HomeThương trườngĐiện xu hướng 'chở' ngược từ Nam ra Bắc

Điện xu hướng ‘chở’ ngược từ Nam ra Bắc

Thay vì từ miền Bắc vào miền Nam như trước, chiều truyền tải thời gian tới có xu hướng thay đổi ngược lại.

Chia sẻ tại Hội thảo về dự thảo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2045 (quy hoạch điện VIII) sáng 28/9, Thứ trưởng Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho biết, theo tính toán, tổng công suất nguồn của hệ thống điện sẽ tăng khoảng 80.000 MW so với năm 2020. Trong đó, các nguồn điện lớn như nhà máy nhiệt điện than, khí và LNG dự kiến thêm khoảng hơn 30.000 MW còn các nhà mái điện gió trên bờ (onshore), ngoài khơi (offshore) và điện mặt trời là gần 30.000 MW.

Phần lớn các nguồn điện này đều ở xa trung tâm phụ tải. Kết quả nghiên cứu của dự thảo quy hoạch điện VIII chỉ ra rằng truyền tải điện sẽ có xu hướng thay đổi dần theo chiều ngược lại, từ Nam ra Bắc. Trước đây, điện được truyền tải chủ yếu từ miền Bắc vào miền Nam thông qua đường dây 500 kV Bắc-Nam mạch 1. Điện dư thừa từ cụm nhà máy thủy điện Hòa Bình, Thác Bà, nhiệt điện Phả Lại, Uông Bí, Ninh Bình được cung cấp cho miền Trung, miền Nam khi đó thiếu điện nghiêm trọng.

Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng tại sự kiện sáng 28/9. Ảnh: Bộ Công thương.

Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng tại sự kiện sáng 28/9. Ảnh: Bộ Công Thương.

Bên cạnh đó, xu hướng truyền tải theo quy hoạch sẽ là mua điện từ Trung Quốc, Lào về Bắc Bộ và bán điện từ miền Trung, miền Nam sang Thái Lan, Campuchia khi dư thừa nguồn gió, mặt trời, bà Lê Thị Thu Hà, phía Viện Năng lượng, cho biết.

Theo đó, đến năm 2030, Việt Nam sẽ nhập khẩu từ Trung Quốc khoảng 2 GW, tương đương 9 tỷ kWh, thông qua trạm BTB (back to back – trạm chuyển đổi xoay chiều-một chiều-xoay chiều) tại biên giới Lào Cai và Hà Giang. Với Lào, lượng điện nhập khẩu khoảng 5 GW.

Bà Hà thông tin, hiện dọc biên giới hai nước đã có nhiều dự án trong quá trình nghiên cứu để đưa điện về. Điện sẽ được đấu nối theo phương thức nhà máy điện của Lào kết nối trực tiếp với lưới điện Việt Nam. Về phía Campuchia, Việt Nam có kế hoạch xuất khẩu khoảng 250 MW theo phương pháp tách lưới.

Ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó trưởng phòng phát triển hệ thống điện của Viện Năng lượng cho biết, đến năm 2030, miền Bắc có xu hướng bị thiếu nguồn, cần nhận điện từ vùng lân cận như Bắc Trung Bộ, Trung Trung Bộ và Tây Nguyên. Đến năm 2045, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên sẽ là khu vực nguồn lớn của cả nước, cần truyền tải đi xa tới các vùng khác.

Theo Viện Năng lượng, hiện quy mô nguồn điện bao gồm các nguồn điện hiện trạng và đã được đăng ký khoảng 2.200 dự án, tổng công suất 220 GW (tương đương 220.000 MW). Nhiều vùng, tiểu vùng có quy mô nguồn đăng ký lớn hơn rất nhiều so với phụ tải. Theo đó, có sự thiếu cân đối của công suất nguồn đăng ký khi có quá nhiều nguồn điện đăng ký tại miền Trung, miền Nam. Đến năm 2030, Nam Bộ và Nam Trung Bộ đăng ký dư khoảng 80 GW, Tây Nguyên dư 18 GW.

“Nếu tất cả nguồn đăng ký đầu tư thêm đều được phê duyệt – khoảng 162 GW, tổng công suất nguồn toàn quốc năm 2030 sẽ dư 137 GW, tức 162%”, ông Cường nói. Do vậy, đến năm 2030, chỉ một phần nguồn điện đăng ký được phê duyệt bổ sung vào quy hoạch. Lượng công suất nguồn còn lại xem xét phát triển trong giai đoạn 2031-2045.

Theo ông Hoàng Quốc Vượng, dự thảo quy hoạch điện VIII cơ bản đã hoàn thành. Bộ Công Thương sẽ báo cáo Thủ tướng vào tháng 10.

Phương Ánh

Nguồn bài viết

Xem nhiều

spot_img