Lạc lõng về tương lai, đội sổ và học lại là những gì Hoàng Đạt trải qua trong suốt những năm tuổi trẻ. Giữa lúc ấy điều không ngờ xảy ra.
7 năm từ sau khi gặp lại những người bạn của bố, Lê Hoàng Đạt đã thoát khỏi tuổi trẻ vô định và bước đầu có thành tựu. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Trong ngôi nhà nằm lọt thỏm giữa con hẻm nhỏ ở quận 12, một trưa cuối năm 2012, Lê Hoàng Đạt, sinh viên năm nhất Đại học sư phạm kỹ thuật TP HCM nhận kết quả phải học lại 6/8 môn. Nhìn bảng kết quả, cả hai mẹ con Đạt đều buồn. Chàng trai trẻ nghĩ: Mẹ đã quá vất vả để làm lụng, kiếm tiền nuôi mình ăn học mà kết quả như thế này thì tốt hơn hết là mình nên bỏ học đi làm.
Giữa lúc ấy, có hai vị khách hỏi thăm vào nhà. “Bác là bạn học của bố con. Hơn 10 năm nay đi tìm hai mẹ con, nay mới được”, một người đàn ông nói.
Bố Đạt từng là một giảng viên, kỹ sư cơ khí làm cho công ty nước ngoài. Năm 1997 ông mất vì ung thư phổi, để lại người vợ trẻ và đứa con trai chưa đầy 3 tuổi. “Đọc di chúc của bạn gửi gắm vợ con nhờ gia đình, bạn bè giúp đỡ, chúng tôi ai cũng nghẹn ngào”, một người bạn của bố Đạt, ông Nguyễn Tấn Luân, giám đốc kĩ thuật công ty Kềm Nghĩa, chia sẻ.
Ông Luân là bạn thân cùng khóa Petrus ký – Lê Hồng Phong 1974-1981 và đại học của bố Đạt. Năm bạn mất, ông đang ở bên Đức. Về nước năm 2000, ông từng đi tìm, song mẹ con Đạt đã di chuyển khỏi địa chỉ cũ nên không tìm ra. Hơn chục năm sau tình cờ trong đám cưới, ông nghe được tin Đạt đã vào đại học và hoàn cảnh khó khăn của hai mẹ con. Ngay hôm đó ông Luân đứng ra kêu gọi bạn bè lập ra một cuốn sổ tiết kiệm, hỗ trợ tài chính cho Đạt tiếp tục đèn sách.
Cũng từ lúc đó Lê Hoàng Đạt được tiếp xúc nhiều với các bác, đều là những người thành công, có nhiều kinh nghiệm sống, dạy cậu về kinh doanh. “Gặp được các bác là bước ngoặt đầu tiên thay đổi cuộc đời tôi”, Lê Hoàng Đạt, năm nay 26 tuổi nói.
Đạt đặt mục tiêu phải hoàn thành tất cả tín chỉ trong thời gian 4 năm học. Từ học kỳ sau đó, cậu đăng ký học tới 35 tín chỉ (cao gần gấp đôi các sinh viên khác) để bù cho những môn phải học lại. Nhà cách trường 3 bến xe buýt tương đương 1,5 giờ chạy xe. Ngày nào Đạt cũng ra khỏi nhà từ 6h sáng và về lại cặm cụi học đến 2 giờ đêm. “Nhiều bữa đi học về mệt ngủ tɦїếp đến tận bến cuối, rồi phải cuốc bộ ngược 2 km quay về nhà”, cậu kể.
Sang tới năm ba, số lượng tín chỉ còn ít hơn, Đạt bắt đầu đi học thêm tiếng Đức. cậu đặt mục tiêu ra trường sẽ làm cho doanh nghiệp nước ngoài, sau đó phấn đấu để được ra nước ngoài công tác, mở mang kiến thức, cuối cùng quay trở lại áp dụng lại vào các doanh nghiệp Việt. Để chuẩn bị cho kế hoạch của mình, cậu tận dụng mọi quỹ thời gian rảnh đi làm thêm nhiều công việc liên quan ngành cơ điện tử tại bốn công ty khác nhau để tích lũy kinh nghiệm.
