Hôm ấy trời nắng đẹp, người bạn rủ nhóm chúng tôi vào cụm rừng sến bên cạnh suối nước nóng Bưng Thị. Đó là dòng suối chảy ra từ một đầm lầy nhỏ. Bỗng nhìn thấy thỉnh thoảng đâu đó vài cụm rau giấm mọc lên, hồn nhiên vẫy lá.
Vậy là trước khi trở về, nhặt chiếc ly nhựa, bứng vài cây để đem về vô chậu. Chăm bón, tưới tắm và thêm ít phân kali, ai ngờ vươn lên trổ nhánh tươi tốt, y như lời của người bạn lúc trên xe: “Anh yên tâm đi, ở nơi hoang dại mà nó còn sống được, về trồng được chăm bón cẩn thận, chỉ một hai tháng sau là có lá nấu canh”.
Tháng chín, trời đã thu. Mưa nắng đều đặn, cây rau giấm lá vẫy hồn nhiên như ở đất rừng. Buổi sáng chủ nhật, cầm chiếc rổ nhựa ra ngắt một ít. Dành lại lá già và chồi non, chỉ lấy những chiếc lá mọc giữa thân. Bỗng nhớ có lần đã đọc, loài cây này có nhiều tên như cây quý mầu, rau chua, bụp giấm, atiso đỏ, mà bây giờ ngay cả trang thương mại điện tử nổi tiếng nhất cũng rao bán giao hàng đến tận nhà để người ta trồng, được ghi ở mục “chậu rau dược liệu”. Nhưng cứ thắc mắc vì sao quảng cáo là “cây du nhập từ nước ngoài từ chục năm trở lại”. Không hiểu được, bởi mấy chục năm trước, mình đã hái ở góc vườn và được ăn lá ấy nấu canh rồi!
|
Kia rồi, nước đã sôi, cá đã chín tới. Là lúc bốc nhẹ đám rau giấm đã rửa sạch, ít thôi kẻo chua gắt, bỏ vào xoong dùng đũa đảo đều một chút. Để cho sôi lại, là thành ra canh cá lóc rau giấm
|
Múc ra tô, chợt nhớ ngày thơ ra đồng bắt được vài con lóc bằng cán cây dao xắt chuối. Đem về giở chiếc giỏ hí hửng khoe, chị bảo ra sau hè, chỗ góc vườn có cây khế mọc, dưới gốc là đám rau giấm dại, hái vô để chị nấu canh ăn cho mát buổi trưa hè.
Vừa chan vừa húp, thoáng chút bùi ngùi khi nghĩ rằng vẫn y như lúc nhỏ. Vị chua mách bảo rằng, nếu có vườn tược như quê nhà chắc sẽ chờ mùa rau giấm đơm bông, để khi có hạt phát tán đi nhiều chỗ, đám rau ấy sẽ mọc nhiều hơn.