4 tháng đầu năm, tỉnh Bắc Giang thu hút được trên 318 triệu USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), chỉ bằng 31,8% so với mục tiêu thu hút khoảng 1 tỷ USD trong năm 2020. Song đây lại được đánh giá là kết quả khá tích cực trong bối cảnh dịch Coѵīd-19 tác động đến dòng vốn đầu tư trên thế giới.
Tỉnh Bắc Giang thu hút được hơn 318 triệu USD vốn FDI trong 4 tháng đầu năm
Xem Video: Bình Dương tiếp tục đứng thứ hai cả nước về thu hút FDI
XEM VIDEO CLIP: 5RdVvidsYDw
Theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), 4 tháng đầu năm 2020, tỉnh Bắc Giang thu hút được 12 dự án FDI mới, với tổng vốn đăng ký đạt 178,9 triệu USD; 12 dự án đăng ký tăng vốn, với tổng vốn tăng thêm đạt 110,1 triệu USD và 26 dự án được nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần với tổng vốn đăng ký đạt 29,4 triệu USD. Với kết quả này, Bắc Giang đứng thứ 9 trên tổng số 57 địa phương thu hút được FDI trong 4 tháng đầu năm. Lũy kế đến thời điểm hiện tại, tỉnh Bắc Giang đã thu hút được 518 dự án FDI với tổng vốn đăng ký đạt 6,27 tỷ USD.
Các chuyên gia kinh tế nhận định, dòng vốn FDI đầu tư vào Bắc Giang có một số hạn chế, do tập trung chủ yếu vào lĩnh vực gia công, lắp ráp. Trong khi rất ít các dự án tập trung vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo hay nông nghiệp. Đây là một hạn chế, nhất là trong điều kiện đây là địa phương có lợi thế về nông nghiệp, với loại nông sản nổi bật là quả vải thiều. Đặc biệt, các dự án FDI đầu tư tại tỉnh Bắc Giang chủ yếu tập trung tại các khu công nghiệp (KCN) của tỉnh và một số huyện có điều kiện hạ tầng giao thông thuận lợi. Điển hình là tập trung tại các KCN tại huyện Việt Yên và TP. Bắc Giang. Điều này gây áp lực không nhỏ cho công tác thu hồi đất, đảm bảo môi trường, và đáp ứng vấn đề chỗ ở cho người lao động tại những địa bàn trên.
Một số dự án FDI tại đây cũng được đánh giá sử dụng công nghệ trung bình, thậm chí lạc hậu, nên vấn đề chuyển giao công nghệ rất hạn chế. Sự hợp tác giữa doanh nghiệp (DN) FDI với các DN trong tỉnh cũng không mấy khả thi, dẫn đến việc tiếp cận và chuyển giao công nghệ từ các DN FDI không mang lại hiệu quả – TS. Nguyễn Thị Việt Nga – Học viện Tài chính phân tích.
Hiện tại, Bắc Giang được đánh giá là địa phương có nhiều ưu điểm trong thu hút FDI. Bởi bên cạnh vị trí địa lý thuận lợi, nằm ở khu vực chuyển tiếp từ vùng Trung du và miền núi phía Bắc đến vùng đồng bằng sông Hồng, thuộc vùng Thủ đô Hà Nội và nằm trên hành lang kinh tế Lạng Sơn-Hà Nội-Hải Phòng-Quảng Ninh, tỉnh còn có hệ thống giao thông thuận lợi, với đường sắt, đường bộ, đường sông…
Đặc biệt, các chính sách thu hút đầu tư của tỉnh Bắc Giang những năm gần đây được đánh giá khá cởi mở, công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư luôn được địa phương chú trọng. Năm 2016, tỉnh đã khai trương và đưa Trung tâm hành chính công vào hoạt động, trong đó đưa toàn bộ các bộ phận một cửa của các sở, ngành tập trung tại trung tâm để tiếp nhận và trả kết quả, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư thực hiện các thủ tục hành chính.
Nhằm đạt được mục tiêu thu hút 1 tỷ USD vốn FDI trong năm 2020, tỉnh Bắc Giang đang tập trung ưu tiên thu hút đầu tư vào các khu và cụm công nghiệp trên địa bàn. Trong đó, tập trung vào các ngành cơ khí, chế tạo, điện tử, sản xuất điện, chế biến nông-lâm sản, công nghiệp hỗ trợ.
Để đạt được mục tiêu trên, bên cạnh đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn cho DN, địa phương còn tập trung hoàn thiện cơ sở hạ tầng, tạo quỹ đất sạch, và có thêm nhiều cơ chế hỗ trợ nhà đầu tư trong quá trình thực hiện dự án tại địa phương.
Tỉnh Bắc Giang đang ưu tiên các nhà đầu tư phát triển, hoặc mở rộng các dự án nhà máy nhiệt điện trên địa bàn, nhất là dự án năng lượng sạch, năng lượng tái tạo để đáp ứng nhu cầu điện cho sản xuất và sinh hoạt.