Cầu Cổ Phúc qua sông Hồng (huyện Trấn Yên) được khởi công xây dựng vào cuối năm 2019 với tổng mức đầu tư 330 tỷ đồng. Đây là một trong những công trình trọng điểm của tỉnh Yên Bái để chào mừng đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 – 2025. Hiện nay đơn vị thi công là công ty TNHH Trung Chính đang đẩy nhanh tiến độ thi công các hạng mục để phấn đấu hoàn thành và đưa vào sử dụng trước Tết nguyên đán Tân Sửu 2021.
Đồng chí Nguyễn Đức Mầu – Phó Chủ tịch UBND huyện Trấn Yên thăm công trường thi công cầu Cổ Phúc
Huyện Trấn Yên có 21 xã, thị trấn nằm dọc 2 bên bờ sông Hồng, trong đó thị trấn Cổ Phúc là đơn vị hành chính trung tâm kinh tế – xã hội của huyện (nằm ở phía tả của dòng sông). Đã bao đời nay, dòng sông chia cắt các xã bên phía hữu ngạn như: Y Can, Quy mông, Kiên Thành, Hồng Ca, Hưng Khánh, Lương Thịnh… với trung tâm huyện. Điều này anh hưởng không nhỏ tới sinh hoạt và phát triển kinh tế của người dân. Hàng ngày, có khoảng 700 lượt người dân ở 2 bên bờ sông vẫn phải di chuyển qua các bến đò ngang để giao lưu, trao đổi buôn bán hàng hóa. Nếu vào mùa mưa lũ sẽ bị chia cắt hoàn toàn. Những sản phẩm nông lâm nghiệp cần vận chuyển qua sông thì phải chở bằng ô tô đi qua những cây cầu thuộc địa phận thành phố Yên Bái, cách trung tâm huyện Trấn Yên hơn 10 km. Ước mơ của các cấp chính quyền và người dân Trấn Yên về 1 cây cầu vượt Sông đã trở thành hiện thực khi vào tháng 12/2019 cây cầu Cổ Phúc đã chính thức được khởi công.
Công trình cầu Cổ Phúc được thiết kế vĩnh cửu bằng kết cấu bê tông cốt thép, sử dụng công nghệ thi công hiện đại, quy mô bề rộng toàn cầu là 12m, chiều dài 400m, đường dẫn hai đầu cầu dài 1.400m, với tổng mức đầu tư 330 tỷ đồng. Kỹ sư Hồ Xuân Hưng – Cán bộ phụ trách kỹ thuật công trình Cầu Cổ Phúc cho hay: “Để đẩy nhanh tiến độ, đơn vị thi công là công ty TNHH Trung Chính đã huy động hệ thống máy móc, thiết bị và 80 công nhân chia ca làm việc 24/24h. Đến nay công trình đã hoàn thành 2 trụ ở dưới lòng sông và một trụ bên phía bờ Y Can, đảm bảo vào mùa mưa lũ khi nước sông Hồng dâng cao sẽ không ảnh hưởng đến tiến độ thi công”. Đơn vị chủ đầu tư là Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Yên Bái cũng tăng cường thực hiện các quy định về quản lý đầu tư xây dựng, thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, kiểm soát tiến độ thi công và chất lượng công trình”.
Công trình cầu Cổ Phúc có điểm đầu tại nút giao ngã ba đường tỉnh lộ 163 (Yên Bái – Khe Sang) Km 14+800 thuộc thị trấn Cổ Phúc nối sang điểm cuối tại vị trí giao cắt với đường tỉnh lộ 166 (Âu Lâu – Đông An) km 8+700 thuộc xã Y Can, huyện Trấn Yên. Nguyễn Đức Mầu – Phó chủ tịch UBND huyện Trấn Yên trao đổi: “Trong quá trình triển khai dự án thi công công trình, huyện Trấn Yên chỉ đạo các ngành chức năng phối hợp với các địa phương trong phạm vi thi công cầu và đường dẫn 2 bên cầu thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng; tạo sự đồng thuận và ủng hộ tuyệt đối của người dân, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để các đơn vị thi công công trình đảm bảo tiến độ, chất lượng; có trách nhiệm đảm bảo an ninh trật tự tại khu vực triển khai thi công và quản lý tốt các quỹ đất dọc hai bên đường dẫn của cầu theo đúng quy hoạch đã phê duyệt”.
Cầu Cổ Phúc là cây cầu đầu tiên nối hai bờ sông Hồng được xây dựng trên địa bàn huyện Trấn Yên, sẽ góp phần kết nối các xã hữu ngạn sông Hồng của huyện Trấn Yên với trung tâm huyện, tạo sự liên kết, thu hút đầu tư, mở rộng không gian phát triển đô thị, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của huyện Trấn Yên nói riêng và của tỉnh Yên Bái nói chung
Xem Video: Yên Bái xây cầu Cổ Phúc hơn 300 tỷ vượt sông Hồng
XEM VIDEO CLIP: zSdahaK_iZ8