HomeGiáo dụcMột số trường ở Đăk Nông mong có đủ sách cho học...

Một số trường ở Đăk Nông mong có đủ sách cho học sinh

Đắk NôngMột số trường vùng sâu, vùng xa mong các em có đủ sách, vở mỗi khi năm học mới bắt đầu, chứ chưa mong có tivi, máy chiếu…

Trong những năm qua, nhiều thế hệ thầy, cô giáo không ngừng nỗ lực vượt lên, mang con chữ đến với các em. Mỗi khi năm học mới bắt đầu, học sinh ở trường vùng sâu vùng xa của tỉnh Đắk Nông rất cần sách giáo khoa và trang thiết bị giáo dục khác.

Trường tiểu học Y Jút, tiểu học Lê Quý Đôn (Huyện Cư Jút, Đắk Nông) còn thiếu phòng học, thư viện đầu sách rất hạn chế, học sinh chưa đủ sách giáo khoa, giáo viên gặp nhiều khó khăn trong công tác giáo dục. Học sinh nơi đây đa phần là đồng bào dân tộc nên việc tiếp nhận ngôn ngữ thứ hai là thách thức không nhỏ với giáo viên.

Như tại trường tiểu học Y Jút, 100% học sinh của trường đều là người dân tộc Ê Đê; trong đó, gần 50% học sinh thuộc hộ nghèo và cận nghèo, còn lại các em khác điều kiện gia đình cũng còn nhiều thiếu thốn. Cô Phí Thị Hải, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, đến năm học mới, 50% học sinh thuộc hộ nghèo và cận nghèo nhờ vào chính sách hỗ trợ của các cấp (theo Nghị quyết 31 – Hội đồng Nhân dân tỉnh Đắk Nông) mới có sách, vở. Những bạn hộ thuộc diện khó khăn khác, cha mẹ phải tự trang bị cho con.

Đời sống của bà con nơi đây thường thiếu trước hụt sau, làm nương rẫy, thuê mướn là chủ yếu. Những năm qua, cà phê, hồ tiêu không được mùa nên cuộc sống chật vật hơn.

Các em học sinh trường tiểu học Y Jút trong giờ học chữ. Ảnh: Nhà trường cung cấp.

Các em học sinh trường tiểu học Y Jút trong giờ học chữ. Ảnh: Nhà trường cung cấp.

Còn tại trường Tiểu học Lê Quý Đôn, không ít cha mẹ của học sinh gửi các con lại cho ông bà để vào Nam làm thuê mướn hoặc công nhân trong các xí nghiệp. Có những em đang đi học phải khăn gói theo cha mẹ lên đường mưu sinh. Do ảnh hưởng của Covid-19 khiến nhiều người bị mất việc hoặc giảm việc, lo lắng bị sa thải.

Gánh nặng kinh tế đè lên vai phụ huynh, không ít cha mẹ chưa có nhiều thời gian chăm lo cho việc học của con cái. Giáo viên phải thường xuyên đến từng gia đình động viên cho các em không bỏ học. “Đôi khi thấy nhiều em còn khó khăn nhưng thầy cô cũng không biết làm gì hơn, chỉ mong trao kiến thức như ‘chìa khóa’ giúp các em mở cánh cổng tương lai”, cô Hải trải lòng.

Năm học này, trường tiểu học Y Jút còn chưa đủ phòng học và các phòng chức năng, phải mượn nhà cộng đồng làm nơi học thêm tiếng mẹ đẻ và tiếng Anh để theo kịp với chương trình giáo dục phổ thông mới. Vất vả, thiếu thốn là vậy, nhưng mỗi khi vào lớp, nghe tiếng các con ê a đánh vần là lòng cô giáo miền xuôi lại phấn khởi hơn, vững tin vào nghề “gõ đầu trẻ”. Hơn nữa, càng gắn bó với mảnh đất vùng cao, tình người của bà con nơi đây, cô Hải càng thấy thương mến hơn. Cô không mong gì hơn đời sống bà con ngày càng khởi sắc, học sinh có điều kiện học tập tốt.

Giáo viên của trường tiểu học Y Jút mong tiết học có thể sinh động hơn với các thiết bị hỗ trợ. Ảnh: Nhà trường cung cấp.

Giáo viên của trường tiểu học Y Jút mong tiết học có thể sinh động hơn với các thiết bị hỗ trợ. Ảnh: Nhà trường cung cấp.

Còn với Hiệu trưởng trường Tiểu học Lê Quý Đôn (Đắk Nông) – thầy Nguyễn Minh Phú quan niệm, ở đâu có các em ở độ tuổi đến trường là cố gắng vận động, tạo điều kiện tốt nhất cho các em, nhất là học sinh nghèo được đi học. Nhưng không phải em nào cũng được đi học, có em đến lớp vài hôm lại nghỉ là tình trạng thường thấy.

Nhiều năm qua, nhà trường đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động giáo viên mới mong giữ vững sĩ số. Năm học này, trường có 350 học sinh; một số thuộc hộ nghèo, cận nghèo; nhiều em đồng bào dân tộc như Ê đê, Hơ Mông, Gia Rai, Nùng… Thầy Phú cho biết, mỗi khi vào năm học mới, nhìn các em có đủ sách, vở – đơn giản vậy thôi là có thể yên tâm phần nào.

Để sẻ chia vất vả của giáo viên, học sinh trong công tác dạy và học, chương trình “HURA chia sẻ yêu thương – tiếp sức đến trường” do Công ty Cổ phần Bibica tổ chức đến thăm và trao tặng cho mỗi trường gần 100 bộ sách giáo khoa, 700 phần ăn xế, 10 chiếc xe đạp vào cuối tháng 9.

Thầy Phú chia sẻ thêm, đường xá khó khăn, nhiều học sinh ở xa trường phải đi bộ 7-8 cây số đến lớp. Nhờ những chiếc xe đạp do chương trình trao tặng giúp các em đỡ vất vả hơn. Nhà trường sẽ dành tặng 100 bộ sách giáo khoa cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn như bố mẹ phải đi làm ăn xa, kinh tế bị ảnh hưởng do mùa màng thất bát, gia đình đông người… Các em ở đây còn nhiều thiếu thốn nên khi nhận được những phần quà tặng rất quý trọng. Em nào cũng mong có thể học giỏi, cố gắng học tập để đáp lại tấm lòng của thầy cô.

Độc giả cũng có thể góp sách giáo khoa tặng các học sinh tiểu học, trung học có hoàn cảnh khó khăn tại Đắk Nông, Thanh Hóa, Hà Giang, Lào Cai, Lạng Sơn bằng cách tham gia cuộc thi “Cả nhà cùng vẽ ước mơ” do Ngoisao.net và Bibica phối hợp tổ chức (diễn ra từ ngày 21/9 đến 21/10) tại đây. Cứ mỗi bài dự thi của độc giả gửi về cuộc thi sẽ đóng góp một bộ sách giáo khoa cho các em hoàn cảnh khó khăn.

Kim Uyên

Nguồn bài viết

Xem nhiều

spot_img