Thông tin hai “gã khổng lồ” trong lĩnh vực thương mại điện tử Việt Nam là Tiki và Sendo đã đạt được thỏa thuận sáp nhập sẽ tác động mạnh đến sự phát triển của thị trường.
ảnh minh họa
Mới đây, theo nguồn tin của Dealstreet Asia – trang web chuyên về các thương vụ mua bán và sáp nhập ở châu Á, 2 sàn thương mại điện tử Tiki và Sendo đã đạt thỏa thuận hợp tác kinh doanh. Việc sáp nhập này sẽ kết hợp chiến lược kinh doanh, trong đó Sendo tập trung vào khu vực nông thôn và Tiki tập trung vào thế mạnh ở thị trường thành thị.
Nếu thương vụ thành công, cục diện thị trường thương mại điện tử sẽ chuyển sang một trang mới, thế cục mới. Hiện tại, thị trường đang diễn ra cuộc đua giữa 4 sàn thương mại điện tử mạnh nhất là Shopee, Lazada, Tiki và Sendo.
Theo Công ty Chứng khoán KB (KBSV), thương vụ sáp nhập này sẽ làm rung chuyển thị trường thương mại điện tử vốn có mức độ cạnh tranh cao. Tiki hiện xếp thứ 2 về lượt truy cập web/tháng và lượt tải ứng dụng di động, còn Sendo xếp thứ 4 về lượt truy cập web/tháng và lượt tải ứng dụng di động.
Lazada (được hỗ trợ bởi Alibaba) và Shopee (được hỗ trợ bởi tập đoàn công nghệ khổng lồ của Singapore SEA Group) cùng với Tiki và Sendo đang tạo nên top 4 công ty thương mại điện tử hàng đầu tại Việt Nam.
“Sự kết hợp này có thể sẽ giúp cả hai công ty đảm bảo việc dẫn đầu thị trường thương mại điện tử trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt và hỗ trợ huy động vốn trong tương lai khi liên tục báo lỗ trong những năm qua. Báo cáo e-Conomy Southeast Asia 2019 của Google, Temasek Holdings và Bain & Company ước tính thị trường thương mại điện tử Việt Nam sẽ tăng lên 23 tỉ USD vào năm 2025”, KBSV thông tin.
KBSV cũng cho biết nền tảng thương mại điện tử và mua sắm trực tuyến đóng vai trò quan trọng trong việc bù đắp cho doanh số bán lẻ chậm lại trong các kênh truyền thống trong thời gian giãn cách xã hội. Khi người tiêu dùng vẫn còn e ngại và chưa sẵn sàng mua sắm trực tiếp tại cửa hàng, nhiều công ty đã tận dụng để triển khai nhiều dịch vụ mua sắm trực tuyến hơn.
Đơn cử như hình thức mua thực phẩm trực tuyến, bao gồm cả đồ tươi sống “Tikingon” của Tiki hay mô hình “đi chợ thay khách hàng” của Thế giới Di động. Grab cũng đã kích hoạt một nền tảng mới “GrabMart” để phục vụ nhu cầu mua sắm của khách hàng khi ở nhà. Tầm ảnh hưởng ngày càng tăng của thương mại điện tử một lần nữa cho thấy tầm quan trọng của nền tảng trực tuyến đối với bất kỳ nhà bán lẻ hàng đầu nào của Việt Nam.
Ông Nguyễn Ngọc Dũng – Phó chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (Vecom) cho rằng sáp nhập là xu hướng chung trên thế giới. Vì vậy, thương vụ này diễn ra sẽ là một tín hiệu tốt cho thị trường, bởi họ sẽ bổ trợ, hỗ trợ nhau để tăng sức mạnh, tăng sức cạnh tranh. Sendo có những lợi thế ở thị trường nông thôn, ngoại thành, trong khi Shopee, Lazada, Tiki đang tập trung ở các đô thị lớn.
Nếu 2 doanh nghiệp này sáp nhập thì sẽ tạo ra một doanh nghiệp thương mại điện tử nội đủ năng lực để cạnh tranh với doanh nghiệp ngoại. Như vậy, đây là một hướng đi tốt của các doanh nghiệp nội ngành thương mại điện tử. Từ đó, Việt Nam mới làm chủ được những ngành công nghiệp tương lai như thương mại điện tử.
Theo Tổng cục Thống kê, doanh số bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tháng 5 tăng 27%. Tháng 5 là tháng đầu tiên sau giãn cách xã hội, cùng với kỳ nghỉ lễ 30.4-1.5 nên hoạt động mua bán hàng hóa, tiêu dùng của người dân có dấu hiệu tăng trở lại. dịch vụ lữ hành tăng mạnh nhất với mức tăng 9 lần so với tháng 4, đạt 450 tỉ đồng, nhưng vẫn giảm 88% so với cùng kỳ năm ngoái. Bán lẻ hàng hóa là ngành hàng duy nhất tăng trưởng dương 2%, khi đạt 311.000 tỉ đồng.
Tính chung 5 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giảm 4%, đạt 1,914 nghìn tỉ đồng. Một điểm sáng là doanh số bán lẻ hàng hóa tăng nhẹ 1% lên 1,547 nghìn tỉ đồng, khi siêu thị và trung tâm thương mại đảm bảo cung ứng đầy đủ hàng hóa thiết yếu, không có biến động về giá hàng hóa, đồng thời khách hàng chuyển sang nền tảng thương mại điện tử để mua hàng.