Mới đây, Trung Quốc công bố gói chính sách đặc biệt cho Hải Nam để biến hòn đảo nhiệt đới thành khu vực thương mại tự do, không thuế nhập khẩu giống như Hong Kong.
Một phần đảo Hải Nam chụp từ trên cao. Ảnh: Getty Images.
Theo South China Morning Post, ngày 1/6, Bắc Kinh vạch ra kế hoạch biến hòn đảo Hải Nam rộng 35.000 km2 thành “cảng thương mại tự do”. Biện pháp được tiến hành sẽ bao gồm giảm thuế thu nhập cho các cá nhân, công ty nhất định xuống 15% và nới lỏng yêu cầu thị thực đối với khách du lịch và doanh nhân.
Trung Quốc dự kiến đưa Hải Nam trở thành trung tâm “có tầm ảnh hưởng quốc tế mạnh mẽ” vào giữa thế kỷ. Tỉnh đảo 9,5 triệu dân này sẽ được hưởng các quyền tự do về thương mại, đầu tư, dòng vốn và sự di chuyển của người dân trước năm 2035.
Tham vọng của Trung Quốc
Hải Nam được ví như Hawaii của Trung Quốc và có diện tích gấp 30 lần so với Hong Kong. Theo tuyên bố của chính phủ Trung Quốc, dự án biến Hải Nam thành trung tâm thương mại, mua sắm và vận chuyển trong khu vực do “đích thân Chủ tịch Tập Cận Bình lên kế hoạch, sắp xếp và thúc đẩy”.
Trước đó, vào tháng 4/2018, Chủ tịch Trung Quốc từng tuyên bố sẽ xây dựng Hải Nam thành khu vực thương mại tự do lớn nhất đất nước. Chính quyền Hải Nam đã cử các phái đoàn đến Hong Kong, Singapore và Dubai để tìm hiểu và nghiên cứu thêm về các hoạt động thương mại tự do.
Bản kế hoạch chi tiết của Trung Quốc được tung ra trong bối cảnh leo thang căng thẳng Mỹ – Trung trên nhiều lĩnh vực. Tuần trước, Mỹ đã lên kế hoạch thu hồi các ưu đãi thương mại đặc biệt với Hong Kong sau khi Bắc Kinh có động thái áp dụng luật an ninh quốc gia mới lên trung tâm tài chính này.
Nếu các ưu đãi thương mại đặc biệt bị thu hồi, hàng xuất khẩu của Hong Kong sẽ phải chịu mức thuế tương tự như Mỹ đánh vào hàng hóa Trung Quốc đại lục. Điều này đe dọa đến các hoạt động tại cảng của Hong Kong và các doanh nghiệp tái xuất, vốn được hưởng lợi từ việc chịu thuế thấp với Mỹ.
Mặc dù không đề cập đến Hong Kong hay Singapore, rõ ràng Bắc Kinh đang tìm cách nhân rộng một số chính sách đã áp dụng thành công cho các thành phố này, bao gồm giới hạn thuế thu nhập ở mức 15%, gần bằng mức 17% ở Hong Kong và thấp hơn nhiều so với mức thuế tại Trung Quốc đại lục, South China Morning Post nhận định.
Theo kế hoạch, một số hàng hóa nhập khẩu như thiết bị sản xuất, phương tiện, tàu, máy bay, nguyên liệu thô và hàng tiêu dùng sẽ được miễn thuế.
Mỗi năm, một công dân Trung Quốc sẽ có thể chi tiêu tới 14.000 USD tại các cửa hàng miễn thuế trên đảo, tăng so với con số 4.200 USD hiện nay.
Trung Quốc sẽ xây dựng một “dòng thuế nhập khẩu thứ hai” cho những sản phẩm vận chuyển từ Hải Nam lên đại lục để miễn thuế cho những sản phẩm đã bị đánh 30% thuế giá trị gia tăng trên đảo.
