Bằng sự đam mê và quyết tâm vươn lên, các thành viên HTX dịch vụ sản xuất thủy đặc sản Tân Hòa (xã Tân Hòa, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh) đã khẳng định được ưu điểm của mô hình HTX kiểu mới trong phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân.
Các thành viên HTX Tân Hòa hiện nuôi khoảng 40.000 con ba ba thương phẩm (Ảnh: TL)
Xem Video: Làm giàu nhờ nuôi cá trắm cỏ theo hướng an toàn
XEM VIDEO CLIP: J4d9Ppm7NxE
Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nhằm nâng cao thu nhập cho người nông dân, các thành viên HTX Tân Hòa đã tập trung vào nuôi khoảng 40.000 con ba ba thương phẩm. Với đặc điểm vốn có, ba ba thường được người dân gọi là cước ngư (cá có chân).
Liên kết sản xuất
Ban giám đốc HTX cho biết qua nhiều lần tham quan, tìm hiểu các mô hình nuôi thủy sản, các thành viên tâm đắc nhất mô hình nuôi ba ba vì thấy phù hợp với điều kiện của địa phương và dễ tìm được đầu ra cho sản phẩm. Hiện nay, tại các nhà hàng, ba ba là một món ăn đặc sản, được nhiều người ưa chuộng.
Các thành viên đã bắt tay vào xây dựng một số ao nuôi ba ba với hệ thống các ao nhỏ để thuận tiện trong việc phân loại ba ba theo giới tính, độ tuổi và khu vực cho ba ba đẻ trứng.
Xung quanh ao, HTX xây tường bao để tránh trường hợp ba ba có thể bò ra ngoài, trên mặt ao được thả lục bình với mục đích làm mát cho ba ba. Toàn bộ ao nuôi đều có hệ thống dẫn và thoát nước nhằm lưu thông và không để nguồn nước bị ô nhiễm dễ lây bệnh cho ba ba.
HTX nhập giống từ những cơ sở uy tín ở các tỉnh miền Tây Nam bộ để bảo đảm chất lượng. Trong quá trình nuôi, công việc cho ba ba ăn cũng đòi hỏi phải có sự tỉ mỉ và cẩn thận, bởi ba ba chủ yếu ăn vào buổi sáng mát và chiều tối.
Thức ăn cho ba ba được xay nhỏ từ các loại cá tạp với ngô, cứ 10kg cá pha với 5 lạng bột ngô xay nhuyễn rồi mới đem ra ao cho ba ba ăn. Ngoài ra, việc thay nước được xem là khâu quan trọng vì tùy vào từng độ tuổi, các bước thay nước trong ao cũng khác nhau.
Do lượng nước thường xuyên bị ô nhiễm từ thức ăn thừa gây ra và ba ba hay mắc các bệnh như nấm, loét da, các thành viên phải thường xuyên rải vôi bột xuống ao. Khi ba ba có biểu hiện mắc bệnh sẽ được tách đàn và dùng thuốc đặc trị theo khuyến cáo của ngành chức năng để hạn chế thiệt hại.
Nhờ áp dụng đúng kỹ thuật, chịu khó học hỏi kinh nghiệm cũng như phối kết hợp với các ngành chức năng, HTX có thể gối 3 – 4 vụ/năm để thường xuyên có ba ba xuất bán. Sau 14 tháng, ba ba thường có trọng lượng khoảng 1,5 – 2kg/con.
Bảo đảm quyền lợi cho thành viên
Sau 4 năm hoạt động, đến nay, HTX dịch vụ sản xuất thủy đặc sản Tân Hòa có 47 thành viên. Doanh số hàng hóa từ nuôi ba ba khoảng 2,5 – 3 tỷ đồng. Thu nhập bình quân của thành viên hiện vào khoảng 5 triệu đồng/tháng/hộ.
Khi vào HTX, các thành viên có điều kiện trao đổi, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau, nhất là khâu phòng trị bệnh, cách chăm sóc… Từ đó, các hộ nuôi ba ba đạt chất lượng cao hơn so với trước đây tự mày mò nuôi nhỏ lẻ. Việc tiêu thụ sản phẩm cũng ổn định về giá cả.
Các thành viên cũng được HTX hướng dẫn kỹ thuật, xây dựng ao nuôi, chọn con giống, nguồn thức ăn và xử lý các dịch bệnh trong quá trình nuôi, nên lúc nào cũng có ba ba cung ứng ra thị trường.
Tham gia HTX, các thành viên được bảo đảm bao tiêu đầu ra (Ảnh: TL)
Ông Lưu Văn Tĩnh, thành viên HTX, cho biết trước đây cứ tưởng con giống nào cũng nuôi được, nhưng do không có kỹ thuật, vụ đầu tiên ông bị lỗ gần 50 triệu đồng. Từ khi tham gia HTX Tân Hòa, ông không những nuôi thành công ba ba thương phẩm mà còn sản xuất con giống để bán. Ông Tĩnh cho biết, hiện con giống bán với giá 7.000 đồng/con mà vẫn không đủ bán.
Hiện tại, HTX Tân Hòa có tổng cộng 200 ao nuôi, với diện tích trên 40.000m2. Số con giống được thả nuôi tăng lên khoảng 40.000 con. Ba ba thịt có giá khoảng 350.000 đồng/kg loại 1 và loại thấp nhất cũng có giá khoảng 140.000 đồng/kg. Khi người dân tham gia HTX, việc nuôi ba ba sẽ có hợp đồng tiêu thụ rõ ràng, đảm bảo tiêu thụ 100% sản lượng ba ba của thành viên HTX.
Với những gì đã đạt được, HTX Tân Hòa đang lên kế hoạch mở diện tích nuôi ba ba. Để bảo đảm phát triển hiệu quả và bền vững, HTX rất cần sự hỗ trợ của các cấp ngành về nguồn vốn cũng như các kỹ thuật chuyên sâu hơn nữa nhằm giúp người nuôi ba ba yên tâm bám trụ với nghề.