Có ba con nghiện xem TV, Claire Gagne, sống tại Mỹ, đã tham khảo tư vấn của chuyên gia, thiết lập bốn quy tắc trong gia đình giúp con sửa đổi.
Claire Gagne chia sẻ kinh nghiệm trên Today’s Parent:
Mỗi ngày đi học về, ba đứa con tôi bổ nhào vào phòng khách, bật TV xem hoạt hình. Tôi phải quát lớn các cháu mới chịu cất cặp, thay quần áo. Sau khoảng một tiếng, tôi lại phải quát lên yêu cầu các cháu tắt TV để ngồi vào bàn ăn. Kéo theo sau đó là những tràng dài phàn nàn, thậm chí là khóc lóc đòi được xem tiếp.
Tôi cảm thấy mệt mỏi vì tình huống này diễn ra hầu như mỗi ngày. Tôi đã tập ngồi xuống, trò chuyện với con về việc cân bằng nhịp sống, tác hại của việc nghiện thiết bị công nghệ nhưng chỉ hiệu quả được một vài ngày.
Sau khi tham khảo ý kiến của các chuyên gia tâm lý, tôi nhận ra bên cạnh trò chuyện, bố mẹ phải cứng rắn hơn bằng cách thiết lập các quy tắc sử dụng thiết bị công nghệ trong nhà.
1. Đặt lịch trình
Nhiều phụ huynh thiết lập thời gian biểu, quy định số giờ trẻ được sử dụng thiết bị công nghệ trong một ngày. Chẳng hạn, trẻ được xem TV 30 phút trong khi bố mẹ đi tắm, thêm 60 phút mẹ chuẩn bị bữa tối hoặc 30 phút mẹ chuẩn bị bữa sáng.
Quy tắc này áp dụng tốt nhất là đối với trẻ nhỏ vì giúp các em rèn thói quen sử dụng thiết bị công nghệ. Nó khó áp dụng với những đứa trẻ đã đi học vì việc học tập, hoạt động ngoại khóa đã chiếm hầu hết thời gian. Trong trường hợp trẻ đã đi học, bạn có thể chia nhỏ thời gian sử dụng thiết bị công nghệ 15-20 phút mỗi lần. Ví dụ 15 phút trước khi ăn tối, 15 phút trước hoặc sau khi hoàn thành bài tập.
Để tránh trường hợp bố mẹ quên mất thời gian, cho trẻ nán lại lâu hơn trước màn hình, bạn hãy cài đặt đồng hồ bấm giờ. Việc nghiêm túc thực hiện theo lịch trình là cần thiết vì nếu bạn lơ là, trẻ sẽ lợi dụng điều đó để đòi hỏi thêm. Đặc biệt, bạn không nên thương lượng với trẻ. Nếu quy định con chỉ được xem TV 20 phút, bạn phải yêu cầu con rời khỏi màn hình đúng sau 20 phút. Nếu con kỳ kèo thêm, việc duy trì quy tắc sẽ khó thành công.
2. Quy định ngày
Ngoài đặt lịch trình theo ngày, bố mẹ nên quy định thời gian dùng thiết bị công nghệ theo tuần, tháng. Chẳng hạn, một tuần trẻ được phép chơi máy tính, xem TV vào các ngày thứ hai, tư, sáu, chủ nhật. Nhiều gia đình có con đi học thường cho phép con dùng thiết bị công nghệ vào cuối tuần nhưng nói không với các ngày trong tuần. Đây cũng là cách phân chia thời gian hợp lý.
Quy định này giúp trẻ hiểu rằng không thể ngồi trước màn hình mỗi ngày. Nếu bạn quy định sớm với trẻ nhỏ, các bé sẽ hình thành thói quen, hạn chế sử dụng thiết bị công nghệ và không bị phụ thuộc vào chúng. Quy định này sẽ khó khăn hơn với trẻ đi học vì có thể các bé cần làm bài tập, tìm kiếm tư liệu trên Internet.
Để thành công, phụ huynh nên tìm những hoạt động vui chơi nhằm đánh lạc hướng sự chú ý của con. Ví dụ, những ngày không dùng máy tính, bạn hãy khuyến khích con đọc sách, chơi thể thao, vẽ tranh.
3. Suy nghĩ về lý do sử dụng công nghệ
Bất cứ khi nào trẻ xin phép sử dụng thiết bị công nghệ, phụ huynh hãy hỏi con lý do. Theo các chuyên gia tâm lý, việc yêu cầu trẻ suy nghĩ về lý do sử dụng thiết bị công nghệ, dù chỉ là để giải trí, sẽ khiến các em có cái nhìn tích cực, ít phụ thuộc hơn vào chúng. Nếu trẻ bảo là muốn giải trí hoặc cảm thấy nhàm chán, bạn có thể gợi ý những hoạt động thay thế như đi dạo, đọc sách, vẽ tranh.
Việc đặt câu hỏi sẽ phù hợp với trẻ lớn tuổi, có nhận thức tương đối rõ ràng. Cha mẹ nên trò chuyện cởi mở, lắng nghe và tôn trọng mọi lời giải thích của con. Chẳng hạn, nếu con bảo muốn chơi game trên iPad vì có một màn chơi khó cần vượt qua, bạn hãy hỏi sâu thêm về nội dung trò chơi, cách thức chơi. Các bé sẽ đánh giá cao sự quan tâm của bố mẹ, từ đó, khi gặp vấn đề phiền nhiễu trên Internet, nhiều khả năng các em sẽ chia sẻ với gia đình để được tư vấn.
4. Cài đặt ứng dụng theo dõi
Không thể kiểm soát con cả ngày nên con có thể giấu bố mẹ sử dụng thiết bị công nghệ. Vì vậy, bạn nên cài đặt ứng dụng theo dõi trên các thiết bị công nghệ trong nhà để kiểm soát lịch trình đồng thời kiểm tra nội dung con tìm kiếm.
Tôi sử dụng ứng dụng theo dõi Qustodio. Khi bắt gặp con lén dùng, thay vì quát nạt, tôi nói chuyện nhẹ nhàng với con, chỉ ra điểm sai và động viên con thay đổi.
Tú Anh (Theo Today’s Parent)