Tốt nghiệp, Lê Hoàng Đạt trúng tuyển vào một tập đoàn đa quốc gia của Đức có chi nhánh tại Việt Nam, với ngã rẽ hoàn toàn mới là làm về lĩnh vực ôtô và phần mềm. Bốn tháng sau, cậu được cử đi công tác Ấn Độ. Tại đây, mỗi ngày chàng trai đều “ở lì” tại công ty từ 8h sáng đến 12 giờ đêm để có thể học hỏi được nhiều nhất. Từ ngành học ban đầu, Đạt dần am hiểu về ngành công nghiệp ôtô, phần mềm và cách hoạt động của một tập đoàn khổng lồ.
Thành công đến sớm và có phần dễ dàng khiến suy nghĩ của Đạt xảy ra mâu thuẫn. Ban đầu cậu chọn “một cuộc sống không cần nhiều tiền, chỉ mong hai mẹ con bình an là được” và lúc này cậu không biết làm gì tiếp theo. “Trong tôi xảy ra cuộc đấu tranh giữa một bên là cuộc sống bình thường và một bên phải làm một cái gì đó thành tựu để không phí hoài tuổi trẻ”, Đạt kể.
Những năm tháng tuổi trẻ Đạt làm nhiều công việc để trải nghiệm cuộc sống. Thời sinh viên cậu làm công nhân cơ khí (trái) và vừa làm công ty, vừa kinh doanh nước mía (phải). Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Cơn bão Damrey tàn phá Nha Trang cuối năm 2017 một lần nữa thay đổi Lê Hoàng Đạt. Lần ấy cậu cùng một đồng nghiệp đại diện nhóm các nhà hảo tâm bay ra Khánh Hòa để giúp đỡ bà con. Tại đây, lần đầu tiên cậu chứng kiến có quá nhiều mảnh đời nghèo khổ, khó khăn hơn mình lúc trước. Họ không có bất cứ cơ hội nào để đổi đời, vừa tích cóp được một chút thì mưa bão có thể quét sạch cả người và của.
“Tôi nhận ra nếu chỉ sống chỉ vì mình là quá ích kỷ. Tôi phải kiếm nhiều tiền để giúp đỡ nhiều người khác”, Đạt chia sẻ. Thời gian sau đó chàng thanh niên lao vào đọc sách về kinh doanh, tập chơi cổ phiếu để hiểu thêm về thị trường. Khi nghĩ mình đã tích lũy đủ kiến thức, cậu mở một chuỗi cửa hàng nước mía để “tập làm chủ”.
Đạt học được từ sách một điều cậu thấy rất đúng “Vận hành công ty toàn cầu hay quán cóc vỉa hè thì cũng chỉ xoay quanh một số vấn đề nhất định”. Đó là các vấn đề về nhân sự, nguồn vốn, đối tác, công nghệ, khách hàng. Khi làm thực tế, vấn đề con người khiến cậu trăn trở nhất.
Với cửa hàng đầu tiên mở gần trường đại học, mười mấy nhân viên đều là sinh viên, Đạt thấy những vấn đề tuổi trẻ của bản thân lại một lần nữa tái hiện trước mặt. Các bạn trẻ đa số chọn trường theo ý bố mẹ, không biết mình học đúng ngành không, ra trường sẽ làm gì, bản thân mình thích gì, sau 5 năm, 10 năm nữa mình là ai… “Đến lúc này tôi nhận ra việc cả tuổi trẻ mình vô định không phải vì không có đầy đủ ba mẹ mà đây là vấn đề của phần lớn xã hội”, Đạt nói.
Khi mở thêm tiệm nước mía thứ hai và ba ở vùng ven Sài Gòn, chàng trai tiếp xúc với nhiều mảnh đời khác nhau, từ những người trẻ bỏ học trên chuyến xe từ Bắc vào Nam kiếm việc, đến người trung niên không nghề nghiệp hay công nhân đủ mọi ngành nghề… “Tôi tiếp tục phải thốt lên là họ không có bất cứ cơ hội nào để thay đổi cuộc đời. Họ sẽ chỉ càng ngày càng nghèo thêm vì kiến thức chuyên môn không có, mối quan hệ không có, kĩ năng sống không có. Trong khi có quá nhiều rủi ro bao quanh họ như bị lừa đảo, cho vay nặng lãi hoặc một tai nạn, một căn bệnh cũng sẽ làm cả gia đình điêu đứng”, chàng trai trăn trở.
