Rút bài thi mang về nhà sửa
Cụ thể, ngày 29.6, Nga và Thủy quét bài thi, nhưng quét xong không niêm phong lại. Chiều tối cùng ngày (sau khi hết giờ làm việc), Nga, Thủy và Sọn quay lại phòng chấm thi (được Hưng mở cửa cho vào), tìm và rút một số bài thi (chủ yếu là bài thi của các thí sinh dự thi tại điểm thi Trường THPT Tô Hiệu), sau đó cùng về nhà Thủy, rồi sửa bài (xóa các đáp án sai, tô thành đúng). Số bài đã được sửa (của 11 thí sinh) do Nga giữ và mang về nhà, hôm sau mang trở lại phòng chấm thi trắc nghiệm.
Tối 30.6, Nga, Thủy và Sọn lại tiếp tục quay lại phòng chấm thi để tìm, rút bài mang về nhà Thủy sửa. Lần này, do không tìm thấy Hưng, nên Huynh cũng đến gặp Đinh Hải Sơn trao đổi cho cả nhóm lên phòng chấm thi. Riêng trong tối 30, cả nhóm sửa nâng điểm bài thi cho 32 thí sinh. Khoảng 12 giờ đêm, Huynh lái xe ô tô đến nhà Thủy chở Nga, Thủy, Sọn quay lại điểm chấm thi, được Sơn mở cửa cầu thang cho vào để lên phòng chấm thi trả lại các bài thi về chỗ cũ.
Ngày 2.7, phát hiện một số bài thi chưa sửa và một số bài thi điểm chưa đạt yêu cầu, Thủy và Sọn lại tìm các bài thi này đưa cho Nga để Nga sửa ngay tại phòng chấm thi.
Ngày 3.7, Thủy lại nhờ Nga sửa thêm 2 bài thi (toán và tiếng Anh) cho 1 thí sinh ngay tại phòng chấm thi.
Mỗi đợt sửa bài thi xong, Nga và Thủy đều xóa toàn bộ ảnh gốc các túi bài thi đã quyét, rồi quét lại dựa trên tệp bài thi trong có bài đã được sửa.
Biên bản ghi ngày 29.6, lập ngày 4.7
Ngày 4.7, sau khi đã quét lại các túi bài thi có nâng sửa điểm, Trần Xuân Yến mới chỉ đạo thực hiện việc niêm phong tất cả các bài thi, đồng thời giao cho Nga làm lại các biên bản cho phù hợp với kết quả thể hiện trên máy tính.
Khi có thông tin Bộ GD-ĐT lên kiểm tra, mặc dù kết quả quét bài thi gốc của thí sinh đã xóa trên máy tính nhưng sợ có thể khôi phục lại được, Yến đã gọi Nga đến nhà (tối 18.7.2018), tải phần mềm có chức năng xóa triệt để dữ liệu cần xóa trong máy tính ở trên mạng xuống (Ecleaner) giao cho Nga, bảo về xóa lại những file đã xóa. Nga sợ xóa nhầm cả dữ liệu phải giữ thì Yến chỉ đạo Nga trước khi xóa sao chép hết tất cả dữ liệu trong máy tính ra đĩa CD.
Trước hội đồng xét xử, bị cáo Nga cho biết, theo quy chế, quét bài xong đến đâu phải cất lại niêm phong đến đấy, khi niêm phòng thi lập biên bản. Nhưng thực tế tổ chấm thi trắc nghiệm đã không thực hiện điều này mà đến chiều ngày 4.7 mới niêm phong một loạt. Đồng thời bị cáo Yến cho làm lại một loạt biên bản, ngày giờ trên biên bản được Yến chỉ đạo ghi khớp với thời gian quét bài hiển thị trên máy tính. Thậm chí, khi viết các tờ biên bản xong, bị cáo Yến còn đọc rà soát, thấy chỗ nào chưa hợp lý thì yêu cầu làm lại. Hội đồng xét xử hỏi: “Những biên bản ghi ngày 29.6 thực ra đến ngày 4.7 mới được lập?”. Bị cáo Nga trả lời: “Vâng”.
Bộ GD-ĐT đã khen hội đồng thi Sơn La làm đúng quy chế
Trước những lời khai chi tiết trên của bị cáo Nga và các bị cáo Thủy, Sọn, Huynh, bị cáo Trần Xuân Yến vẫn một mực chối tội. Theo bị cáo Yến, trong việc lập biên bản có sơ suất là không lập từng biên bản (lẽ ra khi mở niêm phong có biên bản riêng, khi đóng niêm phong có biên bản riêng), nhưng tổ chấm thi lại làm cùng một lúc 2 biên bản, và bị cáo Yến nhận trách nhiệm cho sơ suất này. Nhưng sơ suất đó không liên quan gì tới việc rút bài sửa điểm của các bị cáo khác.
Bị cáo Yến còn đưa ra một minh chứng chứng tỏ lời khai của các bị cáo khác không chính xác, là ngày 3.7 Bộ GD-ĐT có đoàn kiểm tra do ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng làm trưởng đoàn lên kiểm tra. Kết thúc đợt kiểm tra, ông Mai Văn Trinh đã đánh giá là hội đồng chấm thi Sơn La làm việc đúng quy chế.
Sở dĩ có việc làm lại biên bản như bị cáo Nga khai là do đoàn công tác của Bộ GD-ĐT yêu cầu cung cấp biên bản, thay vì phô tô từ các biên bản đã lập thì bị cáo Yến cho… in thêm một bộ để nộp cho đoàn.
