Cổ phiếu của Công ty cổ phần Đầu tư và công nghiệp Tân Tạo (ITA) tăng trần 5 phiên liên tiếp, nhảy vọt từ vùng 2.800 đồng lên 3.640 đồng.
Hơn 94 triệu cổ phiếu ITA được sang tay trong tuần này, ghi nhận thanh khoản kỷ lục theo tuần từ khi niêm yết trên sàn HoSE cách đây gần 14 năm. Trong phiên cuối tuần (29/5), khối lượng khớp lệnh đạt trên 12 triệu đơn vị nhưng dư mua tại giá 3.640 vẫn còn trên 5,4 triệu đơn vị.
Dòng tiền đổ mạnh và đón sóng tăng từ những thông tin tích cực, theo nhiều nhóm phân tích, là động lực chính cho mạch tăng ấn tượng này.
Đánh giá sâu về diễn biến bất thường của ITA, giám đốc phân tích của một công ty chứng khoán tại TP HCM cho rằng đợt giảm mạnh vào cuối tháng 3 đưa cổ phiếu này trở về vùng giá hấp dẫn. Giá đóng cửa phiên gần nhất tăng gấp đôi so với ngày 31/3 và tăng 30% so với đầu năm. ITA qua đó trở thành một trong những mã penny được nhà đầu tư ưu tiên cho chiến lược lướt sóng.
“Làn sóng chuyển dịch các nhà máy sản xuất trên thế giới sang Việt Nam và quyết định lập tổ công tác đặc biệt của Chính phủ để thu hút dòng vốn FDI cũng là tác nhân quan trọng giúp cổ phiếu này thăng hoa”, vị này nói.
Tuy nhiên, ông khuyến cáo dòng tiền chảy vào ITA mang tính đầu cơ ngắn hạn và tranh thủ hưởng lợi từ những thông tin của thì tương lai. Khi thị trường biến động theo chiều tiêu cực, dòng tiền này có thể bị rút nhanh nên mạch tăng nhiều khả năng không bền vững.
Kế hoạch kinh doanh năm nay của doanh nghiệp này cũng khá thận trọng, theo đó doanh thu và thu nhập giảm khoảng 35% so với năm trước, còn 842 tỷ đồng. Những giải trình của ban lãnh đạo tại phiên họp đại hội đồng cổ đông thường niên vào giữa tuần tới có thể mang tính quyết định đến xu hướng ngắn hạn của cổ phiếu.
Theo tờ trình mới công bố, ban lãnh đạo Tân Tạo cho thấy rõ tham vọng đón đầu cơ hội khi bất động sản công nghiệp tăng nhiệt sau Covid-19. Công ty đang tìm kiếm các tổ chức, quỹ đầu tư nước ngoài có năng lực tài chính để thoái vốn một số dự án thương mại dịch vụ, nghỉ dưỡng… nhằm trả nợ ngân hàng và chuyển hướng vào dự án trọng điểm như khu công nghiệp Tân Đức giai đoạn 2, khu công nghiệp Sài Gòn Mekong rộng 200 hecta. Công ty cũng sẵn sàng điều chỉnh quy hoạch dự án khu Ecity Tân Đức phù hợp với nhu cầu khách hàng, duy tu nhà xưởng hiện hữu và xây dựng thêm nhà xưởng mới để thu hút nhà đầu tư.
“Nhìn chung các công ty phát triển khu công nghiệp khác vẫn triển vọng do nhu cầu tăng mạnh. Nguồn cung giai đoạn từ nay đến 2021 vẫn hạn chế nên các công ty sở hữu quỹ đất tại những vị trí đắc địa và danh mục khách hàng lớn sẽ có ưu thế”, nhóm phân tích của Công ty Chứng khoán VNDirect nhận định.
Phương Đông