Nhiều trường ĐH “không đồng tình”
Trước dự thảo này, đại diện một số trường ĐH bày tỏ sự không đồng tình. Tiến sĩ Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường ĐH FPT, nói: “ĐH thời buổi cách mạng công nghiệp 4.0, không nên quy định theo kiểu 1.0 và cuối cùng nếu áp dụng thì phí đổ lên đầu sinh viên. Phòng hiệu trưởng của trường tôi hiện chỉ có 10 m2!”. Cũng theo ông Tùng, dù quy định chỉ áp dụng cho dự án mới nhưng trên quan điểm chất lượng điều này là không hợp lý vì chất lượng phải áp dụng cho cả trường cũ. Chưa kể quy định này sẽ vi phạm luật cạnh tranh vì cản trở các đối tác đầu tư mới tham gia thị trường giáo dục.
PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, ý kiến: “Đây là tư duy cũ vẫn còn trong thời đại mới. Không cần giảng đường, không cần lớp học kiểu cũ. Thầy giáo giao tiếp online với sinh viên nên không cần phòng làm việc. Sinh viên cần những phòng nhỏ 3 – 5 nhóm, có wifi mạnh, có LED TV để trao đổi nhóm, có thiết bị để làm projects…”.
Không phù hợp với thực tế?
Giáo sư một trường ĐH tại TP.HCM nói: “Không gian làm việc riêng là nhu cầu thiết yếu với giảng viên. Ngoài việc lên lớp để làm nhiệm vụ giảng dạy, không gian này là nơi để giảng viên tập trung nghiên cứu, tìm tài liệu, viết báo… Chẳng hạn, với phòng làm việc 15 người chung một phòng tại khoa như hiện nay, trong khi giảng viên khác tiếp sinh viên thì giảng viên này rất khó để tập trung viết bài”. Giáo sư này thông tin thêm, nhiều trường ĐH nước ngoài, việc mỗi giảng viên có phòng làm việc riêng (bên cạnh phòng sinh hoạt chung) là bình thường. Thậm chí cả nghiên cứu sinh cũng có thể được xếp phòng riêng hoặc phòng có vách ngăn để làm việc theo nhóm. “Vì vậy, với những khuôn viên ĐH mới cần được thực hiện theo quy định này”, giáo sư này đề xuất.
Ông K. cho biết thực tế hiện nay không ít giảng viên chưa có bàn làm việc riêng. Nơi sinh hoạt chủ yếu của họ là văn phòng khoa nhưng có những khoa lên tới 40 – 60 giảng viên nên chỉ khi có việc hoặc họp hành mới có mặt. “Nhìn chung trên địa bàn TP.HCM, hầu hết các trường ĐH đều phải sử dụng cùng lúc nhiều cơ sở để phục vụ giảng dạy, có những trường có tới hơn 10 cơ sở riêng lẻ khắp các quận huyện. Khi đó, quy định 10 m2 diện tích dành cho làm việc và 3 m2 diện tích cho nghỉ trưa với mỗi giảng viên là điều không thể thực hiện được với các trường…”, ông K. nói.
Vì thế, theo giảng viên này, có thể tính 10 m2 diện tích làm việc cho giảng viên bao gồm bàn làm việc riêng tại khoa, các phòng làm việc theo không gian chung dành cho giảng viên hoặc tại các thư viện.