Nếu từng có cảm giác khó chịu và tự hỏi “Tại sao tôi phải làm việc với người này?”, bạn cần sắp xếp lại cảm xúc và thảo luận thẳng thắn để cải thiện quan hệ.
Để công việc tiến triển thì cần có sự cộng tác tốt. Nhưng bạn nên làm gì khi gặp phải sự hợp tác kém từ đồng nghiệp? Rào cản chính là bạn sẽ thường xuyên cảm thấy như đâm đầu vào đá. Và điều quan trọng là cách bạn xử lý sau khi xảy ra xung đột với đồng nghiệp. Sau đây là 3 điểm quan trọng.
Sắp xếp lại cung bật cảm xúc
Một cuộc tranh cãi có thể mang lại rất nhiều cảm xúc tiêu cực, như bực bội hay tức giận. Trong khoảnh khắc, người ta thường theo bản năng khi tiếp tục tranh cãi vì biết mình đúng hoặc cho là mình đúng. Nhưng có lẽ tốt hơn là tạm dừng, cho đến khi cả bạn và đồng nghiệp bình tĩnh. Khi đó, bạn sẽ có nhiều khả năng chịu lắng nghe và ít khả năng nói điều mà bạn sẽ thấy hối tiếc.
Vài cách hay để bạn “thiết lập lại cảm xúc”. Sau đây là 3 cách:
Lưu ý đến điểm lạc quan chung: Tạm thời chuyển chú ý sang thứ gì đó nhắc nhở rằng thực tế các bạn không ghét nhau. Điều này có thể làm cân bằng lại những cảm xúc tiêu cực đang bộc phát.
Giải quyết trạng thái căng thẳng: Nói điều gì đó như, “tôi biết chúng ta không thống nhất ý kiến về vấn đề này ngay bây giờ và chúng ta đều khó chịu vì nó. Nhưng tôi luôn lạc quan rằng chúng ta có thể giải quyết được vấn đề”. Điều đó nhắc nhở cả hai về mục tiêu lâu dài trong mối quan hệ, và sự trung thực giúp thúc đẩy một cuộc trò chuyện thoải mái.
Đề nghị nghỉ giải lao: Trở lại thảo luận sau vài ngày, vài giờ hay thậm chí chỉ sau 15 phút, nhằm giúp cả hai có thời gian để hạ nhiệt và tiếp tục cuộc thảo luận cùng với những cảm xúc tích cực hơn.
Thảo luận về những gì xảy ra
Mọi người đều có cách hiểu vấn đề riêng. Bằng cách thảo luận về những gì bạn nghĩ sẽ xảy ra cùng với đồng nghiệp – về cơ bản là cùng nhau tìm hiểu vấn đề, bạn có thể chắc chắn mọi sự hiểu lầm sẽ được giải quyết và cả hai đều lấy lại tự tin cùng nhau hoàn thành tốt công việc trong tương lai.
Bắt đầu bằng việc nói ra điều bạn nghĩ là nguyên nhân của cuộc xung đột, sau đó hỏi ý kiến đồng nghiệp. Thảo luận về bất cứ chỗ nào không thống nhất trong cách hiểu vấn đề của cả hai. Bạn có thể bị kinh ngạc khi nhận ra mức độ thường xuyên xảy ra hiểu lầm.
Cuộc trò chuyện này có thể gây nản lòng, nhưng đó lại là cách tuyệt vời để kết thúc tranh luận. Điều này giúp cả hai học cách hợp tác hiệu quả hơn trong tương lai, từ đó làm cho mối quan hệ trong công việc trở nên vững chắc hơn
Tập trung vào khả năng thích nghi
Một trong những kỹ năng đáng giá nhất bạn có thể phát triển là khả năng làm việc tốt cùng với nhiều người. Và không có thời điểm nào bắt đầu học kỹ năng này lý tưởng hơn là sau khi trải qua các lần hợp tác tồi tệ.
Những người có năng lực “linh hoạt trong mối quan hệ” thực hiện điều này bằng việc thích nghi với các đồng nghiệp. Họ xử lý theo cách có lợi nhất cho việc hợp tác tốt với nhóm người đặc biệt này. Tương tự, bạn cũng nên chú ý đến các cộng sự và nhanh chóng điều chỉnh lại để đáp ứng được nhu cầu của họ.
Sẽ luôn có những cách cải thiện quan hệ đồng nghiệp. Vì vậy, bạn hãy tập trung học hỏi từ mỗi kinh nghiệm. Cố gắng tìm ra các yếu tố mang đến trải nghiệm xấu gần đây của bạn. Có thể bạn không để cộng sự tham gia vào quá trình lập kế hoạch, điều này có nghĩa họ khó có thể đóng góp ý tưởng khi bạn trình bày. Hoặc có thể bạn không thành công trong việc đặt ra những mục tiêu rõ ràng ngay từ đầu, điều này dẫn đến cuộc xung đột về các mục tiêu của dự án.
Câu hỏi quan trọng bạn cần tự hỏi bản thân: “Tôi có thể làm điều gì đó một cách khác biệt để sự hợp tác của chúng tôi đạt được thành công?”. Sau đó áp dụng những hiểu biết đó trong lần hợp tác tiếp theo cùng nhau.
Phiên An (theo Harvard Business Review)