Công ty cổ phần Đại Thiên Lộc với mã chứng khoán DTL đang niêm yết và giao dịch trên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE). Mới đây công ty công bố lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản về việc hủy niêm yết tự nguyện tại HOSE và sẽ đăng ký giao dịch trên UPCoM. Ngày đăng ký cuối cùng chốt danh sách cổ đông để lấy ý kiến bằng văn bản là 18.10.
Công ty hoạt động trong lĩnh vực sản xuất lá mạ kẽm (tôn kẽm), thép lá mạ màu (tôn màu), mạ hợp kim nhôm – kẽm (tôn lạnh), thép lá cán nguội, thép ống/hộp… Địa bàn
kinh doanh chủ yếu là thị trường miền Đông Nam bộ và miền Bắc.
Thông báo lấy ý kiến
hủy niêm yết không nêu rõ lý do. Năm 2018, công ty bị lỗ 17,2 tỉ đồng và đến 6 tháng đầu năm nay tiếp tục lỗ thêm 37,6 tỉ đồng. Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại ngày 30.6.2019 là âm 277,8 tỉ đồng. Cổ phiếu DTL đã bị đưa vào diện cảnh báo từ tháng 4.2019 và vẫn chưa đưa ra khỏi danh sách này vì chưa khắc phục được thua lỗ.
Ngay sau khi công bố thông tin về việc lấy ý kiến cổ đông nêu trên, cổ phiếu DTL giảm sàn trong phiên 27.9 xuống 26.000 đồng/cổ phiếu với khối lượng khớp lệnh vỏn vẹn 10 cổ phiếu. Nhiều phiên giao dịch trước đây thanh khoản cổ phiếu DTL cũng rất èo uột, có phiên không có ai mua hay bán.
Từ đầu năm đến nay, HOSE ghi nhận 8 trường hợp
doanh nghiệp bị hủy niêm yết bắt buộc do bị thua lỗ liên tục, kiểm toán đưa ra ý kiến trái ngược hoặc vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ
công bố thông tin gồm Công ty cổ phần đầu tư Cao su Quảng Nam (VHG), Công ty cổ phần
đầu tư và phát triển dự án hạ tầng Thái Bình Dương (PPI), Công ty cổ phần đầu tư thương mại thủy sản (ICF), Công ty cổ phần TIE (TIE), Công ty cổ phần Damac GLS (mã KSH), Công ty cổ phần đầu tư
địa ốc Khang An (KAC) và Công ty cổ phần Tập đoàn Hoàng Long (HLG). Duy nhất chỉ có Công ty cổ phần
công nghệ mạng và truyền thông (mã CMT) hủy niêm yết tự nguyện.
Việc các công ty hủy niêm yết tự nguyện rất ít khi xảy ra trên sàn
chứng khoán. Các chuyên gia
tài chính nhận định điều đó sẽ không có lợi cho các cổ đông và thương hiệu của công ty.