Nhiều smartphone “xuất xứ Đài Loan” trông hệt sản phẩm cao cấp của Apple, Samsung được bán nhiều trong các cửa hàng điện thoại xách tay với giá hơn triệu đồng.
Một cửa hàng trên đường Lạc Long Quân (quận Tân Bình) trưng bày loạt điện thoại đóng logo Apple, Samsung. Hầu hết có kiểu dáng của iPhone 11 Pro, iPhone 11 Pro Max hay Galaxy S20 Ultra.
Chủ cửa hàng không giấu diếm, ông nói luôn là “hàng nhái 1:1” kèm lời giải thích “hàng nhái nhưng được sản xuất với dây chuyền cao cấp, chất lượng tốt và giống với hàng thật nhất”. Theo lời người bán, xuất xứ của những chiếc điện thoại nhái này là Đài Loan, Hong Kong hoặc Singapore.
Theo quan sát, những điện thoại này trông khá giống hàng thật. Chẳng hạn, chiếc Galaxy S20 Ultra nhái cũng có cụm camera bốn ống kính với ống zoom 100x tách riêng, phía trước là camera dạng “đục lỗ”. Chiếc iPhone 11 Pro Max nhái cũng có camera sau ba ống kính đặt theo hình tam giác, nằm trong cụm hình chữ nhật.
Hiện trên thị trường, mỗi mẫu máy nhái có nhiều phiên bản chất lượng khác nhau. Chẳng hạn, Galaxy S20 Ultra camera đơn dù vẻ ngoài vẫn có thiết kế bốn camera, RAM 1 GB, bộ nhớ 16 GB, màn hình “giọt nước”. Sản phẩm này giá 1,7 triệu đồng. Bản cao hơn RAM 3 GB, camera kép, màn hình “đục lỗ” giá hơn 3 triệu đồng. Tương tự, các mẫu iPhone 11 Pro, Pro Max nhái cũng có giá tiền từ 1,8 triệu đến 4 triệu đồng tùy cấu hình.
Tuy vậy, dù phiên bản nào, ngoại hình của máy vẫn kém hoàn thiện. Phần mối nối bị hở, không liền mạch, phần viền màn hình dày, phím bấm thô và cảm giác khó bấm, phải dùng nhiều lực.
Hầu hết máy đều hiển thị cấu hình không giống thực tế. Chẳng hạn, iPhone 11 Pro nhái được giới thiệu chạy iOS 13, chip A13 Bionic, RAM 3 GB… nhưng khi kiểm tra bằng phần mềm chuyên dụng, máy chỉ dùng chip rẻ tiền đời cũ của MediaTek, RAM từ 1 đến 2 GB và chạy Android. Khi truy cập biểu tượng App Store, máy cũng hiển thị Play Store thay vì cửa hàng ứng dụng của Apple.
Với Galaxy S20 Ultra nhái, dù được giới thiệu camera zoom 100x, thực tế máy chỉ phóng to hình ảnh ở mức cơ bản, không thể zoom xa như quảng cáo. Hình ảnh ghi được chất lượng tệ, bệt màu, màu nhạt, độ tương phản thấp và bị nhiễu.
Chủ một cửa hàng chuyên bán điện thoại nhái nổi tiếng trên đường Tân Kỳ Tân Quý (quận Tân Phú) cho hay, hầu hết khách hàng đến đều biết là hàng nhái, nhưng vẫn mua.
Một doanh nhân từng kinh doanh smartphone nhái tiết lộ những mẫu máy này thực chất được nhập về Việt Nam từ Trung Quốc, theo đường tiểu ngạch, với giá chưa tới 500.000 mỗi chiếc. “Loại máy này rẻ như vậy là bởi chúng được sản xuất với quy trình không đảm bảo, vật liệu kém chất lượng và gần như không qua một khâu kiểm định nào”, người này chia sẻ.
Anh Hưng, một kỹ thuật viên sửa chữa điện thoại tại quận 7, khuyên người dùng không nên mua smartphone nhái. Ngoài trải nghiệm không như mong đợi, họ có thể đối mặt với các nguy cơ về dị ứng da, cháy nổ do linh kiện không nguồn gốc. Ngoài ra, những chiếc máy này có thể được cài sẵn mã độc tích hợp sâu vào hệ thống để đánh cắp dữ liệu người dùng.
Bảo Lâm