HomeThương trườngSóng ngầm các đại đô thị đổ về cực Đông Sài Gòn

Sóng ngầm các đại đô thị đổ về cực Đông Sài Gòn

TP HCMĐề án lập thành phố phía Đông có thể tạo nên làn sóng các dự án nhà ở quy mô lớn dịch chuyển về tâm điểm mới này.

Vài tuần qua, thông tin lập thành phố phía Đông, xây dựng đô thị sáng tạo được chính quyền thành phố hâm nóng trở lại tạo nhiều kỳ vọng về sự phát triển mới, cải thiện phần nào tâm lý trì trệ do tác động của Covid-19. Nhiều chuyên gia dự báo đề án còn phải trải qua nhiều bước thẩm định của trung ương song ý tưởng thành phố trong lòng thành phố đã ngầm tác động đến sự dịch chuyển của thị trường địa ốc theo hướng các nguồn lực hút về cực Đông.

Bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Tổng giám đốc Đại Phúc Land cho rằng, chính quyền TP HCM ấp ủ một thành phố phía Đông dựa trên các luận cứ khách quan và khoa học về hạ tầng giao thông, xã hội lẫn vị trí chiến lược của khu vực này. Nơi đây hội tụ đủ các yếu tố để hình thành nên một trung tâm mới về kinh tế, giáo dục, công nghệ, thương mại và dịch vụ, vui chơi giải trí… giúp thành phố phát triển toàn diện cả về chiều rộng lẫn chiều sâu trong tương lai gần.

CEO Đại Phúc Land dự báo, dù các đề án về thành phố phía Đông cần nhiều thời gian chờ đợi sự đồng thuận từ trung ương, các nhà đầu tư lớn đã sớm nhấn nút khởi động tiến về khu vực này để gia tăng ảnh hưởng và tranh thủ sự hiện diện.

Từ các chủ đầu tư trong nước như Vingroup, NovaLand, Khang Điền, Đại Quang Minh, Nam Long, Hưng Thịnh, Him Lam… đến các chủ đầu tư nước ngoài bám trụ lâu năm tại TP HCM như Kepple Land, Capital land, Mapple Tree… đều đã sớm có mặt tại khu Đông. Điều này cho thấy xu hướng các đại đô thị dần dịch chuyển về cực Đông thành phố hứa hẹn sẽ mạnh dần lên trong tương lai.

Bà Hương đánh giá, cùng với làn sóng các đại đô thị đổ về phía Đông TP HCM, dòng vốn, mức độ thu hút các nhà đầu tư mới về đây nhiều khả năng cũng tăng cao. Điều này giúp mang lại sự cộng hưởng về sự phát triển kinh tế, xã hội chung cho cả thành phố trong tầm nhìn dài hạn.

Khu Đông TP HCM, đoạn đi qua quận 2. Ảnh: Quỳnh Trần

Khu Đông TP HCM, đoạn đi qua quận 2. Ảnh: Quỳnh Trần.

Trong khi đó, ông Phạm Lâm, CEO DKRA Vietnam đánh giá, kế hoạch “thành phố trong thành phố” ở cực Đông có thể tạo ra động lực thu hút nguồn nhân lực, tài lực đồng thời tác động cộng hưởng rất lớn cho thị trường bất động sản trên địa bàn này nói riêng và cả Sài Gòn nói chung. Từ dòng vốn đầu tư ban đầu cho quy hoạch, hạ tầng khu Đông, thành phố có thể khơi thông nhiều nguồn lực từ khắp nơi đổ về đây, kéo theo những dòng vốn quy mô lớn theo cấp số nhân vào thị trường nhà ở, thương mại, dịch vụ, giáo dục, giải trí…

Xu hướng các đại đô thị dịch chuyển về khu Đông theo bước chân của các nhà phát triển bất động sản hàng đầu đã được kiểm chứng qua nhiều năm trước đó và hứa hẹn sẽ tiếp tục nở rộ. Ông Lâm phân tích, trên thực tế, không chờ đợi đến khi đề án thành lập thành phố phía Đông Sài Gòn được thông qua, từ những năm 2013-2015 các nhà đầu tư lớn tại thị trường Việt Nam đều đã hiện diện tại trục đô thị tiềm năng này.

Các công trường của những khu đô thị cực đại như Vạn Phúc City (Thủ Đức), Vinhome Grand Park (quận 9), khu đô thị Sa La (Thủ Thiêm, quận 2) không hề đơn độc mà hứa hẹn tiếp nối thêm nhiều siêu đô thị khác trên hành trình hoàn thiện diện mạo của thành phố mới phía Đông Sài Gòn.

CEO DKRA Vietnam nhận định, lý do đầu tiên dòng vốn khủng không ngừng dồn về cực Đông Sài Gòn là khu vực này có vị trí chiến lược kết nối vùng kinh tế trọng điểm của trục tứ giác TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu. Lý do thứ hai là hạ tầng giao thông phía Đông Sài Gòn được đầu tư tốt gồm đầu tư mới và mở rộng vài năm gần đây. TP HCM hiện triển khai khoảng 216 dự án hạ tầng giao thông, trong đó các dự án hạ tầng khu Đông chiếm tới 70% tổng nguồn vốn 350.000 tỷ đồng đầu tư cho giao thông thành phố giai đoạn 2010 – 2020.

Mặt khác, theo ông Lâm, khu Đông còn có vùng đệm chiến lược là Thủ Thiêm, nơi được quy hoạch sẽ trở thành trung tâm tài chính mới của Sài Gòn và chỉ cách lõi trung tâm cũ (quận 1) bởi một dòng sông. Đây là tính kế thừa và kết nối hoàn hảo của khu Đông với phần còn lại của TP HCM.

Giám đốc Công ty Ngọc Châu Á, Nguyễn Lộc Hạnh dự báo nếu đề án thành lập thành phố phía Đông Sài Gòn được trung ương thông qua, đồng thời việc sáp nhập 3 quận khu Đông diễn ra tốt đẹp, sẽ tạo ra những làn sóng siêu đô thị xuất hiện xoay quanh tâm điểm mới này.

Đây có thể là bước khởi đầu mở đường cho làn sóng các đại đô thị mọc lên trong bán kính di chuyển 30-45 phút quanh thành phố phía Đông trong điều kiện kết nối giao thông vùng dễ dàng, nhanh chóng. “Sự dịch chuyển các đại đô thị về phía Đông có thể diễn ra âm thầm trong giai đoạn đầu nhưng càng về sau càng mạnh mẽ”, ông Hạnh dự báo.

Chuyên gia này cho biết thêm, việc thống nhất 3 quận thành lập thành phố khu Đông với các cơ chế phát triển đặc thù, riêng biệt sẽ là động lực phát triển kinh tế xã hội. Đây cũng là cơ hội rất lớn về công ăn việc làm, gia tăng nhu cầu nhà ở cũng như thu hút nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước, tạo dựng nền tảng vững chắc để dần lấp đầy các đại đô thị vệ tinh phía Đông. Xa hơn nữa, quy hoạch đô thị sáng tạo còn giúp giãn dân thành công, thoát khỏi xu thế hướng tâm (đổ dồn về trung tâm cũ) gây ách tắc giao thông, quá tải hạ tầng và ô nhiễm đô thị.

Trung Tín

Nguồn bài viết

Xem nhiều

spot_img