Nếu như hồi đi cứu trợ ở Nha Trang cậu nghĩ chỉ có những người ở quê mới phải đối mặt việc không có việc làm, không có cơ hội đổi đời thì nay ngay tại thành phố lớn, con số đó vẫn có quá nhiều. Rất nhiều câu hỏi “tại sao” lởn vởn trong đầu. Để rồi cuối cùng cậu đi đến một quyết định: “Tôi muốn thế hệ trẻ Việt Nam sống có định hướng”. cậu ấp ủ về một mạng xã hội việc làm mang đến công việc phù hợp cho tất cả.
Lê Hoàng Đạt (áo vest giữa) cùng nhân viên công ty mình tiếp đón các nhà đầu tư đến từ Nhật, tháng 4/2020. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Ông chủ trẻ nhớ đến một câu trong cuốn Nhà giả kim: “Khi bạn thực sự mong muốn một điều gì, cả vũ trụ sẽ hợp lại giúp bạn đạt được nó”. Một dịp tình cờ, Đạt có cơ hội trò chuyện và thổ lộ với ông Trần Đình Quyền, chủ tịch tập đoàn lớn về dự án của mình. Câu hỏi đầu tiên mà ông Quyền đặt ra là: “Ứng dụng của cháu có giúp người ta tránh bị bóc lột, lừa đảo không?”.
Đứng trước người lãnh đạo một tập đoàn nghìn tỷ, cậu run nhưng không sợ. Đạt nói: “Cháu sẽ làm một mạng xã hội việc làm với một mô hình rất mới so với các trang web tuyển dụng hiện tại”.
Đó là nơi người tìm việc và nhà tuyển dụng có thể trực tiếp tìm thấy nhau, không phải qua nhiều lớp trung gian. Ứng dụng không chỉ giúp kết nối con người đến một công việc phù hợp, mà còn giúp người dùng xây dựng định hướng về tương lai và lộ trình rèn luyện phát triển bản thân. Nơi đây, những người thành công có thể chia sẻ kiến thức, trải nghiệm và giúp đỡ người đi sau cùng phát triển. “Chắc chắn sẽ hạn chế được những rủi ro, lừa đảo, bóc lột, vì đây là một trong những tiêu chí tiên quyết của sản phẩm”, đôi mắt cậu đầy quyết tâm..
Nhận định công nghệ thông tin rất quan trọng cho sự phát triển trong xu thế mới với tập đoàn mình và đất nước, ông Quyền hứng thú trước những điều chàng trai trẻ nói. “Mỗi năm có hàng nghìn kĩ sư ra trường, song để tìm một người như Đạt không dễ. cậu ấy học hành bài bản, có kinh nghiệm nhiều năm làm việc cho tập đoàn lớn của nước ngoài, hơn hết có khả năng làm việc độc lập, chịu khó học hỏi, tìm tòi cái mới”, ông Trần Đình Quyền chia sẻ.
Sau cuộc trò chuyện, ông Quyền quyết định đầu tư cho Đạt với lời dặn: “Hãy làm cho nó thành như những gì cháu nói” đồng thời giao cho cậu làm giám đốc công ty công nghệ của tập đoàn mình.
Lê Hoàng Đạt (ngoài cùng phải) giới thiệu dự án Điện sinh khối với phó Tổng giám đốc Điện lực Việt Nam, ông Nguyễn Tài Anh (giữa), ngoài cùng là ông Trần Đình Quyền. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Được đứng “trên vai người khổng lồ”, Đạt bớt đi nỗi lo tài chính, chuyên tâm vào làm chuyên môn. Dù vậy, hành trình này vẫn không hề dễ dàng với chàng trai trẻ thiếu nhiều kinh nghiệm quản trị thực tế.
