Đó là ý tưởng của thầy giáo Lê Văn Nam, 25 tuổi,
giáo viên hóa học trường THPT Trần Văn Giàu, Q.Bình Thạnh, TP.HCM. Theo đó, thầy Nam đã cho học sinh làm việc nhóm, các em học sinh tự tìm hiểu về một nguyên tố nào đó mà cảm thấy thích thú, từ đó tự do sáng tạo bằng cách vẽ lại trang Facebook của nguyên tố đó trên trang giấy. Không chỉ cần sáng tạo, mỗi học trò cũng phải nắm những thông tin cơ bản của nguyên tố, thể hiện qua ảnh đại diện, ảnh bìa, các dòng trạng thái, thông tin cá nhân, danh sách bạn bè của nguyên tố đó.
Trang cá nhân của lưu huỳnh
|
“Vừa nghe bài tập xong, các em học sinh hưởng ứng rất nhiệt tình, khi nhận bài từ các nhóm, bản thân tôi bị choáng ngợp với sự
sáng tạo của các em học sinh. Trên trang giấy, các nguyên tố hóa học với Facebook cá nhân hiện lên lộng lẫy và gần gũi hơn bao giờ hết. Tôi nghĩ thông qua bài tập này, các em học sinh sẽ thấy môn hóa học không còn khô khan với những bài tập hóc búa, những con số vô cảm, hay những phương trình hóa học. Các em cảm nhận môn hóa gần gũi, thú vị”, thầy giáo trẻ chia sẻ.
Thầy giáo hài hước khiến trò thêm yêu môn hóa
Cái gì Anken có mà bạn không có? Thầy giáo hóa học trẻ đặt câu hỏi để kết thúc một giờ giảng về Anken (công thức CnH2n), dưới lớp học trò đều nhíu mày suy nghĩ. Đáp án, thầy giáo bóc tờ giấy che hàng chữ đã chuẩn bị sẵn trên bảng “Anken có đôi, còn bạn thì không”. Dưới lớp, học trò cười ngất. Đoạn clip ngắn vài chục giây đó được một học trò biên tập lại, đăng tải lên mạng, thu hút hơn một triệu lượt xem.
Điển trai, hài hước, vui tính, thầy Nam luôn nỗ lực để mỗi bài giảng là những giây phút thú vị cho học sinh, để không còn ai “ngại” học hóa. Đặc biệt trong thời gian
giảng dạy trực tuyến vì
Covid-19, thầy Nam càng cố gắng có nhiều “chiêu” để thu hút các trò không rời màn hình.
Thầy Nam (bìa trái) được các học sinh yêu mến
|
Thầy Nam tự đặt máy quay để quay video bài giảng cho các trò
|
“Khi quay các video bài giảng trực tuyến, tôi thường trăn trở là nên làm gì để bài giảng được sinh động, trực quan và gần gũi hơn. Trong số đó, tôi thường kể về lịch sử của các nguyên tố để kích thích sự tò mò của các em nhiều hơn. Trong các bài giảng trực tuyến, tôi tự lồng ghép các video thí nghiệm để các em có cách nhìn khách quan và cụ thể hơn về các phản ứng hóa học. Hay tôi và bạn mình cũng tập sáng tác bài hát bằng cách lồng các kiến thức hóa học để các em vừa được học vừa được
giải trí. Tôi cũng mong các em cảm nhận được sự cố gắng của thầy giáo, từ đó sẽ tích cực học tập tốt hơn”, thầy Nam bộc bạch.
Thầy giáo là tác giả 5 đầu sách
Thầy giáo trẻ Lê Văn Nam quê ở Hà Nam. Thầy bộc bạch, vốn ban đầu chọn lựa sư phạm chỉ vì mong muốn giúp mẹ thực hiện ước mơ
tuổi trẻ mẹ chưa làm được. Tuy nhiên được các thầy cô Trường ĐH Sài Gòn truyền cảm hứng, anh ngày càng yêu công việc sư phạm hơn. Sớm tìm hiểu về các kỹ năng, anh Nam từng thực tập đi dạy học khi là sinh viên năm nhất.
Sau mỗi ngày dạy học trên trường đã mệt nhoài, về nhà, thầy Nam vẫn livestream (phát trực tiếp trên Facebook) dạy học miễn phí cho các học trò. Thầy chia sẻ, nhìn các dòng bình luận, những câu chuyện vui buồn mà các em học sinh chia sẻ đã tiếp thêm động lực cho thầy.
Thầy giáo trẻ tâm huyết làm sao để học sinh không còn ngại học hóa
|
“Tình yêu với môn hóa của tôi nhen nhóm từ năm lớp 12, khi được làm học trò của thầy Nguyễn Văn Duyên ở trường THPT. Với tính cách giản dị và chân thành, luôn cháy hết mình trong giờ học, thầy Duyên giúp tôi từ một cậu học trò chẳng giỏi môn hóa là mấy bỗng trở nên cực kỳ thích thú môn này. Lên ĐH, tôi tự tìm tòi rồi nhờ các thầy cô trong khoa tư vấn, định hướng để rồi ngày tôi xuất bản được quyển sách đầu tiên, tôi vui như một đứa trẻ, đến nay tôi đã là tác giả của 5 đầu sách về ôn tập môn hóa học”, thầy Nam kể.
Thầy giáo 25 tuổi với sáng tạo Facebook cho nguyên tố bộc bạch: “Hóa học gắn liền với
cuộc sống, thực sự là như vậy. Với đam mê và với niềm tin rằng tôi đang thay mẹ thực hiện ước mơ, tôi càng cố gắng cho mỗi bài giảng hơn. Hạnh phúc nhất, đó là những lúc tôi nghe thấy các trò của mình nói sẽ thi vào sư phạm hóa, tôi nói với các trò,
nghề giáo sẽ nhiều vất vả, hy sinh đấy. Nhưng đến giờ này, nhiều trò cũ của tôi đã bước chân vào cánh cửa sư phạm, tôi sắp có thêm nhiều đồng nghiệp, nghĩ đến đó, tôi cảm thấy trong lòng vui lắm”.