Chọn thầy quan trọng như chọn vợ chọn chồng
Mở đầu bài giảng, GS Ngô Bảo Châu chia sẻ một số trải nghiệm của ông trong hoạt động nghiên cứu khoa học, một hành trình được khởi đầu từ thành công của ông trong các kỳ thi toán quốc tế cách đây hơn 30 năm. “Có một câu hỏi, đã bao giờ tôi có ý định rời bỏ nghiên cứu toán học không? Về cơ bản là không, nhưng có một vài thời điểm tôi thật sự nghi ngờ về khả năng khoa học của mình. Đó là năm tôi học lớp 12, và sau này khi là sinh viên theo học bên Pháp”, GS Ngô Bảo Châu cho biết.
Theo GS Ngô Bảo Châu, sau khi được huy chương vàng toán quốc tế IMO năm 1988 với số điểm tuyệt đối (42/42), ông rơi vào tình trạng không còn hứng thú với việc học tiếp ở lớp 12 do cảm thấy dường như bất kỳ bài toán sơ cấp nào mình cũng giải được hết. Khi đó, ông nghe phong thanh toán cao cấp khác với toán sơ cấp, nên nảy sinh ý định tìm hiểu trước về toán cao cấp.
Ông đạp xe xuống Trường đại học Sư phạm Hà Nội gặp GS Đoàn Quỳnh, được thầy Quỳnh cho mượn một cuốn giáo trình về toán cao cấp. Nhưng khi mang về đọc, cậu học trò Ngô Bảo Châu lớp 12 không hiểu gì cả. “Sau đó tôi bỏ cuộc. Đó là thời điểm mà tôi thấy chán nản và nghi ngờ vào khả năng học toán lý thuyết của mình”, GS Ngô Bảo Châu nói, rồi cho biết thêm, cảm giác đó tiếp tục lặp lại khi ông sang Pháp học đại học. Nhưng thật may mắn, sau đó GS Ngô Bảo Châu được gặp GS Gérard Laumon khi học lên tiến sĩ, được thầy Laumon dẫn dắt theo cách phù hợp mà nhờ đó ông bắt đầu có được chìa khóa để mở cửa bước vào ngôi nhà toán học.
Cũng từ may mắn này mà GS Ngô Bảo Châu chia sẻ với các bạn trẻ về tầm quan trọng của việc “gặp thầy” trong hành trình theo đuổi khoa học của một người tập làm nghiên cứu. Chọn thầy để theo học tiến sĩ là việc vô cùng quan trọng, giống như việc quyết định lấy vợ lấy chồng, vì cả cuộc đời làm khoa học của nhà khoa học phụ thuộc vào sự lựa chọn này. Viêc lựa chọn này nhiều khi phải nhờ sự linh cảm mách bảo. “Thầy tôi là một người có tầm nhìn xa và sâu sắc. Ông có cách hiểu rất mới và đặc biệt về các vấn đề của toán học, nhìn thấy được mối liên hệ giữa các vấn đề tưởng như rất rời rạc, chẳng liên quan gì đến nhau”, GS Ngô Bảo Châu nhận xét.
Cú dừng xe hơi giữa đường cao tốc
Thời gian làm nghiên cứu sau tiến sĩ (postdoc) là giai đoạn đặc biệt, bởi lúc này nhà khoa học phải trở thành nhà nghiên cứu độc lập, không còn “bờ vai” nào để dựa vào. Trong giai đoạn này, nhà nghiên cứu phải tạo được một kỹ năng khó nhất, đó là phải luôn luôn đổi mới mình. “Nếu nhà khoa học thực sự có tham vọng thì anh ta phải đổi mới mình liên tục. Không nên viết quá 2 bài báo cho một ý tưởng. Anh phải luôn có ý thức tìm cái mới, phải luôn luôn tìm người hợp tác để học hỏi các vấn đề mới. Không bao giờ loanh quanh bên một vài ý tưởng để cứ đào mãi một vấn đề cũ. Nên quên đi một cách nhẹ nhàng đề tài mình vừa làm để chuyển sang đề tài mới”, GS Châu khuyên.
Ông kể: “Năm 2002, tôi có một quyết định cá nhân đầy quyết liệt dù tiềm ẩn rất lớn sự rủi ro là muốn làm bổ đề cơ bản, nên không muốn bị phân tán bởi các đề tài khác. Tôi viết thư cho các đồng nghiệp thông báo việc này để rút lui khỏi một số đề tài đang làm, xin phép không đứng tên khi các bài báo được đăng, dù có bài mà tôi đóng góp đến 80%. Bởi tôi muốn tập trung cho đề tài của tôi, không muốn dây dưa với những cái khác, ngay cả đọc lại các bài đã viết tôi cũng không muốn làm. Việc này giống như việc rời bỏ một nơi an toàn để đến một nơi đầy rủi ro, nhưng bạn quyết tâm theo đuổi bởi nó là điều mà bạn thích làm”.