Giai đoạn đầu cậu bê nguyên cách quản lý và vận hành kinh doanh của tập đoàn lớn áp dụng vào startup nhỏ. cậu từng tuyển dụng những nhân viên kỳ cựu với niềm tin họ sẽ làm tốt được những định hướng đề ra, nhưng thực tế họ mất đi sự nhanh nhạy, sáng tạo và quan trọng hơn cả là nhiệt huyết cống hiến. Những điều này khiến con đường của Đạt bị rẽ ngang, rẽ dọc, chậm trễ. Thậm chí có những giai đoạn xuất hiện những yếu tố có thể khiến cậu lung lạc mục tiêu, ví dụ như chủ tịch một hãng gọi xe mời cậu về làm CEO. Nhưng Đạt từ chối.
Quá trình làm app phải “đập đi, xây lại” nhiều lần. Đỉnh điểm khi làm tới tháng thứ 5, cậu quyết định xây lại app hoàn toàn mới theo phương án của giám đốc công nghệ mình mới tuyển. Không ngờ mới được hai tháng, người này rút khỏi dự án của Đạt để xây dựng công ty riêng, đồng thời kéo theo gần nửa nhân viên đi. Số nhân viên còn lại cũng dược cảnh báo “không trung thành, không nhiệt huyết”.
“Tôi stress, nhiều đêm không nhắm mắt được. Tôi cảm thấy lạc lõng ngay trong chính công ty của mình”, doanh nhân trẻ nói.
Ban đầu Đạt định sa thải hết những nhân viên có ý định chuyển đi. Nhưng 5 phút trước cuộc họp, cậu thay đổi. Đạt quyết định đối mặt với nhân viên của mình. cậu dõng dạc nói: “Tôi biết hết những ai làm ở đây nhưng lòng đặt chỗ khác. Nhưng tôi sẽ không sa thải ai hết. Những ai muốn đi, chỉ cần báo tôi sẽ sắp xếp. Ai cam kết ở lại tôi rất hoan nghênh”.
“Bị đặt vào tình thế bắt buộc phải lựa chọn, tôi đã quyết định giữ họ lại, đối thoại thẳng thắn với họ, mà lúc đó bản thân tôi cũng không biết mình đúng hay sai”, chàng trai bộc bạch. Sau này sự việc qua đi, Đạt nhận ra mình đã đúng.
Khó khăn vẫn trùng trùng. Khi ấy trong tập đoàn còn có những người nghi ngờ về thành công của app và năng lực của Đạt. Đa số quay lưng, chỉ còn số ít ủng hộ, trong đó có ông Trần Đình Quyền. Ông tiếp tục cho chàng trai trẻ lời khuyên: “Trên con đường đi tới thành công sẽ phải trải qua vô số thất bại. Cháu chỉ mới gặp 0.01% thất bại thôi”.
Từng bước Đạt xây dựng lại đội ngũ của mình, vừa làm app, vừa làm các dự án của tập đoàn. Tháng 1/2020, nhà đầu tư Nhật tới thăm công ty của Đạt. App của teaam cậu dù chưa hoàn thiện nhưng có nhiều điểm khiến họ ồ lên. Ví như, bật bản đồ lên sẽ biết xung quanh đang có chỗ nào tuyển dụng hoặc ai muốn tìm việc gì. Bạn đi làm cả tuần, cuối tuần muốn làm gì, có sở trường gì cũng có thể đăng hồ sơ lên…
Nhà đầu tư Nhật đã đầu tư và định giá startup của Đạt 2 triệu USD dù mới đang chạy thử. Lê Hoàng Đạt dự kiến sẽ ra mắt mạng xã hội việc làm vào mùa hè này.
Giờ đây nhìn Đạt đã bước đầu gặt hái được những thành công, ông Luân cũng như những người bạn của bố Đạt rất vui mừng nhưng vẫn nhắc nhở cậu: “Các bác giúp con không phải để báo đáp lại mà hi vọng sau này thành công, con phục vụ đất nước, giúp đỡ đàn em”.
Xem Video: sinh viên mới ra trường ảo tưởng về lương cao