Theo dữ liệu VietstockFinance, đến hết ngày 3.5, có 764 doanh nghiệp trên sàn
chứng khoán đã công bố kết quả
kinh doanh quý 1/2021, trong đó có 129 doanh nghiệp đầu tiên báo lỗ quý đầu năm.
Đáng chú ý, trong khi nhiều doanh nghiệp bị thua lỗ khiến cổ phiếu trên sàn sụt giảm hoặc chỉ đi ngang như Vietnam Airlines (HVN), Tổng công ty CP Đầu tư Quốc tế Viettel (VGI), Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai (HAG), Công ty CP Điện lực Khánh Hòa (KHP)… thì vẫn có một số cổ phiếu tăng mạnh bất chấp kết quả kinh doanh của doanh nghiệp thê thảm. Chẳng hạn như Công ty CP
Quốc tế Hoàng Gia (RIC) – đơn vị cung cấp dịch vụ casino tại Hải Phòng – hết quý 1/2021 vẫn thua lỗ gần 27 tỉ đồng, đưa tổng số lỗ lũy kế lên hơn 336 tỉ đồng. Thế nhưng cổ phiếu RIC vốn chỉ giao dịch dưới 5.000 đồng trong năm 2020 thì từ đầu năm đã bắt đầu chuỗi ngày tăng trần liên tục, đạt đỉnh cao ở giá hơn 46.000 đồng vào đầu tháng 3.2021, tăng gấp 10 lần. Sau đó RIC lại sụt giảm mạnh và hiện còn xoay quanh gần 18.000 đồng, vẫn cao gấp 5 lần giá cuối năm vừa qua.
Hay Công ty CP Tasco (HUT) – chuyên hoạt động trong lĩnh vực
hạ tầng giao thông, các dự án BOT – cũng báo lỗ sau thuế hơn 24,5 tỉ đồng trong quý 1/2021. Tuy nhiên, cổ phiếu HUT từ giá dưới 3.000 đồng vào cuối năm qua đã nhảy vọt lên 7.400 đồng vào giữa tháng 4 qua, tăng gấp 2,5 lần.
Tương tự, dù không tăng gấp nhiều lần như hai cổ phiếu trên, nhưng mã PVD của Tổng công ty CP Khoan và Dịch vụ Khoan dầu khí đã đạt mức cao gần 26.000 đồng vào đầu tháng 3, tăng hơn 60% so với cuối năm 2020. Hiện PVD đã quay đầu giảm về xoay quanh giá 20.000 đồng/cổ phiếu nhưng vẫn cao hơn 25%, bất chấp công ty này báo lỗ sau thuế 103,8 tỉ đồng trong quý đầu năm nay. Danh sách cổ phiếu vẫn tăng dù
doanh nghiệp thua lỗ còn có thể kể đến như FTM của Công ty CP
Đầu tư và Phát triển Đức Quân từ giá 1.420 đồng vào cuối năm 2020 đã tăng gấp 3 lần lên gần 4.500 đồng vào giữa tháng 4; HLA của Công ty CP Hữu Liên Á Châu từ 300 đồng cũng tăng hơn gấp 3 lần, lên 1.000 đồng/cổ phiếu…