Người tiêu dùng nhận định, đây là thời điểm vàng để đi du lịch trong nước, bởi các doanh nghiệp và địa phương đều giảm giá mạnh hoặc đưa ra sản phẩm mới, thu hút.
Lượng khách mua tour du lịch đã dần tăng trưởng. Ảnh: Vietravel.
Chị Anh Thư (31 tuổi, sống tại TP.HCM) đang cân nhắc lựa chọn tour du lịch cho gia đình nhỏ vào tháng 6. Chị cho biết sau thời gian dài cách ly xã hội, vợ chồng chị đều cảm thấy ngột ngạt và muốn tìm chỗ nghỉ dưỡng ngắn ngày.
Thực tế, theo nhận định của một số doanh nghiệp và địa phương, nhu cầu du lịch nội địa đã dần khôi phục.
Tín hiệu khả quan cho ngành du lịch
Anh Phúc Đinh, đại diện nền tảng du lịch tự túc Klook tại Việt Nam cho biết từ kỳ nghỉ lễ 30/4 đến nay, lượng khách đặt tour tăng trưởng 2-3 chữ số mỗi tuần.
“Thời gian đầu, người dùng có xu hướng du lịch gần tại Vũng Tàu, miền Tây, Đà Lạt…, nhưng ngày càng có nhiều người đi xa hơn với các tour điển hình từ TP.HCM đến Đà Nẵng, Hội An…”, anh chia sẻ.
Tương tự, trong ngày đầu tiên hoạt động trở lại hồi đầu tháng 5, Vietravel ghi nhận khoảng 100 khách đăng ký tour. Đến nay, có khoảng 1.200 lượt khách mua tour mỗi ngày.
Trong khi đó, đại diện Saigontourist cho hay đã có gần 1.000 lượt khách đặt mua các tour khởi hành trong tháng 5 và tháng 6. Riêng giai đoạn từ ngày 14-24/5, hãng này phục vụ nhiều đoàn khách lẻ đi miền Tây, Đà Lạt, Phú Quốc, Côn Đảo…, có đoàn lên đến 40 khách khởi hành. Còn các hành trình đi các tỉnh phía Bắc và miền Trung từ cuối tháng 5 đến cuối tháng 6 đã gần hết chỗ.
Đồng thời, vị này cho biết các đoàn khách công ty, tổ chức đã bắt đầu liên hệ tư vấn và ký hợp đồng du lịch cho các tour dự kiến khởi hành trong tháng 6 và tháng 7. Chỉ trong ngày 28/5, đơn vị này phục vụ đoàn 40 khách lẻ tham quan Phú Quốc, đoàn 100 khách công ty tham quan Hà Tiên và đoàn 400 khách đi teambuilding tại Vũng Tàu.
“Nhu cầu du lịch sau nhiều tháng phải ở nhà là có thật, nhưng chủ yếu do tôi thấy chi phí rẻ quá. Một số tour giá chỉ bằng khoảng 50% trước đây. Vậy nên điều tôi lo ngại nhất là chất lượng tour có giảm theo giá bán hay không”, chị Anh Thư chia sẻ
Trao đổi với Zing, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh cho rằng để khuyến khích người dân đi du lịch và giữ chân du khách, giá cả là yếu tố quan trọng nhưng phải là song hành với chất lượng dịch vụ. “Không có nghĩa giảm giá mà lại giảm chất lượng dịch vụ”, ông khẳng định.
Theo anh Đinh Hoàng Đức – nhà sáng lập Travel Up, đơn vị nổi tiếng với các tour trekking vùng Tây Bắc, những doanh nghiệp đang lựa chọn khuyến mãi trong giai đoạn này đều chấp nhận cắt giảm lợi nhuận nhằm duy trì lượng khách và doanh thu để ổn định hoạt động.
Doanh nghiệp, địa phương đồng loạt kích cầu
Song song với việc giảm giá kích cầu, nhiều doanh nghiệp và địa phương chú trọng cung cấp sản phẩm mới lạ và phù hợp, chứ không đơn thuần chỉ cạnh tranh về giá. Riêng với Travel Up, do hiện đã qua mùa trekking, hãng giới thiệu thêm các tour đi biển, tắm suối hoặc cắm trại để đáp ứng nhu cầu du lịch mùa hè.
Tương tự, với đặc thù đối tượng khách hàng chính là khách du lịch tự túc, Klook hướng đến du lịch bền vững, gần gũi với thiên nhiên như các tour trekking và xu hướng nghỉ dưỡng ngắn ngày, gói gọn tất cả dịch vụ ăn uống, giải trí, nghỉ ngơi tại một điểm. Nền tảng này mới đây cũng cho ra mắt các dịch vụ cho người dùng trải nghiệm tại nhà như các khóa học, làm đồ thủ công, tour du lịch ảo…
Nhiều sản phẩm du lịch mới với giá ưu đãi liên tục được tung ra trong giai đoạn phục hồi hiện nay. Ảnh: Quỳnh Danh.
Trong khi đó, Vietravel chủ trương làm việc với các địa phương và đơn vị tài chính, ngân hàng để giảm giá dịch vụ, thậm chí tặng bảo hiểm mô tô, xe máy cho khách mua tour. Hãng đồng thời đưa tất cả khâu từ khi đặt tour, lên xe, đến điểm tham quan, vui chơi, nhà hàng, lưu trú… thành một vòng tròn khép kín nhằm đẩy mạnh yếu tố an toàn.
Còn với Saigontourist, bên cạnh các gói kích cầu 90 tour trọn gói truyền thống và hơn 100 tour combo đa dạng dịch vụ, doanh nghiệp phát hành voucher du lịch với mức giá từ 750.000 đồng/khách. Dưới góc độ lưu trú, Tổng công ty tung ra chương trình trải nghiệm khách sạn cổ cao cấp tại Continental, Majestic, Grand và Caravelle với mức giá ưu đãi.
Không chỉ doanh nghiệp, các tỉnh, TP như TP.HCM, Nha Trang, Huế, Lâm Đồng… trong thời gian qua cũng liên tục tổ chức các hội nghị xúc tiến, phát động chương trình kích cầu…
Bà Võ Thị Ngọc Thúy – Phó giám đốc Sở Du lịch TP.HCM cho biết sẽ sớm triển khai chiến dịch “TP.HCM xin chào”, kéo dài đến cuối năm. Trong đó, TP sẽ quảng bá các tour mới về du lịch sinh thái, du lịch y tế, đồng thời đẩy mạnh truyền thông nhằm chuyển tải những giá trị cốt lõi của TP là sự an toàn, sống động và thân thiện.
“Có quá nhiều chương trình kích cầu nên giá cả không còn đủ sức cạnh tranh”, bà Ngọc Thúy nhấn mạnh.
Ngoài ra, Sở Du lịch TP.HCM cũng đang tiến hành các chương trình xúc tiến liên kết vùng. Trong 6 tháng cuối năm, TP triển khai liên kết du lịch với đồng bằng sông Cửu Long. Lần lượt các tháng 6,7,8, TP tổ chức hội nghị xúc tiến với các tỉnh Đông Nam Bộ, miền Trung và Đông Bắc Bộ.