Để có nguồn lực cho gói vay ưu đãi, ông Đào Minh Tú cho biết một số ngân hàng đã cắt giảm chi phí, lợi nhuận và thậm chí cả lương nhân viên.
Chia sẻ tại Hội nghị kết nối ngân hàng và doanh nghiệp sáng 29/5, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết ngành ngân hàng không thể chờ hết dịch mới hỗ trợ doanh nghiệp, khôi phục nền kinh tế.
Khi nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh có dấu hiệu đình đốn và đóng cửa, ngày 13/3, Thông tư 01 được ban hành, giúp thực hiện sớm nhiệm vụ cấp bách là hoãn, giãn các khoản nợ và lãi vay cho doanh nghiệp. Sau đó, Ngân hàng Nhà nước cũng chỉ thị toàn ngành chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp bằng chính tiềm lực của mình. Không chỉ mang tính tình thế, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết nhiệm vụ có thể kéo dài đến hết năm nay.
“Nguồn hỗ trợ của ngân hàng không phải từ gói nào, mà là sự huy động của chính các ngân hàng thương mại từ gửi tiết kiệm, tiền gửi thanh toán… Gói lãi suất 1-2% cũng là cắt giảm từ chi phí, lợi nhuận thậm chí là tiền lương của nhân viên ngân hàng”, ông Tú nói.
Theo thống kê của Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, dịch bệnh khiến 2 triệu tỷ đồng dư nợ bị ảnh hưởng, chiếm khoảng 23% dư nợ toàn hệ thống. Sau hơn hai tháng, các tổ chức tín dụng (bao gồm công ty tài chính và ngân hàng nước ngoài) đã cơ cấu thời hạn trả nợ cho trên 223.000 khách hàng với dư nợ khoảng 151.000 tỷ đồng. Dư nợ được miễn, giảm, hạ lãi suất xấp xỉ 1,14 triệu tỷ đồng. Cho vay mới với lãi suất ưu đãi thấp hơn 0,5-2,5% so với trước dịch khoảng 767.000 tỷ đồng.
Ông Tú cho biết, Thông tư 01 không phải bất biến. Những cơ chế, đặc biệt là thời gian giãn, hoãn các khoản nợ, lãi đến hạn và tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận khoản vay mới sẽ được nghiên cứu để xử lý tốt hơn. Điều quan trọng là cơ chế thông thoáng nhưng không để nợ xấu tái diễn và đảm bảo an toàn cho hệ thống tổ chức tín dụng.
Trước mắt, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo giảm lợi nhuận, phê duyệt lại kế hoạch kinh doanh đối với các ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước.
Dịch bệnh, theo ông Tú, là dịp cơ cấu tổng thể nền kinh tế đối với hệ thống ngân hàng lẫn doanh nghiệp. Hệ thống ngân hàng phải cơ cấu lại và chấp nhận một cuộc chơi cạnh tranh, thể hiện sức mạnh thương hiệu của mình và làm tốt để giữ vững niềm tin của khách hàng. Về phía doanh nghiệp, ngân hàng có cơ hội nhìn đầy đủ hơn vào năng lực tài chính, nguồn lực trả nợ và đâu mới thực sự là doanh nghiệp thuỷ chung với ngành ngân hàng.
“Chúng ta không chỉ quan tâm đến doanh nghiệp yếu thế mà cần hỗ trợ cả doanh nghiệp khoẻ, có khả năng phát triển nhưng vướng mắc trong vấn đề thị trường, tiêu thụ sản phẩm và dòng tiền”, ông Tú băn khoăn.
Phương Đông