Theo số liệu cập nhật trên trang web của Tổng cục Hải quan, đến 10 giờ sáng nay (7.5), lượng gạo xuất đi thực tế là 336.264,9 tấn trong tổng số 400.000 tấn gạo được phép xuất khẩu theo hạn ngạch tháng 4.
Trước đó,
Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý về giải pháp
xuất khẩu gạo trở lại bình thường kể từ tháng 5. Thông báo số 2849 của Tổng cục Hải quan nêu rõ, việc xuất khẩu gạo trở lại bình thường từ 0 giờ ngày 1.5. Gạo chỉ được xuất qua cửa khẩu quốc tế đường bộ, đường sắt, đường biển, đường thủy, đường hàng không có sự kiểm soát chặt chẽ của các lực lượng chức năng. Đồng thời, thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan đối với gạo xuất khẩu theo quy định và lực lượng hải quan tạo mọi thuận lợi cho hoạt động
xuất khẩu gạo.
Việc xuất khẩu gạo của Việt Nam đã bị tạm dừng từ ngày 24.3 do sợ bị ảnh hưởng về an ninh lương thực trong nước khi
nhu cầu gạo toàn cầu tăng mạnh trong mùa dịch
Covid-19. Sau đó, các doanh nghiệp chỉ được phép xuất khẩu với tổng hạn ngạch 400.000 tấn trong tháng 4. Nhưng việc
đăng ký tờ khai được mở kể từ 0 giờ ngày 11.4 khiến nhiều doanh nghiệp bị bất ngờ và không thực hiện được vì chỉ sau vài giờ, lượng hạn ngạch trên đã được đăng ký xong.
Nhiều
doanh nghiệp và các tỉnh, thành ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long trong tháng 4 đã liên tục kiến nghị về việc cho xuất khẩu gạo trở lại bình thường do hợp đồng đã ký và hàng tồn đọng ở cảng. Nhiều chuyên gia nông nghiệp cũng phân tích Việt Nam không lo thiếu gạo vì nguồn cung vẫn còn cao.
Theo Tổng cục thống kê, 4 tháng đầu năm nay, báo cáo sơ bộ của các địa phương cho thấy năng suất lúa đông xuân vùng Đồng bằng sông Cửu Long năm nay ước đạt 68,2 tạ/ha , tăng 0,4 tạ/ha so với vụ đông xuân trước và sản lượng đạt 10,55 triệu tấn, giảm 329.800 tấn do diện tích lúa đông xuân giảm 58.000 ha.