HomeThương trườngDầu thô Mỹ chốt tháng tăng 88%

Dầu thô Mỹ chốt tháng tăng 88%

“Vàng đen” xác lập tháng tăng cao nhất trong lịch sử nhờ những biện pháp cắt giảm sản xuất mạnh tay và nhu cầu phục hồi sau giai đoạn giãn cách.

Giá dầu bật cao trong phiên vào thứ sáu (29/5), ngày giao dịch cuối cùng của tháng, giúp hàng hóa này xác nhận tháng tăng giá tốt nhất.

Trong phiên cuối tuần, dầu WTI tăng 5,28% lên mức 35,49 USD mỗi thùng dù trước đó đã giao dịch ở mức thấp 32,36 USD do áp lực căng thẳng địa chính trị. Kết quả này giúp dầu thô Mỹ giao dịch trên sàn hàng hóa New York kết thúc tháng 5 với mức tăng 88%. Trong lịch sử, tháng tăng tốt của WTI trước đó là tháng 9/1990 với mức tăng 44,6%.

Dầu thô Brent cũng tăng 0,11% trong phiên cuối tuần lên 35,33 USD. Trong tháng, dầu Brent cũng tăng gần 40%, mức tăng tốt nhất kể từ năm 1999.

Một cơ sở khai thác dầu tại Texas (Mỹ). Ảnh: Reuters.

Một cơ sở khai thác dầu tại Texas (Mỹ). Ảnh: Reuters.

Tuy nhiên, đà tăng không được đánh giá cao bởi các chuyên gia cho rằng biên độ gần 90% trong tháng vì trước đó “vàng đen” đã giảm mạnh và vẫn còn khoảng cách đến mức cao kỷ lục trước. Nói cách khác, giá dầu WTI ở mức 35 USD mỗi thùng không phải là điều đáng để ăn mừng.

“Chắc chắn không phải điều đáng mừng khi giá dầu có tháng tăng cao nhất lịch sử”, Regina Mayor, người đứng đầu mảng thị trường năng lượng của KPMG. “Mức thấp quanh ngưỡng 30 USD mỗi thùng rõ ràng là tốt hơn thời điểm cuối tháng trước nhưng mức giá này chưa đủ để đưa phần lớn ngành sản xuất này trở lại”.

Tháng trước, với hàng tỷ người trên khắp thế giới bị cách ly xã hội trong nỗ lực làm chậm sự lây lan của Covid-19, nhu cầu về dầu đã rơi thẳng đứng, khiến giá lao dốc. Dầu WTI giảm xuống âm và lần đầu tiên bước vào trạng thái âm. Một phần của diễn biến này là do hợp đồng tháng 5 hết hạn, nhưng điều này cũng phản ánh một thực tế rằng không ai muốn nhận dầu khi nhu cầu thực tế suy giảm.

Dữ liệu do Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ mới công bố cho thấy, trong tuần kết thúc vào ngày 22/5, nhu cầu xăng đã tăng lên 7,3 triệu thùng mỗi ngày so với tuần trước. Điều này đánh dấu một sự cải thiện, mặc dù vẫn thấp hơn mức kỷ lục 9,3 triệu thùng một ngày cuối năm 2019. Khu vực lưu trữ tại Cushing, Oklahoma – điểm giao hàng chính với các hợp đồng dầu WTI – giảm 3,4 triệu thùng, trong khi số nhà máy lọc dầu hoạt động cũng tăng lên 71% từ 69%.

Ở phía còn lại, các nhà sản xuất cũng thu hẹp sản lượng với tốc độ kỷ lục khi giá giảm quá nhanh ảnh hưởng đến hoạt động của ngành. OPEC và các nước đồng minh đã đồng ý giảm sản lượng mạnh nhất lịch sử trong cuộc họp bất thường vào tháng 4. Đến đầu tháng 5, Saudi Arabia cho biết, họ sẽ tự nguyện giảm thêm 1 triệu thùng mỗi ngày từ đầu tháng 6, nằm ngoài thỏa thuận của OPEC+. Kuwait và UAE cũng cho biết sẽ giảm thêm sản lượng để thu hẹp chênh lệch cung-cầu.

Tại Mỹ, sản lượng dầu thô cũng giảm xuống còn 11,4 triệu thùng mỗi ngày, thấp hơn 1,9 triệu thùng dưới mức cao kỷ lục của tháng 3 là 13,1 triệu thùng. 

Tuy vậy, việc cắt giảm sản lượng của OPEC+ sẽ thu hẹp dần từ ngày 1/7 và nhóm này dự kiến quyết định xem có nên tiếp tục gia hạn sản lượng trong cuộc họp ngày 9-10/6 hay không.

Nghi ngờ về việc liệu các đợt cắt giảm sâu có được gia hạn hay không đã khiến một số chuyên gia lo ngại về ảnh hưởng đến thị trường dầu trong tuần đầu tháng 6, mặc dù WTI vừa xác lập tuần tăng giá thứ năm liên tiếp.

Minh Sơn (theo CNBC)

Nguồn bài viết

Xem nhiều

spot_img