10 năm nghiên cứu, ông Nguyễn Văn Phúc ở Vĩnh Long cho ra giống nhãn siêu trái, giá bán cao gấp đôi loại thường, mang lại doanh thu 1,5 tỷ đồng một năm.
Ông Nguyễn Văn Phúc, sinh năm 1957, ở Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long, đã gắn bó 45 năm với nông nghiệp và trồng nhiều loại cây ăn trái, đặc biệt là nhãn. Dẫu vậy, ông không ngừng khao khát tìm ra một giống cây độc đáo để ghi dấu ấn trên hành trình sáng tạo nông nghiệp của mình.
Từ năm 2006, ông Phúc miệt mài sưu tầm và thí nghiệm hàng trăm loại nhãn ghép, nhưng không giống nào khiến ông hài lòng. Trong đó, giống nhãn xuồng tím, dù cho trái có màu sắc bắt mắt và mùi vị hấp dẫn, nhưng năng suất thấp vẫn chưa đủ thỏa mãn sự kỳ vọng của ông.
Đến năm 2016, ông Phúc tìm thấy giống nhãn IDO cổ từ Thái Lan và bắt đầu ghép đọt lên nhiều gốc nhãn như: long nhãn, tiêu lá dài, nhãn quế, lồng Hưng Yên, long tiêu đường và một số giống ngoại nhập khác. Sau nhiều năm chọn lọc và giữ lại những tính trạng ưu việt, ông đã tạo ra một giống nhãn mới “siêu trái” đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.
Sau bốn năm canh tác, ông Phúc đã thu hoạch được những chùm nhãn nặng từ 3,5-4 kg, vỏ dày, hạt nhỏ. “Vì chùm to và trĩu quả nên tôi gọi chúng là nhãn siêu trái. Trái lớn tròn đều và ngọt hơn hẳn cả nhãn IDO,” ông chia sẻ.
Ông Phúc cho biết rất hạnh phúc khi nhìn thấy những chùm nhãn đầu tiên chen chúc nhau như những chùm nho mọng nước. Sau hàng nghìn lần thất bại, cuối cùng ông cũng đã có được thành quả đáng tự hào.
Nhãn siêu trái của ông dễ trồng, cho năng suất từ 100-150 kg mỗi cây, trong khi các giống nhãn khác chỉ đạt từ 50-70 kg một cây. Thời gian chín của nhãn siêu trái tương đương với nhãn IDO, nhưng có thể kéo dài thêm 1,5 tháng mà trái không bị nứt hay sâu đầu. Với chất lượng vượt trội, giá nhãn siêu trái cao gấp đôi so với loại thường.
Năm đầu tiên trồng vài cây thí nghiệm, ông Phúc chỉ thu được hơn 100 kg. Đến nay, ông đã trồng được 3 ha với khoảng 500 cây. “Nửa đầu năm nay, tôi đã bán 10 tấn. Dự kiến cả năm sẽ thu hoạch trên 20 tấn, mang lại doanh thu 1,5 tỷ đồng với giá bán 80.000 đồng mỗi kg”, ông nói.
Nhờ chất lượng tốt, trái đồng đều, giống nhãn siêu trái của ông Phúc đã được một công ty ở TP HCM bao tiêu đầu ra. Ngoài ra, ông còn cung cấp cho các cửa hàng siêu thị mini ở Đà Nẵng và chợ đầu mối Bình Điền.
Không chỉ bán trái, ông Phúc còn tạo ra cây giống cung cấp cho người dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Cây cao trên 70 cm có giá 300.000 đồng mỗi cây, cây dưới 70 cm có giá 250.000 đồng. “Năm nay, tôi lai tạo được 2.800 cây giống, thu về khoảng 500 triệu đồng,” ông Phúc cho hay.
Theo lão nông 67 tuổi này, nhu cầu cây giống trên thị trường đang rất lớn. Cuối tháng 6 vừa qua, người dân Tây Ninh xuống đặt mua số lượng lớn nhưng ông không đủ hàng bán. Ông cho biết để lai tạo ra giống nhãn siêu trái rất khó, cần mượn hai bộ rễ khác nhau để nuôi một thân cây, khiến tỷ lệ sống sót chỉ đạt 50-60%.
Ngoài trồng nhãn siêu trái, ông Phúc còn là người tạo ra giống nhãn xuồng tím, thu về 55-60 triệu đồng mỗi năm từ hơn 100 cây.
Lãnh đạo UBND xã Chánh An, huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long, đánh giá ông Phúc là một nông dân sản xuất giỏi của địa phương. Giống nhãn siêu trái của ông đã thu hút sự quan tâm của nhiều người trong và ngoài địa phương. Tuy nhiên, lãnh đạo xã cũng cảnh báo người dân không nên phát triển ồ ạt mà cần chú ý đến đầu ra để tránh tình trạng cung vượt cầu.
Ông Phúc cho biết thêm, việc sáng tạo ra giống nhãn siêu trái ban đầu chỉ nghĩ để phục vụ nông dân có nhu cầu giống mình nên không quá coi trọng các giấy chứng nhận. Tuy nhiên, khi muốn tham gia hội chợ để giới thiệu sản phẩm, ông đã bị từ chối vì thiếu giấy chứng nhận. Dù đã làm thủ tục đăng ký thương hiệu “Phúc An” cho giống nhãn siêu trái, đến nay ông vẫn chưa được xét duyệt.
Ông mong sớm được cấp giấy chứng nhận để có điều kiện quảng bá loại giống nhãn này đến đông đảo người trồng.
(Theo Hà Thi)