Theo nghiên cứu của viện Kinh tế năng lượng và phân tích tài chính (IEEFA), trong năm tài khóa 2019-2020 năng lượng tái tạo chiếm 2/3 nguồn năng lượng mới của Ấn Độ.
Vệ sinh các tấm pin tại một trang trại năng lượng mặt trời ở Jagadhri, bang Haryana, Ấn Độ.
Năm 2018, Cơ quan Năng lượng Quốc tế IEA dự báo nhu cầu than của Ấn Độ sẽ tăng gấp đôi vào năm 2040.
Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, chính sách đúng đắn về việc chuyển hướng sang năng lượng sạch vào đúng thời điểm khiến nhu cầu nhiệt điện than tại Ấn Độ sẽ sớm bão hòa.
“Tôi nghĩ nhu cầu sử dụng nhiệt điện than sẽ bão hòa trong thập kỷ này. Khả năng Ấn Độ sẽ gây ngạc nhiên thực sự cho cộng đồng quốc tế và đóng góp hiệu quả vào công cuộc phi carbon hóa trên toàn cầu” – Tim Buckley, Giám đốc Nghiên cứu tài chính năng lượng khu vực Australia và Nam Á phát biểu tại viện kinh tế năng lượng và phân tích tài chính (IEEFA).
Năng lượng tái tạo tại Ấn Độ đã nhận được sự ủng hộ từ trước cuộc khủng hoảng do Coѵīd-19 nhờ các chi phí giảm nhanh.
Tại Hội nghị Thượng đỉnh khí hậu của Liên Hợp Quốc tổ chức ở New York năm ngoái, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cam kết sẽ tăng gấp đôi mục tiêu năng lượng tái tạo tại Ấn Độ từ khoảng 87GW hiện nay lên 450GW vào năm 2030, phần lớn từ nguồn năng lượng mặt trời.
Theo các nhà phân tích, chi phí cho việc lắp đặt điện mặt trời vào khoảng 2,5 rupi trên mỗi đơn vị sản xuất ra, trong khi nhiệt điện than là khoảng 4,5 rupi. Thậm chí đối với một số loại pin đắt đỏ hơn để lưu trữ điện vào ban đêm, năng lượng mặt trời vẫn được đấu giá rẻ hơn năng lượng than đầu năm nay.
Trong khi đó, những năm qua, ngành nhiệt điện than phải đối mặt với nhiều khó khăn về tài chính, do hầu hết các nhà máy đều hoạt động dưới công suất.
Theo nghiên cứu của viện Kinh tế năng lượng và phân tích tài chính Ấn Độ (IEEFA), trong năm tài khóa 2019-2020, năng lượng tái tạo chiếm 2/3 nguồn năng lượng mới của Ấn Độ.
Sunil Dahiya, nhà phân tích của Trung tâm nghiên cứu năng lượng và không khí sạch cho biết, trước khi bùng phát đại dịch Coѵīd-19, đã có tín hiệu than đá không phải là nguồn nhiên liệu phát triển năng lượng điện trong tương lai mà phần lớn sẽ là năng lượng tái tạo.
“Hiện nay, đại dịch đã khiến xu hướng này trở nên rõ ràng hơn. Nhiệt điện than có thể đạt đỉnh rồi bão hòa trước năm 2025”, Dahiya nói.
Ở Ấn Độ, năng lượng tái tạo được hưởng lợi từ chỉ thị bắt buộc các công ty phân phối điện phải sử dụng điện mặt trời hoặc điện gió “bất cứ khi nào loại điện này được phát”.
Do được sản xuất từ năng lượng mặt trời và gió, các nhà máy năng lượng tái tạo không phải chịu sự gián đoạn của các chuỗi cung cấp như các nhà máy năng lượng sử dụng nhiên liệu hóa thạch.
Trong những năm gần đây, các nhà đầu tư tư nhân cũng ngày càng miễn cưỡng khi đầu tư vào hạ tầng ngành than Ấn Độ, phần lớn nguồn tài chính là từ các ngân hàng và công ty nhà nước. Trái lại, các nhà đầu tư quốc tế lại sẵn sàng đầu tư mạnh vào năng lượng tái tạo – Tim Buckley cho biết.
Buckley tin rằng chính phủ Ấn Độ có thể đạt mục tiêu sản xuất 450GW năng lượng tái tạo vào cuối thập kỷ này dù còn phải nỗ lực rất lớn.
Tốc độ triển khai năng lượng tái tạo và sự phát triển của nền kinh tế Ấn Độ là yếu tố then chốt quyết định cấu trúc quá trình chuyển đổi. Nó cũng phụ thuộc vào sự sẵn sàng của lưới điện nhằm giải tỏa công suất điện mặt trời và điện gió.
Trong bối cảnh suy thoái toàn cầu và một chính phủ Ấn Độ đang kiệt quệ về tài chính khi phải chiến đấu với đại dịch, sẽ không có gói cứu trợ “nghìn tỷ” nào để tăng tốc sự chuyển đổi sang năng lượng sạch cho Ấn Độ.
Theo Buckley, điều này đòi hỏi Thủ tướng Modi phải tư duy “sáng tạo” về cách thúc đẩy triển khai năng lượng tái tạo “và hướng các nhà đầu tư tư nhân vào đó”.