay 10 triệu cổ phần của Ngành nước DNP.
Trong khi đó, Công ty TNHH Capella Group được thành lập năm 2015 với vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng, sau hai đợt mua riêng lẻ cũng như gom trên sàn chứng khoán, hiện có gần 7,2 triệu cổ phiếu, tương ứng 7,2% vốn DNP.
Một trong hai cổ đông sáng lập, nắm 99% vốn Capella Group là ông Phương Hữu Việt. Ông Việt quê Lương Tài, Bắc Ninh, được biết đến nhiều hơn với vai trò Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Việt Á (VietABank) hay ông chủ Tập đoàn Việt Phương.
Lương Tài, Bắc Ninh cũng là quê quán của ông Vũ Quốc Hùng, người đại diện theo Pháp Luật của Công ty TNHH Đại Hoàng Long – chủ mới của Xe đạp Thống Nhất – nơi ông Vũ Ngọc Tú đang là Chủ tịch HĐQT.
Quá trình đổi chủ và phát triển của DNP còn mang nhiều hình bóng của nhóm nhà đầu tư có liên hệ tới VietABank, như cựu cổ đông lớn Lê Tuấn Điệp hay cổ đông mới Sam Holdings.