HomeThương trườngOcean Group muốn thoát bóng Hà Văn Thắm

Ocean Group muốn thoát bóng Hà Văn Thắm

Sau khi miễn nhiệm những người liên quan, nhóm cổ đông mới tại Ocean Group đổi tên và thay thương hiệu, xóa đi những bóng dáng của thuyền trưởng cũ.

Công ty cổ phần Khách sạn và Dịch vụ Đại Dương – công ty con quan trọng nhất trong hệ sinh thái của Ocean Group – vừa đổi tên thành Công ty cổ phần Khách sạn và Dịch vụ OCH. Lý do thay đổi, theo người đại diện OCH, để “tránh hiểu nhầm” có liên quan với Ngân hàng Đại Dương. “Từ Đại Dương được dùng chung và gây nhầm lẫn, hiểu nhầm rằng OCH vẫn thuộc sở hữu của Ocean Bank”, ông Nguyễn Thành Trung, Chủ tịch OCH giải thích.

“Còn một lý do khác là ý nghĩa của từ Đại Dương. Ban lãnh đạo cũ chọn cái tên này với kỳ vọng tập đoàn sẽ ngày càng vững mạnh, tầm cỡ như đại dương. Nhưng chúng ta giờ đã khác, phải đánh giá lại mình đang ở đâu. Ngoài ra, cái tên Đại Dương nghe cũng sóng sánh quá”, ông Trung lý giải thêm.

Theo nguồn tin của VnExpress, trong phiên họp thường niên sắp tới (chưa chốt thời điểm), Ocean Group cũng trình các cổ đông thông qua việc đổi tên thành Công ty cổ phần Tập đoàn OGC. Đồng thời, toàn bộ logo và nhận diện thương hiệu cũng sẽ được thay đổi để đồng nhất với OCH.

Những động thái này, thực tế, chỉ là bước đi nối dài từ việc miễn nhiệm các thành viên liên quan đến ông Hà Văn Thắm từ năm 2019. Nhóm cổ đông mới nắm quyền kiểm soát OGC đang từng bước tiến tới việc xóa đi những dấu vết cuối cùng của cái tên Đại Dương và người tiền nhiệm Hà Văn Thắm.

Ông Hà Văn Thắm trong phiên tòa ngày 28/4 tại Hà Nội. Ảnh: Phạm Dự.

Ông Hà Văn Thắm trong phiên tòa ngày 28/4 tại Hà Nội. Ảnh: Phạm Dự.

Nhắc đến cái tên Đại Dương và Hà Văn Thắm 10 năm trước là đề cập một tập đoàn đa ngành tầm cỡ, một cổ phiếu từng được xem như bluechip trên thị trường. 

Ocean Group có vốn điều lệ chỉ 10 tỷ đồng năm 2007, nhưng 3 năm sau đó, tập đoàn này đã tăng vốn lên 2.500 tỷ và tăng lên 3.000 tỷ đồng năm 2011. Ở thời kỳ đỉnh cao, cái tên “Ocean” được dùng chung cho gần chục công ty con hoạt động trong đủ mọi lĩnh vực từ bất động sản, du lịch – nghỉ dưỡng, truyền thông, chứng khoán, ngân hàng, thương mại…

Trong báo cáo thường niên năm 2010, ông Hà Văn Thắm gửi tới các cổ đông thông điệp “tập đoàn đã bước ra biển lớn” khi mã chứng khoán OGC được niêm yết trên HoSE. Cuối năm đó, tổng tài sản của Ocean Group đạt gần 7.500 tỷ đồng. Doanh thu và lợi nhuận trước thuế năm 2010 đạt lần lượt 1.570 tỷ và 785 tỷ đồng, đứng trong nhóm những doanh nghiệp có lợi nhuận cao nhất sàn chứng khoán.

Năm 2013 trước khi xảy ra biến cố về nhân sự cấp cao, tổng tài sản của Ocean Group đạt hơn 11.400 tỷ với quy mô vốn chủ sở hữu hơn 3.200 tỷ đồng.

Tuy nhiên, sau khi ông Hà Văn Thắm, nguyên Chủ tịch Ocean Bank và Ocean Group vướng vòng lao lý cuối năm 2014, tập đoàn này như rơi vào tâm bão với nhiều khó khăn chồng chất. 

Ở thời kỳ “hậu Hà Văn Thắm”, hoạt động của Ocean Group chỉ xoay quanh điệp khúc thua lỗ và bán tài sản. Kết thúc năm 2014, tập đoàn này lỗ sau thuế gần 2.548 tỷ đồng. Năm 2015, tập đoàn này đã ghi nhận lợi nhuận gần 700 tỷ nhưng là nhờ bán cổ phần công ty con liên quan đến một dự án bất động sản. Những năm sau đó, vòng xoáy thua lỗ kéo tổng tài sản OGC giảm hơn nửa, lỗ lũy kế gần hết vốn điều lệ. Trên sàn chứng khoán, cổ phiếu OGC có thời điểm rơi về mức thấp nhất còn hơn 1.000 đồng một cổ phiếu.

Những phiên họp thường niên ở giai đoạn không còn người thuyền trưởng cũng chỉ xoay quanh những chỉ trích của cổ đông, những lời hứa của ban lãnh đạo nhưng ít năm nào được thực hiện.

Ngã rẽ chỉ đến vào giữa năm 2018 khi nhóm cổ đông mới xuất hiện nhưng cũng kéo theo những vụ kiện tụng qua lại liên tục xoay quanh tính pháp lý các phiên họp cổ đông, tư cách cổ đông của doanh nghiệp đại diện cho ông Hà Văn Thắm và những người liên quan.

Đỉnh điểm là phiên họp thường niên năm 2019 khi ban lãnh đạo OGC tổ chức trong thời gian 16 tiếng liên tục. Phiên họp kéo dài không hẳn vì tranh cãi giữa các cổ đông mà do khâu tổ chức. Khi đó, ông Lê Quang Thụ, Chủ tịch HĐQT Ocean Group cho biết, việc kéo dài, tổ chức cẩn thận từng chút để tránh những vụ kiện không cần thiết.

Sau hơn một năm kiện tụng, đến cuối năm 2019, nhóm cổ đông mới tại Ocean Group gần như đã nắm quyền chi phối. Lần lượt những nhân sự có liên quan đến ông Hà Văn Thắm bị miễn nhiệm khỏi các công ty thành viên quan trọng. Sang năm nay, đến lượt cái tên “Đại Dương” được thay đổi. Những bóng dáng cuối cùng của người lãnh đạo một thời Hà Văn Thắm dần biến mất khỏi OGC.

Minh Sơn

Nguồn bài viết

Xem nhiều

spot_img