Gia LaiPhát hiện hai cây phượng 40 tuổi mục rỗng, có nguy cơ đổ, trường THCS Trần Phú, TP Pleiku, đề xuất đốn hạ nhưng chưa được giải quyết.
Ngày 30/5, Hiệu trưởng Nguyễn Đình Nghệ cho biết, sau sự cố cây phượng đổ đè 18 học sinh ở Sài Gòn, nhà trường rất lo ngại về hai cây phượng cổ thụ trong khuôn viên.
Trong đó, một cây nằm giữa sân trường cao khoảng 7 m, đường kính hơn nửa mét, tán rộng, đang trổ hoa nhưng gốc và một vài nhánh đã mục rỗng, dễ đổ gây nguy hiểm cho giáo viên và hơn 1.700 học sinh thường vui chơi, chào cờ đầu tuần. “Hiện, trường cho giăng dây quanh hai cây phượng, không cho học sinh đến gần”, ông Nghệ nói.
Hồi cuối năm 2016, một cây phượng trong trường đang xanh tốt, trời không có gió nhưng bất ngờ đổ sát khu vực để xe của học sinh. May mắn không làm ai bị thương.
Theo ông Nghệ, trường nhiều lần có tờ trình Phòng giáo dục và Đào tạo; Phòng Quản lý đô thị TP Pleiku xin chặt hai cây phượng nhưng chưa được giải quyết. “Quan điểm của tôi là phải chặt cây đi, bởi tính mạng học sinh và giáo viên là trên hết”, ông Nghệ nói.
Ngoài ra, khuôn viên Trường THCS Trần Phú còn có hàng chục loại cây lớn như xà cừ, thông, hoa sữa… trên 10 năm tuổi.
Ông Nguyễn Đình Thức (Trưởng phòng Giáo dục TP Pleiku) cho biết, phòng sẽ tham mưu với cấp liên quan xem xét đề xuất của trường THCS Trần Phú. “Đốn hạ cây xanh phải có sự khảo sát và đồng ý của đơn vị quản lý, nên cần có thời gian”, ông Thức nói.
Trước đó, Sở Giáo dục và Đào tạo Gia Lai yêu cầu các trường thường xuyên kiểm tra, cắt tỉa cành, nhánh cây cao, cây cổ thụ dễ gãy đổ, mục rỗng ở khuôn viên trường. Giáo viên, nhân viên và học sinh chú ý cảnh giác với thiên tai, đảm bảo an toàn trường học, nhất là trong mùa mưa bão.
Động thái này được đưa ra sau khi cây phượng cổ thụ trong trường THCS Bạch Đằng, TP HCM đổ đè 18 học sinh, khiến một em tử vong và nhiều em bị thương nặng. Một số cây phượng ở Đăk Lăk, Bình Dương cũng bật gốc, đổ trong sân trường.
Trần Hóa