Hướng nghiệp “3 không”
Không chọn việc “hot”, không cố chấp “một đời một nghề” và không bị cuốn vào “hội chứng đam mê”, đó là quy tắc “3 không” mà chị Tiêu Yến Trinh, Tổng giám đốc Talentnet (Q.1, TP.HCM), chuyên tư vấn chiến lược và giải pháp nhân sự, phụ huynh của hai con đang học THCS và THPT, áp dụng.
Chị Trinh dẫn chứng những năm 2008 – 2010, nghe đến khái niệm “
kỹ thuật viên”, “lập trình viên”, nhiều bạn trẻ còn ngồi trên ghế nhà trường không mấy mặn mà vì nghĩ công việc khô khan, đãi ngộ thấp. Nhiều bạn hào hứng đăng ký vào các khối ngành “hot” như
tài chính, ngân hàng, thế nhưng vài năm sau bị bão hòa nhân lực.
Trong khi đó, công nghệ phát triển như vũ bão, các ngành
công nghệ thông tin lên ngôi, thậm chí chơi
game cũng tạo ra được thu nhập khổng lồ.
“Mỗi người trẻ nên tập quan sát, phân tích bối cảnh thị trường lẫn thời cuộc. Thay vì bị thu hút bởi hào quang các ngành đang “lên ngôi”, quan trọng hơn là liệu mục tiêu đó có phù hợp với sở thích, sở trường của bản thân mình”, chị Trinh nói.
Không cố chấp “một đời, một nghề”, tức là luôn sẵn sàng để thích ứng, sáng tạo, đổi mới sẽ giúp các bạn trẻ đủ linh hoạt vượt qua được những nghịch cảnh trên con đường sự nghiệp. Chị Trinh ví dụ dịch
Covid-19 vừa qua, nhiều bạn đang trong ngành du lịch, khách sạn ở các vị trí lễ tân, chăm sóc khách hàng… buộc phải đi tìm kiếm cơ hội ở những ngành nghề khác để có thu nhập.
Đáng chú ý, phụ huynh làm nhân sự hướng con cái “không bị cuốn vào hội chứng đam mê”. “Công việc phù hợp với sở thích sẽ cho chúng ta động lực để làm việc, nhưng công việc phù hợp với tiềm lực của bản thân sẽ giúp ta xác định rõ ràng mục tiêu nghề nghiệp và tiến nhanh hơn đến cột mốc thành công, đặc biệt với những
bạn trẻ còn “loay hoay” với sở thích và đam mê của mình”, chị Trinh phân tích.
Hướng kỹ năng
Gặp gỡ, trao đổi với nhiều thầy cô giáo về hướng nghiệp, đồng thời cũng tư vấn nghề nghiệp cho các bạn trẻ, nhiều trong số đó là em hoặc cháu trong gia đình, anh Nguyễn Anh Dũng, Giám đốc nhân sự Công ty eSmart (Q.3, TP.HCM), nói dù nắm được xu hướng nghề nghiệp, những ngành đang “hot”, cơ hội việc làm cao hoặc cho thu nhập lớn trong thời gian tới, nhưng anh không vẽ sẵn con đường. Anh lý giải, để mỗi bạn trẻ hiểu thế mạnh của mình, đi tìm đam mê và khẳng định bản thân, có thể sẽ có lúc sai lầm nhưng phải thử, rồi sửa, ngã ở đâu đứng lên ở đó.
“Ví dụ hướng nghiệp cho một học sinh 15 tuổi, nhưng 8 năm sau khi em học xong, đi làm, mọi thứ đã thay đổi rồi. Nên tốt nhất, tôi chọn giải pháp hướng các em về những kỹ năng quan trọng hiện nay trên toàn cầu, đó là thẩm định vấn đề, nhạy bén với ý tưởng, không ngừng học hỏi, phản ứng với thách thức và điều quan trọng mọi
doanh nghiệp cần là thái độ,
văn hóa ứng xử khi làm việc. Nhiều bạn trẻ tôi phỏng vấn, bằng cấp ĐH có nhưng thái độ, sự cầu tiến, học hỏi để làm sao hoàn thành tốt hơn nữa công việc được giao thì không”, anh Dũng chia sẻ.
Quy tắc mà anh Dũng áp dụng với các em trong gia đình (lứa tuổi THCS và THPT) là không sử dụng điện thoại thông minh, không sử dụng
mạng xã hội và phải thường xuyên đọc sách. Nguyên tắc đọc sách hằng ngày cũng được anh khuyên các nhân viên. Theo anh Dũng, tất cả kiến thức, kỹ năng và thái độ làm việc mọi người trẻ cần khi đi làm đều có từ trang sách.
Hướng nghiệp “không màu hồng”
Chị Trần Thị Sáu, 29 tuổi, làm tại phòng nhân sự, Công ty TNHH Vina Union (Vĩnh Phúc), cho biết trong 6 năm làm nhân sự, một trong những điều cô thường nhấn mạnh với người thân và nhiều bạn trẻ khác, đó là
cuộc sống không đúng màu hồng.
“Trong trường học và công ty làm việc là hoàn toàn khác nhau. Các bạn đi học thường nghĩ mọi thứ toàn màu hồng, mơ ước ra trường phải làm cái này, cái kia, đúng ngành nghề, nhưng thực chất cuộc sống không cho ta chọn dễ dàng như vậy. Nhiều bạn suy nghĩ đơn giản, lúc phỏng vấn thì nói rất hay kiểu “em sẽ cố gắng…” nhưng chỉ trong 1 tuần đầu là nản, cảm thấy nhụt chí, gặp khó khăn dễ rơi vào cảm giác stress, có bạn nghỉ việc luôn”, chị Sáu kể.
Những ngành nghề theo chị Sáu nhiều công ty thường xuyên tuyển dụng, sẽ là cơ hội cho nhiều bạn trẻ như quản lý SMT (công nghệ dán bề mặt), nhân viên kế toán, xuất nhập khẩu, nhân viên mua hàng, nhân viên công nghệ thông tin, phiên dịch tiếng Hàn hoặc tiếng Trung. Tuy nhiên, để không bị sốc khi mới đi làm, bạn nên đi làm thêm ít nhất từ năm thứ 4 ĐH để có những trải nghiệm công việc.
“Các bạn nên tìm một môi trường để đi thực tập thực chất chứ không chỉ xin dấu chứng nhận, trau dồi tiếng Anh, tập luyện kỹ năng giao tiếp, lắng nghe, làm việc nhóm, chuẩn bị tốt cho mình kiến thức tin học văn phòng. Rất nhiều bạn ra trường nhưng không biết viết email, soạn văn bản, làm bảng biểu cho chuyên nghiệp”, chị Sáu nói.