Ứng dụng đặt món ăn trực tuyến giúp nhà hàng, quán ăn duy trì kinh doanh ngay cả lúc giãn cách xã hội, doanh số vẫn ổn khi dịch bệnh lắng xuống.
Bán hàng trực tuyến trở thành kênh chủ lục thời dịch
Trước đây, các chuỗi cửa hàng ăn uống xuất hiện trên ứng dụng đặt món trực tuyến thường để cập nhật xu hướng mới, quảng bá thương hiệu hay các hàng quán nhỏ lẻ chọn kênh này để tiếp cận khách hàng tiềm năng thì “bài học lớn” từ Covid-19 tác động khá lớn đến ngành ẩm thực.
Với nguồn lực có sẵn, không quá khó khăn để chuỗi nhà hàng lớn chọn kênh online cho khách hàng đặt món trực tuyến. Xu hướng này cũng được hàng quán nhỏ lẻ triển khai bởi họ cũng là đối tượng chịu tác động trực tiếp từ Covid-19.
Quán Hồng trà Mai Khanh 1 (Hóc Môn, TP HCM) buôn bán hơn 20 năm nay, từng trải nhiều khó khăn lớn nhỏ nhưng chưa bao giờ phải đối mặt với thử thách lớn như đợt dịch này. Từ đầu năm nay, anh Khanh, chủ quán bắt đầu đăng ký GoFood vì muốn tận dụng đội ngũ giao hàng, tiếp cận nhiều khách hàng hơn.
Anh Khanh cho biết, không ngờ sự “chuyển mình” này vô tình giúp quán trụ được qua thời dịch. Dịch bệnh khiến kênh bán hàng chủ lực – bán trực tiếp bị sụt giảm nghiêm trọng, nhờ kết hợp với ứng dụng đặt món trực tuyến mà lượng đơn hàng được duy trì, chiếm hơn 80% đơn hàng bán trong thời điểm dịch.
Bán hàng qua kênh đặt món trực tuyến trở thành “cứu cánh” của quán nhỏ như quán Bún Riêu và Canh Bún Huỳnh Thảo (quận Tân Bình, TP HCM). Từng có ý định bán online nhưng mãi khi dịch bệnh khiến quán bán quá chậm, thấy hàng xóm bán gỏi cuốn trên GoFood khá ổn, chị mới “cầu cứu” ứng dụng đặt món này. Nhờ vậy, quán có thể trụ vững và tiếp tục phát triển sau giãn cách xã hội.
Một số cửa hàng do đặc thù món ăn mà doanh thu đến từ kênh offline (phục vụ tại chỗ) chiếm thế thượng phong thì Covid-19 tạo ra bức tranh toàn cảnh rất khác. Doanh thu online thường được cho là có tỷ trọng thấp đã chuyển thành kênh bán hàng chủ lực trong thời dịch. Doanh nghiệp, hộ gia đình trước nay có phần chần chừ hoặc thiếu thông tin để triển khai đã mạnh dạn bước vào cuộc chơi.
Ứng dụng đặt món ăn trực tuyến sau giãn cách xã hội
Theo một số chủ nhà hàng quán ăn vừa bán tại chỗ vừa sử dụng kênh trực tuyến, sau thời gian giãn cách xã hội, mặc dù lượng khách quay trở lại ăn tại quán dần nhiều lên nhưng trên các ứng dụng đặt món vẫn duy trì tỷ lệ tốt. Trạng thái “bình thường mới” mà Covid-19 thiết lập góp phần hình thành, duy trì thói quen ăn uống mới của một số người dùng.
Khách hàng trước đây lên đặt món trực tuyến vì không còn lựa chọn nào khác trong lúc giãn cách xã hội thì nay bắt đầu nhận thấy tiện ích của kênh này. Cách bán hàng của một số hàng quán cũng thay đổi, dồn lực đẩy mạnh kênh này hơn.
Anh Khanh, chủ quán Hồng trà Mai Khanh 1 cho biết: “Bán trên ứng dụng cái được là khách hàng quen không có thời gian ghé qua quán vẫn có thể đặt mua về. Chưa kể có thêm nhiều đơn hàng ở xa nên tôi sẽ duy trì hình thức bán hàng này”.
Những quán ăn bắt đầu nhận ra lợi ích khác từ ứng dụng đặt món từ những việc nhỏ như duy trì bán hàng với lượng nhân viên giảm đáng kể, không ngại chỗ bán hẹp không có khách… cho đến những điều quan trọng hơn trong kinh doanh như chiến lược tiếp thị số, tối ưu hóa nội dung, chương trình khuyến mãi sáng tạo.
Thương hiệu chè Thái Lan trên đường Nguyễn Tri Phương tập trung phát triển nhiều hơn đơn hàng online. “Vốn dĩ chè ăn tại chỗ sẽ ngon hơn, nhưng qua thời dịch tôi thấy đơn hàng online rất ổn định. Khi dịch tạm lắng xuống, tôi hy vọng khách sẽ đến quán nhiều hơn nhưng tôi vẫn tiếp tục cộng tác với các ứng dụng đặt món”, chị Tuyết Nhung chủ quán khẳng định.
Việc hợp tác giữa nhà hàng, quán ăn giờ đây không đơn thuần là “cộng sinh” thời dịch. Nền tảng công nghệ như GoFood có thể mang đến nhiều hơn cho đối tác nhà hàng thông qua kinh nghiệm và chuyên môn trong kỷ nguyên số, từ đó tăng thêm giá trị mà khách hàng có thể nhận được ngoài bữa ăn, món ăn. “Thuận nước đẩy thuyền”, kênh bán hàng qua ứng dụng đặt món trực tuyến dự kiến tiếp tục được chú trọng, đầu tư để đảm bảo sự cân bằng trong doanh thu từ các kênh.
Kim Uyên