Bị cáo Yến nêu tên các văn bản hướng dẫn của Bộ GD-ĐT để cho rằng, không có quy định nào bắt buộc quét xong lô bài nào thì phải niêm phong lô bài đó, mà có thể quét xong hết tất cả, rà soát lại không có ảnh nào bị lỗi để phải rút bài thi ra đối chiếu, thì mới niêm phong cũng được.
Nhưng Yến cũng xác nhận, sau khi nghe tin Bộ GD-ĐT lên kiểm tra (chiều 18.7), bị cáo có yêu cầu bị cáo Nga sao dữ liệu ra đĩa CD, với mục đích là… phục vụ đoàn công tác. Bị cáo Yến giải thích ngắn gọn: “Trong quy chế không quy định về việc sao lưu này, không cấm. Việc sao lưu có sau 7 ngày Bộ GD-ĐT đã công bố điểm thi. Bị cáo tránh việc mất dữ liệu, nên cho sao lưu phục vụ đoàn công tác”.
Nhưng bộ đĩa CD (theo bị cáo Nga nói là 16 đĩa) không được giao nộp đoàn công tác, mà được Nga chuyển cho Yến ngày 19.7. Sau khi nhận, Yến để ở phòng làm việc của mình.
Ngày 20.7, Yến đã mang toàn bộ số đĩa CD trên ra nghĩa trang Sơn La tiêu hủy. Hội đồng xét xử hỏi: “Tại sao ngày 20.7 lại đem toàn bộ bộ đĩa CD tiêu hủy?”. Trả lời: “Vì mục đích sao lưu là phục vụ đoàn công tác, mà khi đoàn công tác đến kiểm tra thì dữ liệu trong máy tính vẫn còn, bộ đĩa CD không còn cần dùng đến, nên hủy”. Hỏi: “Tại sao không hủy ngay tại Sở GD-ĐT mà phải mang lên tận nghĩa trang để hủy?”. Trả lời: “Vì trên đường từ Sở về nhà, bị cáo rẽ vào nghĩa trang để hủy”.
Anh Yến bắt tôi ký cùng một lúc nhiều biên bản
Có mặt tại tòa với tư cách người làm chứng, ông Đinh Văn An, cán bộ Sở GD-ĐT Sơn La nay đã nghỉ hưu, trong kỳ thi THPT quốc gia 2018 được phân công giám sát kỳ thi, giám sát công tác chấm thi, cũng đã cung cấp một số thông tin ngược lại với lời khai của bị cáo Yến.
Theo ông An, ngày 4.7 bị cáo Yến đưa cho ông An một tập biên bản và đề nghị ông An ký lại. Theo giải thích lúc đó của bị cáo Yến, quá trình làm việc có một số thông tin thể hiện trong các biên bản đã lập chưa phù hợp, Bộ GD-ĐT yêu cầu làm lại. “Anh Yến nói, nội dung các biên bản này giống như những biên bản hàng ngày mình đã lập, đã ký. Thế là tôi ký”.
Ông An cho biết thêm, dù đóng vai trò người giám sát việc chấm thi nhưng thực chất ông làm việc dưới sự phân công của bị cáo Yến. Trong quá trình làm việc, ông An cũng nhiều lần tranh luận với ông Yến, nhưng ông Yến đều nói là công việc yêu cầu thế. “Ngay cả việc quét xong lô điểm thi 1, tôi hỏi sao quét xong không niêm phong, anh Thủy (bị cáo Đặng Hữu Thủy – PV) nói mọi năm vẫn làm thế. Anh Yến dẫn Thông tư 04 và hướng dẫn 991 của Bộ GD-ĐT và nói không có quy định nào quét xong phải niêm phong ngay”.
Trước khi tiến hành xét xử, Chủ tọa Quản Hữu Chiến thông báo, tòa đã triệu tập ông Hoàng Tiến Đức, nguyên Giám đốc Sở GD-ĐT Sơn La với tư cách người làm chứng; bà Lê Thị Thanh Yến, vợ của bị cáo Lò Văn Huynh (nguyên Trưởng phòng Khảo thí và quản lý chất lượng giáo dục, Sở GD-ĐT Sơn La), với tư cách người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Tuy nhiên, ông Đức không có mặt tại địa phương mà đang nằm điều trị tại một bệnh viện ở Hà Nội; còn bà Yến mới đây cũng đã phải nhập viện, hiện đang nằm điều trị tại Bệnh viện đa khoa Sơn La. Vì thế, cả 2 người này vẫn chưa thể đến tòa theo lệnh triệu tập.
Theo lời khai của bị cáo Yến, ông Đức là người đưa cho Yến danh sách 8 thí sinh để “nhờ xem điểm”. Còn theo lời khai ban đầu của bị cáo Huynh, bị cáo Nguyễn Minh Khoa (nguyên cán bộ Công an tỉnh) đã đến nhà Huynh đưa tiền là 1 tỉ đồng cho bà Yến để nhờ nâng sửa điểm bài thi cho một số thí sinh. Khi Lò Văn Huynh bị cơ quan an ninh triệu tập điều tra, bị cáo Khoa gọi điện cho bà Yến đề đòi lại tiền. Về sau, số tiền này, gia đình bị cáo Huynh vẫn chưa đưa lại cho bị cáo Khoa, mà giao nộp cơ quan điều tra.
|