Quyết định ấy đã dẫn dắt GS Ngô Bảo Châu đến với thành công sau này, công bố công trình Bổ đề cơ bản cho các đại số Lie, công trình gây tiếng vang lớn, giúp ông được giải thưởng Fields năm 2010. Nhưng niềm hạnh phúc mà ông thực sự được hưởng sau quyết định đó là những khoảnh khắc vỡ òa niềm vui trong hành trình tìm lời giải cho bài toán. GS Ngô Bảo Châu nhớ lại một khoảnh khắc xuất thần chợt đến với ông: “Cuối năm 2003, tôi đi xe hơi ra sân bay đón bố tôi. Lúc đó tự nhiên tôi thấy có gì đó bừng sáng trong đầu. Lúc đó thấy khoan khoái và sung sướng quá, đang lái xe nhưng tôi không đạp ga, cứ để cho xe tự nhiên trôi trên đường cao tốc. Đến khi xe dừng lại, tôi nghe tiếng còi ầm ĩ thì mới bừng tỉnh”.
Một kỷ niệm khác, khoảng năm 2007, sau khi được giải thưởng Clay năm 2004. Trong vòng khoảng 2 – 3 năm, GS Ngô Bảo Châu cứ loạnh quanh với các ý tưởng của mình để giải một bài toán lớn hơn, nhưng ông luôn rơi vào cảm giác công trình của mình cứ xây lên lại bị đổ xuống. Nhưng may mắn đã đến. Trong một lần giảng bài mà người nghe toàn là những tên tuổi lớn, có một giáo sư chia sẻ riêng với ông về một bài chứng minh ông ấy đã từng làm trước đó 25 năm. Nghe xong, GS Ngô Bảo Châu cảm thấy như trong đầu mình có điện giật. Bởi nó là một gợi ý khiến cho ông cảm giác như tìm thấy nút bấm công tắc cho bài toán của mình.
“Trong 2 ngày sau tôi không tài nào ngủ được. Trong đầu tôi cứ như có điện. Những đoạn khiến tôi có cảm giác cứ xây lên lại đổ trước đó, bỗng nhiên có thể ghép lại được với nhau. Sau đó tôi mất thêm 2 năm để viết và sửa. Nhưng đó là một khoảnh khắc đáng nhớ, khi ai đó cho mình một gợi ý tuy rất đơn giản nhưng nó là nút mở đối với bế tắc của mình”, GS Ngô Bảo Châu tâm sự.
Về thu nhập, nhà khoa học luôn thua thiệt
Trước băn khoăn này, GS Ngô Bảo Châu trả lời: “Đó là thiệt thòi của người làm khoa học. Ngày xưa tôi cũng thế. Tầm tuổi 30 – 40, tôi không có khái niệm đi ăn quán, việc giao lưu với bạn bè rất hạn hữu. Tôi cũng không có nhu cầu. Tôi nhìn đời sống xã hội theo cách như thể nó chẳng liên quan đến mình. Không có thời gian để giao lưu xã hôi, đó là cái giá phải trả nếu bạn theo đuổi nghề nghiên cứu khoa học”.
Theo GS Ngô Bảo Châu, điều kiện nghiên cứu của các nhà khoa học Việt Nam hiện đã tốt hơn nhiều so với trước. Ngoài quỹ đầu tư cho nghiên cứu cơ bản của nhà nước, một số quỹ của tư nhân cũng đã hình thành để hỗ trợ các nhà khoa học nghiên cứu.
Tham dự tọa đàm sau bài giảng, PGS Vũ Hoàng Linh, Hiệu trưởng Trường đại học Khoa học tự nhiên, cũng bình luận: “Về thu nhập thì những người làm khoa học, ngay ở nước ngoài, cũng không bằng được nghề khác. Nhưng mỗi nghề có một niềm vui khác nhau. Người làm khoa học có niềm vui được khám phá, có niềm hạnh phúc khi chứng tỏ được bản thân… Rồi chúng ta có những cơ hội thú vị, như được đi nghiên cứu, được dự hội thảo ở nước ngoài. Nhờ làm nghề nghiên cứu khoa học mà ta có những niềm vui mà người làm ngành nghề khác không có. Với lại, chọn nghề cũng theo tạng người. Như cá nhân tôi, nếu làm ở ngân hàng, ngồi suốt ngày với một cái máy tính và cả đống giấy tờ, tôi sẽ không thích”.