Theo phản ánh của nhiều người dân trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, một số cửa hàng kinh doanh xăng dầu đóng cửa hoặc treo biển “nghỉ bán” trong ngày 25/5 với lý do hết xăng hoặc mất điện tạm thời.
Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Khoa Giang, thôn Vân Cốc, xã Vân Trung (Việt Yên) chỉ còn đủ lượng xăng dầu cung cấp trong vài ngày tới.
Xem Video: Dân nô nức xếp hàng đổ xăng trước thông tin tăng giá
XEM VIDEO CLIP: UDDQq3qidK4
Khảo sát của phóng viên vào 15 giờ ngày 25/5 tại Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Khoa Giang, thôn Vân Cốc, xã Vân Trung (Việt Yên), được biết Công ty có tất cả 10 cây xăng, đến nay có 3 cây đã hết xăng; 7 cây còn lại đã bán hết quá nửa số lượng. Chị Đỗ Thị Đoán, kế toán Công ty cho biết: “Từ ngày 20/2, đơn vị không nhập được hàng (cả xăng và dầu), với tốc độ tiêu thụ như hiện nay thì đơn vị chỉ còn đủ lượng xăng cung cấp trong 2 ngày tới. Hiện đơn vị dừng bán hàng cho những khách hàng mua với số lượng lớn về tích trữ; đồng thời cho một nửa lao động nghỉ việc tới khi nhập được hàng trở lại”.
Tương tự, tại Cửa hàng xăng dầu số 1 Dĩnh Kế (Công ty TNHH Phương Thanh Bắc Giang), phường Dĩnh Kế (TP Bắc Giang), đơn vị cũng treo biển “hết xăng- còn dầu”. Tìm hiểu được biết, mấy ngày trở lại đây chủ cửa hàng không nhập được nguồn hàng từ doanh nghiệp phân phối, lượng dầu còn lại cũng chỉ đủ cung cấp trong vài ngày. Trước mắt, cửa hàng phải tạm dừng hoạt động kinh doanh cho tới khi nào nhập được xăng.
Hay tại huyện lục Ngạn, trên địa bàn huyện từ ngày 23 đến 25/5 có 6 cửa hàng xăng dầu tại thị trấn Chũ, xã Tân Lập và xã Tân Quang đóng cửa; trong đó có 5 đơn vị treo biển hết xăng và một cửa hàng đóng cửa để sửa chữa máy móc, khiến người dân khó khăn trong việc mua nguyên liệu phục vụ nhu cầu sản xuất, đi lại.
Cửa hàng xăng dầu số 1 Dĩnh Kế (Công ty TNHH Phương Thanh Bắc Giang), phường Dĩnh Kế (TP Bắc Giang) treo biển “hết xăng- còn dầu”.
Trao đổi vấn đề này, ông Đào Xuân Cường, Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 8 doanh nghiệp (DN) phân phối, 3 DN làm đầu mối, 2 kho dự trữ xăng dầu với dung tích 7,1 nghìn m3 và hơn 300 cửa hàng bán lẻ xăng dầu. Tại thời điểm này, một số doanh nghiệp phân phối, đầu mối không nhập được hàng. Do vậy, nhiều cây xăng dầu, nhất là đơn vị bán lẻ đã đóng cửa do không có hàng kinh doanh.
Trước thực trạng này, ngày 25/5, Sở Công Thương có văn bản gửi UBND các huyện, TP, Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh và các doanh nghiệp, thương nhân kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh chấp hành nghiêm các quy định về kinh doanh xăng dầu nhằm bảo đảm đủ nguồn cung ứng xăng dầu cho thị trường. Cục QLTT chỉ đạo các Đội QLTT phối hợp với lực lượng chức năng của địa phương tổ chức kiểm tra, giám sát hoạt động của các cửa hàng kinh doanh xăng dầu, kịp thời phát hiện xử lý nghiêm sai phạm về đo lường, giá, đầu cơ, tích trữ, găm hàng và các hành vi gian lận khác.
UBND các huyện, TP chỉ đạo Ban Chỉ đạo 389 tại địa phương, các lực lượng chức năng thực hiện kiểm tra, giám sát hoạt động tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn; không để xảy ra tình trạng đóng cửa không kinh doanh (với lý do không chính đáng) gây ảnh hưởng tới thị trường và quyền lợi người tiêu dùng.
Các doanh nghiệp đầu mối và thương nhân phân phối, tổng đại lý kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh chủ động nguồn cung, dự trữ lượng xăng dầu đáp ứng đầy đủ cho nhu cầu tiêu dùng trong tỉnh; không để xảy ra tình trạng khan hiếm hàng ảnh hưởng đến thị trường. Có nhiều phương án cần thiết bảo đảm nguồn cung xăng dầu trong mọi tình huống. Chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát hoạt động của các đại lý, cửa hàng xăng dầu thuộc hệ thống phân phối trong quá trình hoạt động.
Các cửa hàng kinh doanh xăng dầu không được tự ý dừng bán hàng mà không có lý do chính đáng, phải bảo đảm thời gian bán hàng như đã đăng ký với Sở Công Thương. Nghiêm cấm việc đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý làm ảnh hưởng đến thị trường xăng dầu trong tỉnh…
Được biết trước đó, ngày 22/5, Bộ Công Thương cũng có văn bản gửi Sở Công Thương các tỉnh, TP về việc bảo đảm cung ứng xăng dầu trên địa bàn. Trong văn bản nêu rõ, do ảnh hưởng của dịch Coѵīd-19 có chiều hướng giảm, đặc biệt là sau khi Chính phủ dỡ bỏ lệnh giãn cách xã hội khiến nhu cầu sử dụng xăng dầu trên địa bàn nội địa tăng. Đồng thời, các nhà máy lọc dầu trong nước, quốc tế đang cắt giảm công suất để bảo dưỡng máy móc khiến nguồn cung xăng dầu giảm mạnh. Bộ Công Thương đề nghị Sở Công Thương các tỉnh, TP bảo đảm nguồn cung xăng dầu phục vụ sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của người dân, doanh nghiệp; giám sát chặt chẽ việc bán xăng dầu tại các cửa hàng bán lẻ để không bị bán gián đoạn.
Bộ cũng đề nghị Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn và Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn sớm hoàn thiện việc bảo dưỡng máy móc, tăng công suất cung ứng đủ hàng hóa theo hợp đồng đã ký kết với doanh nghiệp; đồng thời có phương án dự trữ nguồn hàng cho thị trường nội địa trong thời gian tới.