Chủ tịch Sacombank cam kết sẽ kiến nghị Ngân hàng Nhà nước cho nhà băng này chia cổ tức để hài hoà lợi ích cổ đông và thúc đẩy giá cổ phiếu.
Tại phiên họp đại hội đồng cổ đông trực tuyến sáng 5/6, phần lớn câu hỏi của nhà đầu tư xoay quanh việc Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) nhiều năm liên tiếp không chia cổ tức. Đây cũng là vấn đề được tranh luận nóng nhất tại các phiên họp thường niên của Sacombank trong vòng 3 năm trở lại đây.
Theo tờ trình, ngân hàng dự kiến dành 35% lợi nhuận năm trước để trích quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ, dự phòng tài chính, khen thưởng và phúc lợi. Trong khi đó, việc chia cổ tức vẫn phải theo Đề án tái cơ cấu sau sáp nhập được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt.
Trả lời chất vấn của nhà đầu tư, ông Dương Công Minh – Chủ tịch HĐQT Sacombank cho biết, ban lãnh đạo ngân hàng năm ngoái đã kiến nghị Ngân hàng Nhà nước chấp thuận phương án trả cổ tức bằng cổ phiếu từ lợi nhuận giữ lại nhằm hài hoà lợi ích cổ đông. Lợi nhuận tích luỹ hiện tại hơn 4.000 tỷ đồng nhưng ngân hàng là tổ chức kinh doanh có điều kiện nên phải chờ cơ quan điều hành đồng ý mới có thể thực hiện.
“Chúng tôi rất muốn chia cổ tức để thúc đẩy giá cổ phiếu, ngay cả tôi cũng muốn điều này để có tiền tiêu xài. Không chia cổ tức là thiệt thòi cho cổ đông”, ông Minh nói và cam kết sẽ tiếp tục kiến nghị với Ngân hàng Nhà nước.
Đại diện Sacombank cũng trấn an nhà đầu tư rằng, thời điểm là vấn đề mấu chốt của việc chia cổ tức, bởi không phải bây giờ thì những năm tới cổ đông sẽ được hưởng phần lợi nhuận giữ lại. Cổ tức là yếu tố cộng hưởng cho giá cổ phiếu, nhưng thực tế biến động của STB trên sàn chứng khoán phụ thuộc lớn vào nhu cầu mua bán và tình hình chung. Ví dụ như đầu năm, cổ phiếu có lúc lên 13.000 đồng nhưng sau đó điều chỉnh xuống vùng đáy 7.500 đồng vì dịch bệnh ảnh hưởng đến chiến lược và tâm lý nhà đầu tư.
Xem thêm: Ông Dương Công Minh: ‘Sacombank chia cổ tức thì tôi vui nhất’
Về kế hoạch kinh doanh, ngân hàng đặt mục tiêu năm nay tổng tài sản tăng 10% lên 498.400 tỷ đồng. Dư nợ tín dụng đạt 329.400 tỷ đồng và tổng nguồn vốn huy động 457.200 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế có thể giảm 20% so với năm trước, còn khoảng 2.570 tỷ đồng.
Bà Nguyễn Đức Thạch Diễm – Tổng giám đốc Sacombank cho hay, kế hoạch 2020 xây dựng thận trọng vì dịch bệnh. Nếu dịch được kiểm soát tốt hơn hoặc chấm dứt thì ban lãnh đạo có thể điều chỉnh lợi nhuận bằng năm ngoái.
Bà Diễm cũng thông tin thêm, kết quả hoạt động 5 tháng đầu năm vẫn tăng trưởng so với cùng kỳ. Kế hoạch xử lý nợ xấu năm nay là 11.000 tỷ đồng nhưng giai đoạn này đã đấu giá thành công 9.700 tỷ đồng, thực thu bằng tiền mặt 1.800 tỷ đồng. Vì thế, kết quả chắc chắn vượt xa kỳ vọng bởi ngân hàng còn đến 7 tháng cuối năm để triển khai nhiều giải pháp.
Năm ngoái, Sacombank ghi nhận lợi nhuận xấp xỉ 3.220 tỷ đồng và tăng hơn 43% so với cùng kỳ. Tổng dư nợ tín dụng xấp xỉ 296.460 tỷ đồng, trong đó cho vay khách hàng tăng 15,4% đúng với hạn mức được cấp phép.
“Lộ trình tái cơ cấu 10 năm nhưng với tình hình khả quan như hiện nay, chúng tôi tin đến 2023 thì Sacombank sẽ trở lại “top” những ngân hàng thương mại hàng đầu Việt Nam”, ông Minh nói.
Phương Đông