Sáng 27/5, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang Bùi Văn Hải kiểm tra thực tế tình hình sản xuất, tiêu thụ vải thiều tại huyện lục Ngạn. Cùng đi có lãnh đạo Văn phòng Tỉnh ủy, Huyện ủy và UBND huyện lục Ngạn.
Bí thư Tỉnh ủy Bùi Văn Hải cùng đoàn công tác thăm dây chuyền xông hơi, khử trùng, đóng gói vải thiều xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản.
Xem Video: Bắc Giang xúc tiến tiêu thụ vải thiều tại Trung Quốc
Đoàn công tác đã đến nắm tình hình hoạt động sản xuất, chế biến hàng nông sản, thăm dây chuyền xông hơi, khử trùng, đóng gói vải thiều xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản tại Công ty Toàn Cầu, phố Kim, xã Phượng Sơn (lục Ngạn).
Tại đây, Đoàn công tác đã nghe đại diện Công ty Toàn Cầu báo cáo nhanh tình hình xúc tiến thương mại và lắp đặt dây chuyền, cũng như chuẩn bị các điều kiện thu mua, chế biến và sơ chế vải thiều xuất khẩu. Theo đó, năm nay, Công ty dự kiến sẽ thu mua, sơ chế khoảng 800 tấn vải thiều để xuất khẩu sang các nước Nhật Bản, Đức, Úc và một số thị trường khác (riêng thị trường Nhật Bản khoảng 40 tấn).
Vừa qua, Công ty đã đầu tư hơn 80 tỷ đồng để lắp đặt các dây chuyền sản xuất phục vụ chế biến các loại sản phẩm nước ép trái cây, như: Nước cam, chuối, chanh leo, trà bí đao và các sản phẩm khác như bắp ngô hút chân không, sữa ngô… trong đó có máy soi dị vật và dây chuyền xông hơi, khử trùng, đóng gói vải thiều xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản.
Sau khi thăm quan một số dây chuyền chế biến, đóng gói hàng hóa, kho lạnh của Công ty, Bí thư Tỉnh ủy Bùi Văn Hải đánh giá cao sự nỗ lực của tập thể lãnh đạo, cán bộ, nhân viên Công ty và cho rằng doanh nghiệp cần đầu tư thêm máy móc thiết bị; tăng cường áp dụng công nghệ mới; nghiên cứu, sản xuất đa dạng các loại sản phẩm nước ép trái cây khác, như: Ổi, dứa, táo… và xây dựng các vùng nguyên liệu khép kín, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm từ sản xuất đến chế biến để phục vụ đa dạng các đối tượng người tiêu dùng trên thị trường.
Cùng thời gian, Đoàn đã đến thăm vùng sản xuất vải thiều xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản tại thôn Lâm, xã Nam Dương. Năm nay, lục Ngạn đã lựa chọn diện tích cấp mã vùng để sản xuất vải tươi xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản 98ha, tại 6 xã. Hiện tại, huyện đã chọn được 50ha vải tại 4 xã (Nam Dương, Hộ Đáp, Tân Sơn và Quý Sơn) trong tổng diện tích được cấp mã vùng có tỷ lệ ra hoa, đậu quả cao để hỗ trợ cho các hộ sản xuất theo kế hoạch.
Đoàn đã đến thăm khu vườn vải thiều xuất khẩu gần 3ha tại hộ ông Trần Văn Lân (thôn Lâm). Hiện diện tích vải này tỷ lệ đậu quả cao, sinh trưởng tốt. Chủ hộ cho biết, vải được chăm sóc đúng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP; bón phân, thuốc bảo vệ thực vật… đều theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn của huyện và tỉnh, cam kết bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng do khách hàng Nhật Bản yêu cầu.
Đồng chí Bùi Văn Hải thăm vườn vải của hộ ông Trần Văn Lân (thứ 2 từ trái sang), thôn Lâm, xã Nam Dương.
Tại đây, Bí thư Tỉnh ủy Bùi Văn Hải động viên các hộ đang sản xuất vải chuẩn bị xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản. Đồng chí lưu ý cán bộ địa phương cần sâu sát, hướng dẫn bà con chăm sóc, nâng chất lượng quả vải. Chuẩn bị tốt các điều kiện, phương án phòng, chống dịch Coѵīd-19 để mở rộng thị trường, bảo đảm sản xuất và tiêu thụ vải thiều đạt kết quả cao nhất.
Theo UBND huyện lục Ngạn, năm nay địa phương duy trì 15,2 nghìn ha vải thiều, trong đó vải chín sớm khoảng 2 nghìn ha. Dự báo sản lượng hơn 85 nghìn tấn, trong đó vải chín sớm khoảng gần 20 nghìn tấn. Ngoài duy trì các mã vùng trồng vải xuất khẩu sang thị trường Mỹ, EU… và Trung Quốc, lục Ngạn được cấp thêm 18 mã số cho 99 hộ sản xuất vải thiều theo tiêu chuẩn xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Nhật Bản, dự kiến sản lượng đạt khoảng hơn 900 tấn.
Hiện tại huyện đã xây dựng các phương án vừa phòng, chống dịch Coѵīd- 19 vừa bảo đảm tiêu thụ vải thiều thuận lợi sang thị trường các nước. Trong đó, lục Ngạn đặc biệt lưu tâm và bố trí 20 nhà nghỉ trên địa bàn để phục vụ cách ly.
Tại các cơ sở cách ly, bố trí lực lượng công an, nhân viên y tế trực 24/24 giờ; bảo đảm cơ sở vật chất, nơi ăn nghỉ theo quy định; nội quy cơ sở cách ly được viết bằng 3 thứ tiếng (Việt- Trung- Anh); hợp đồng cung cấp thức ăn đối với các nhà hàng, quán cơm, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm để phục vụ người cách ly… Hiện đã có hơn 300 thương nhân là người Trung Quốc đăng ký về lục Ngạn để thu mua và tiêu thụ vải thiều trong thời gian tới.