BẢN TIN KHỞI NGHIỆP TRẺ
Đăng ký thành công
Có lỗi xảy ra
Để thích nghi hiệu quả với “trạng thái bình thường mới”, các startup cần đưa ra những chính sách quản lý nhân lực, tài chính và định hướng kinh doanh phù hợp.
Lệnh giãn cách xã hội được gỡ bỏ, trạng thái bình thường mới được thiết lập với những thay đổi nhất định yêu cầu các startup có cách thích ứng để cân bằng giữa kinh doanh và đảm bảo sức khỏe doanh nghiệp.
Mới đây, Grab Ventures Ignite đã tiếp tục tổ chức buổi thảo luận trực tuyến với chủ đề “Thích nghi với trạng thái bình thường mới”. Buổi trao đổi có sự tham dự của ông Vũ Tống, Giám đốc Kế hoạch và Chiến lược Grab Việt Nam, ông Cường Nguyễn, Đồng sáng lập và Giám đốc Sản phẩm Amanotes và ông Tâm Trần, Giám đốc khối thị trường Việt Nam và Campuchia KPMG Việt Nam với sự điều phối của ông Cris D. Tran, Giám đốc vùng và Giám đốc Điều hành Infinity Blockchain Ventures (IBV) đã đưa ra một số phương hướng cho các startup.
Quản trị nhân lực trong trạng thái bình thường mới
Nhìn nhận về thời gian doanh nghiệp làm việc tại nhà trong giai đoạn cách ly, các khách mời đều đánh giá đây là khoảng thời gian một số startup đã làm việc hiệu quả cũng như rút ra nhiều kinh nghiệm với phương thức làm việc mới. Đồng thời, các đại diện doanh nghiệp cũng dự đoán hình thức “work from home” có thể sẽ được áp dụng phổ biến ngay cả khi dịch bệnh kết thúc.
Tuy nhiên, ông Tâm Trần chia sẻ, dù đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về nền tảng công nghệ để mọi người có thể cùng làm việc và trao đổi trực tuyến, nhưng vẫn có tình trạng một số cá nhân thiếu tập trung. Chính vì vậy, ông cho rằng để làm việc tại nhà có hiệu quả, bên cạnh nền tảng công nghệ hỗ trợ tốt, các doanh nghiệp còn cần hướng dẫn nhân viên cách làm việc mới để tất cả có thể bắt kịp với công việc.
Bình luận về vấn đề này, ông Cris D. Tran nhận định mặc dù khuyến khích nhân viên làm việc tại nhà, startup cần chuẩn bị tâm lý cho mọi người rằng đây là cách làm việc mới, vẫn phải có trách nhiệm hoàn thành công việc và đảm bảo thái độ nghiêm túc.
“Khi trao đổi tất cả công việc trên một nền tảng, chúng ta rất dễ bị mất tập trung. Chính vì vậy, chúng tôi đã phân tách các công cụ, một là để mọi người liên lạc với nhau, hai là để lưu lại những thông tin quan trọng cũng như các nhiệm vụ cần hoàn thành”, ông Cris nói.
Ngoài ra, khi quay lại làm việc tại văn phòng, các khách mời khuyến nghị startup nên chấp hành tốt những quy định về giãn cách xã hội. Trên thực tế, Việt Nam vẫn chưa công bố hết dịch, nên doanh nghiệp cần giảm thiểu tất cả nguy cơ bởi bất kỳ sự cố nào xảy ra cũng sẽ ảnh hưởng lớn đến hoạt động của công ty.
“Thứ nhất, chúng ta phải quyết định ai là những người cần làm việc tại văn phòng, ai có thể làm việc tại nhà. Thứ hai là đảm bảo cho mọi người công cụ và thiết bị làm việc để đạt hiệu quả tối đa, dù làm tại nhà. Thứ ba là quan tâm đến tâm lý của nhân viên khi phải làm việc ở nhà thời gian quá dài”, ông Tâm phân tích thêm về những chính sách nhân sự các startup cần chú ý để thích nghi với tình hình mới.
Cắt giảm chi phí hay giảm giá sản phẩm?
Bình luận về vấn đề tài chính, ông Vũ Tống từ Grab Việt Nam cho biết, đây là thời gian dòng tiền của các startup đang bị ảnh hưởng nặng nề. Do đó, việc quan trọng lúc này là phải tìm cách để tồn tại.
“Đây là cơ hội để nhìn lại bài toán tài chính doanh nghiệp, từ đó cắt giảm những chi phí không cần thiết và tối đa hóa các khoản chi. Ngoài ra, chúng ta cần phân tích nguồn khách hàng để xác định mức độ chịu ảnh hưởng của họ trong dịch bệnh, từ đó điều chỉnh sản phẩm để phù hợp với nhu cầu”, đại diện Grab đánh giá.
Đồng ý với quan điểm này, ông Tâm Trần khẳng định rất khó có thể đặt ra mục tiêu tăng trưởng cho các doanh nghiệp vào thời điểm này, đặc biệt với những startup chưa có nguồn doanh thu ổn định hoặc vẫn đang trong giai đoạn xây dựng thương hiệu.
Ông cho biết doanh nghiệp cần đánh giá kỹ lưỡng về chi phí và doanh thu, bao gồm cả trong các hợp đồng với khách hàng và xây dựng kế hoạch nguồn thu của doanh nghiệp trong 3-6 tháng.
“Đồng thời cần xác định đâu là chi phí chiếm tỷ trọng lớn trong khoản chi để có biện pháp cắt giảm. Thực tế đây là cách có thể tiết kiệm nhiều hơn so với việc cắt giảm những khoản chi nhỏ lẻ”, ông phân tích thêm.
Mặc dù thị trường gặp khó, không phải tất cả doanh nghiệp đều chịu thiệt hại từ dịch bệnh. Trên thực tế, vẫn có những doanh nghiệp tăng trưởng mạnh mẽ do sản phẩm đáp ứng tốt nhu cầu của người dùng trong thời điểm này.
Theo ông Cường Nguyễn, một số doanh nghiệp có kết quả tăng trưởng tích cực nhưng không nên vui mừng quá sớm. Các startup cần lường đến những ảnh hưởng có thể diễn ra trong tương lai và có phương án cho từng trường hợp.
Bên cạnh đó, ông Cường Nguyễn cũng nhìn nhận việc cắt giảm chi phí không phải giải pháp tài chính cốt yếu mà quan trọng là vận hành mô hình kinh doanh sao cho tối ưu nhất.
“Cắt giảm chi phí cũng phải có chiến lược và mục đích rõ ràng, doanh nghiệp cần cân nhắc mình cần tích lũy tiền hay thu hút khách hàng. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư cũng ngày càng trở nên thận trọng hơn trong việc rót vốn. Nếu đánh giá mô hình kinh doanh đang có tiềm lực mạnh và cơ hội tốt, startup có thể tận dụng để mở rộng phát triển”, đồng sáng lập Amanotes phân tích.
Nguồn enternews