Hai năm trước, Phương Thảo, 15 tuổi, bị người khác đăng tin không đúng sự thật về bản thân. Em bị suy sụp, chỉ biết khóa Facebook, Instagram liền 2-3 tháng.
Thảo cho biết, thời điểm đó em không biết giải quyết chuyện này như thế nào. Em đã cố thanh minh nhưng mọi người càng cho rằng thông tin kia là đúng sự thật. “Để không phải đọc thông tin đó và muốn mọi chuyện lắng xuống, em đã khóa các tài khoản mạng xã hội”, Thảo kể.
Sau một thời gian dài khi đã đủ bình tĩnh, Thảo mới dám kể mọi chuyện cho bố mẹ, tìm kiếm sự giúp đỡ. Thảo nhận ra, bắt nạt trên mạng xã hội là có thật, không phải điều gì xa xôi nhưng độ tuổi lúc đó chưa cho phép em tự giải quyết mà không gặp tổn thương tâm lý.
Còn Minh Ngọc, 16 tuổi, đang theo học lớp 10 tại một trường trung học tại Mỹ, lại gặp vấn đề về tính xác thực của nguồn tin khi sử dụng Internet. Ngọc kể, trường có một website đăng tải thông tin, tài liệu tham khảo chính thức cho học sinh truy cập để đảm bảo cung cấp đủ kiến thức cho các em. Tuy nhiên, nhiều lúc trang web bị lỗi hoặc quá tải, Ngọc phải tìm kiếm thông tin khác trên Google.
“Em lo ngại những gì mình đọc và xem được từ ngoài website của trường không chính xác 100%, nếu tiếp nhận phải thông tin giả sẽ ảnh hưởng đến suy nghĩ và nhận thức của mình”, Ngọc nói.
Tại hội thảo xây dựng đề án “Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác sáng tạo, lành mạnh trên môi trường mạng” giai đoạn 2020-2025 tổ chức ở Hà Nội sáng 28/5, ông Hoàng Minh Tiến, Phó cục trưởng An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông, chia các nguy cơ trẻ gặp phải khi sử dụng Internet thành sáu loại.
Thứ nhất, như mọi người dùng Internet, trẻ em cũng đối diện với tin giả (fake news). Tuy nhiên, việc này gây nguy hiểm hơn cho trẻ vì nhận thức chưa được như người lớn dẫn đến khả năng sàng lọc thông tin chính xác kém hơn.
Nguy cơ thứ hai là bắt nạt trên mạng (cyber bullying). Những năm gần đây, cụm từ “cyber bullying” được nhắc đến nhiều hơn khi việc chê bai, “ném đá” một cá nhân diễn ra thường xuyên trên mạng xã hội. Nếu rơi vào hoàn cảnh này, trẻ sẽ bị tổn thương tâm lý nặng nề, không kém gì hành vi bắt nạt trong cuộc sống thực.
Thứ ba, việc sử dụng đồ chơi kết nối Internet có thể khiến các em bị lộ thông tin cá nhân. Tại nhiều quốc gia, đây là thông tin không được phép thu thập.
Khi dùng Internet, trẻ em dễ dàng truy cập vào thông tin có hại như lừa đảo, tôn giáo, chính trị, tình dục… Đây là nguy cơ thứ tư ông Tiến nhắc đến.
Nguy cơ thứ năm và sáu liên quan đến việc trẻ em bị dụ dỗ qua mạng, được yêu cầu gửi hoặc nhận được nội dung liên quan đến tình dục, thường là ảnh khỏa thân hoặc hình chụp những bộ phận nhạy cảm (Sexting).
Ông Tiến dẫn lại câu chuyện gần đây, khi học sinh nghỉ học phòng dịch và phải học online qua các phần mềm trực tuyến, nhiều em đã nhận được lời đề nghị tham dự những cuộc thi sắc đẹp. Người nhắn tin tự xưng là ban tổ chức, yêu cầu các em gửi ảnh khỏa thân để kiểm tra xem có sẹo hay không. “Đây là biểu hiện rất rõ của hành vi Sexting trên mạng mà trẻ em rất dễ gặp phải”, ông Tiến nói.
Dẫn thống kê của Trung tâm quốc gia về trẻ em mất tích và bị lạm dụng tại Mỹ (NCMEC), ông Tiến cho biết, năm 2019 tổ chức này nhận được 16 triệu phản ánh trên toàn cầu về việc trẻ em gặp nguy hiểm trên Internet. Trong đó, hơn 300.000 phản ánh đến từ Việt Nam, xếp thứ ba tại Đông Nam Á, chỉ sau Indonesia và Philippines.
“Chúng ta phải hướng dẫn các con từ sớm rằng như nào là không an toàn, khi bị xâm hại thì đến đâu tìm giúp đỡ. Sử dụng Internet cũng cần phải có vaccine cho trẻ em”, ông Tiến nói.
Bà Nguyễn Thị Kim Hoa, Trưởng phòng Bảo vệ trẻ em, Cục trẻ em, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, cho biết trong 5 tháng đầu năm 2020, tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111 nhận 23.000 cuộc gọi phản ánh của phụ huynh, nhờ hỗ trợ và giải quyết các hành vi xâm hại, dụ dỗ trẻ em trên Internet.
“Trong số đó, chúng tôi hỗ trợ cho hơn 13.000 trường hợp, trực tiếp can thiệp hơn 300 vụ. Con số cần được giải quyết vẫn quá lớn và cần được chung tay của cả cộng đồng”, bà Hoa nói.
Thời gian tới, các bộ Thông tin và Truyền thông, Giáo dục và Đào tạo, Lao động Thương binh và Xã hội, Công an sẽ phối hợp, xây dựng và sửa đổi đề án Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác sáng tạo, lành mạnh trên môi trường mạng. Ngoài việc tạo ra khung hành lang pháp lý và mở rộng, nâng cấp đường dây nóng 111, các bộ sẽ thiết lập cơ sở dữ liệu quốc gia về hình ảnh, video xâm hại trẻ em (CSAM).
Riêng Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng và đưa “Bộ kỹ năng số cơ bản” vào chương trình của môn Tin học. Môn học này sẽ cung cấp cho trẻ em nội dung, kỹ năng như kiến thức về Internet, mạng xã hội, làm thế nào để đảm bảo an toàn thông tin tối thiểu, nhận biết khi bị lợi dụng và nơi cần thông tin, báo cáo…
Với quan điểm “Trẻ em tiếp cận nội dung xấu vì chưa có nội dung đủ tốt”, các bộ sẽ kêu gọi doanh nghiệp, công ty truyền thông tạo ra các ứng dụng lành mạnh, mang tính giáo dục cao để “cân bằng giữa việc bảo vệ và trao quyền cho trẻ em tiếp cận cơ hội học tập trên Internet”.
Thanh Hằng