Kiểm toán Nhà nước cho biết, nhiều công ty con của các tập đoàn, tổng công ty như Jetstar Pacific, Angkor Air, DAP-Vinamchem, Petrolimex Lào bị giám sát tài chính đặc biệt.
Báo cáo Kiểm toán Nhà nước gửi Quốc hội cho thấy, việc quản lý, sử dụng vốn Nhà nước tại 235 doanh nghiệp thuộc 36 tập đoàn, tổng công ty năm 2019 còn nhiều bất cập.
Nhiều công ty con của các tập đoàn cũng có dấu hiệu mất an toàn tài chính. Đứng đầu trong danh sách này là Tập đoàn Than & khoáng sản Việt Nam (TKV) khi có tới 24 đơn vị bị cảnh báo nguy cơ mất an toàn tài chính, gồm Công ty TNHH MTV Môi trường, Công ty cổ phần chế tạo máy, Công ty cổ phần Than Mông Dương, Công ty cổ phần Than Hà Lầm, Công ty cổ phần Than Vàng Danh…
Thậm chí, một số đơn vị bị đưa vào diện giám sát tài chính đặc biệt, như Công ty cổ phần Hàng không Jestar Pacific Airlines, Hãng hàng không quốc gia Angkor Air của Vietnam Airlines; Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình, Công ty cổ phần Phân đạm và hoá chất Hà Bắc, Công ty cổ phần DAP – Vinachem thuộc Tập đoàn Hoá Chất (Vinachem) và Công ty TNHH MTV Petrolimex Lào của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex).
Ngoài ra, nhiều đơn vị chưa ban hành quy chế quản lý tiền, quản lý dòng tiền chưa hiệu quả, như công ty mẹ – Vicem có số dư tiền gửi không kỳ hạn bình quân các tháng trong năm 2019 trên 331,7 tỷ; công ty mẹ – Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn có số dư tiền gửi thanh toán bình quân ngày trên 230 tỷ đồng.
Tình trạng sở hữu chéo tại các doanh nghiệp trong cùng tập đoàn, tổng công ty chưa được khắc phục. 6 công ty thuộc TKV cùng góp vốn vào Công ty cổ phần nhiệt điện Cẩm Phả, 2 tổng công ty cùng góp vốn vào Công ty cổ phần Than điện Nông Sơn…
Tại Tổng công ty Đầu tư phát triển Nhà và đô thị (HUD), Công ty cổ phần Phát triển nhà và đô thị HUD 6 đầu tư vào Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng HUD 10; Công ty công ty Tư vấn đầu tư và xây dựng HUDCIC đầu tư vào Công ty cổ phần Phát triển nhà và đô thị HUD6 trước khi Luật Doanh nghiệp 2014 có hiệu lực.
Các tập đoàn, tổng công ty cũng chậm thoái vốn khỏi các lĩnh vực ngoài ngành, như Công ty mẹ – Vinatana chưa thoái vốn khỏi đầu tư bất động sản; Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) chưa thoái xong vốn tại PGBank…
Kiểm toán Nhà nước nhận thấy nhiều sai phạm về sử dụng vốn đầu tư khiến dự án đội vốn, kéo dài thời gian thi công, thậm chí có dự án không thể vận hành. Ví dụ, dự án nhà máy sản xuất Ethanol Bình Phước, khi lập dự án chưa có quy hoạch vùng nguyên liệu để sản xuất bio-ethanol, chưa ban hành lộ trình sử dụng nhiên liệu sinh học. Chủ đầu tư dự án này còn trình thông qua chủ trương đầu tư khi chưa được xem xét, thẩm định; không lập dự án đầu tư xây dựng với công trình tổng mức đầu tư trên 15 tỷ đồng…
Do phê duyệt khi chưa đủ cơ sở, các dự án này của các tập đoàn, tổng công ty đều dính thua lỗ lớn, không thể vận hành, dẫn tới mất vốn chủ sở hữu. Chẳng hạn tại dự án nhà máy sản xuất Ethanol Bình Phước, tổng số nợ gốc và lãi phải trả các ngân hàng thương mại đến cuối năm 2018 là hơn 1.623 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, không ít dự án còn phê duyệt khi chưa có báo cáo đánh giá tác động môi trường, có dự án “chênh” tổng mức đầu tư lớn, như dự án thuỷ điện Sông Bung 2 điều chỉnh tăng vốn hơn 2.867 tỷ đồng, dự án nhà máy thuỷ điện Bản Chát tăng trên 7.334 tỷ; dự án thuỷ điện Trung Sơn tăng hơn 1.324 tỷ đồng…
Anh Minh