Thủ tục phê duyệt đầu tư tại tỉnh cũng sẽ được tinh giản. Ở một số khu vực nhất định, doanh nghiệp chỉ cần cam kết tuân thủ các quy định trước khi bắt đầu hoạt động, không bắt buộc phải xin giấy phép từ chính phủ.
Người nước ngoài có thể làm đại diện pháp lý cho các doanh nghiệp nhà nước. Khách du lịch tới Hải Nam bằng tàu du lịch quốc tế sẽ được phép ở tại đảo trong tối đa 15 ngày mà không cần thị thực.
Hải Nam sẽ thành Hong Kong thứ hai?
phạm vi các chính sách đề xuất cho Hải Nam rộng hơn nhiều so với những biện pháp Bắc Kinh đang áp dụng đối với các khu vực thương mại tự do khác như Thâm Quyến hay Thượng Hải.
Tuy nhiên, bản kế hoạch thiếu đi các chính sách nới lỏng tài khoản vốn và kiểm soát luồng thông tin, vốn là những yếu tố trụ cột của một trung tâm thương mại tự do thực sự.
Steve Tsang, Giám đốc viện nghiên cứu Trung Quốc SOAS tại London, nhận định kế hoạch của ông Tập cho Hải Nam có thể bị cản trở bởi bầu không khí quốc tế hiện nay cũng như tình trạng thiếu các quy định Pháp Luật trên đảo. Ông cho rằng tỉnh đảo “không thể biến thành Hong Kong thứ hai” vì “Hải Nam không có đủ những yếu tố đã tạo nên Hong Kong”.
“Hải Nam không thể biến thành Hong Kong thứ hai”. Ảnh: South China Morning Post.
Năm 1988, Đặng tiểu Bình, cựu lãnh đạo Trung Quốc, ra quyết định nâng Hải Nam thành một tỉnh độc lập và biến hòn đảo thành “khu kinh tế đặc biệt” lớn nhất Trung Quốc. Quyết định được đưa ra với hy vọng Hải Nam có thể lặp lại một số thành công của Thâm Quyến, từ một làng chài nhỏ trở thành một trung tâm công nghệ cao phát triển.
Tuy nhiên, thay vì phát triển, Hải Nam nhanh chóng biến thành thiên đường cho tội phạm buôn lậu và đầu cơ bất động sản vào đầu những năm 1990. Đây là một trong những thất bại kinh tế lớn nhất đối với Bắc Kinh kể từ đợt cải cách kinh tế cuối những năm 1970.
Theo số liệu thống kê, năm 2019, GDP của Hải Nam chỉ đạt 74,6 tỷ USD chiếm 0,5% tổng GDP quốc gia. Doanh thu tài chính của tỉnh năm 2019 bằng 1/7 của Thâm Quyến. Thu nhập bình quân đầu người ở Hải Nam thấp hơn 10% so với mức trung bình tại Trung Quốc.
Trong bản kế hoạch cho Hải Nam, những chính sách để hạn chế rủi ro về sức khỏe cộng đồng và môi trường chiếm dung lượng lớn. Các biện pháp này được xây dựng nhằm ngăn chặn những hậu quả tiêu cực có thể phát sinh từ hoạt động thúc đẩy thương mại và đầu tư.
Nhập khẩu chất thải rắn bị cấm tại Hải Nam. Chính phủ Trung Quốc yêu cầu tỉnh đảo cân bằng môi trường đầu tư cởi mởi hơn. Đồng thời, chính quyền Hải Nam phải có biện pháp ngăn chặn rủi ro an ninh quốc gia, chẳng hạn kiểm tra an ninh đối với các nhà đầu tư nước ngoài.
Trước đó, giới chuyên gia suy đoán rằng Bắc Kinh có thể cho phép Hải Nam phát triển công nghiệp đua xe và đánh bạc, cạnh tranh với Hong Kong và Macau. Tuy nhiên, bản kế hoạch không đề cập đến vấn đề này.