Trung QuốcTrong khi nhiều dịch vụ công nghệ “ăn nên làm ra” trong Covid-19, những quán game vốn sinh ra từ Internet lại bị đẩy đến bờ vực phá sản.
Câu hỏi “Đã bao lâu bạn chưa đến quán cà phê Internet?” trở thành chủ đề được thảo luận sôi nổi trên Weibo, mạng xã hội lớn nhất Trung Quốc. Giống ở Việt Nam, các quán game trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống công nghệ của nhiều thế hệ. Tuy nhiên, 20 năm sau thời kỳ bùng nổ Internet với những thay đổi chóng mặt, cộng thêm cú hích từ Covid-19, ngành kinh doanh cà phê Internet ở Trung Quốc sụp đổ.
6.487 quán cà phê Internet đóng cửa trong 6 tháng
Trên tầng hai, khu tổ hợp Alsophila ở thành phố Hải Khẩu, tỉnh Hải Nam, hơn chục chiếc ghế sofa bọc da màu vàng đang được vận chuyển xuống chiếc xe tải chờ dưới đường. Phía bên kia đường, qua ô cửa kính bụi, người ta có thể lờ mờ thấy dòng chữ “cửa hàng đóng cửa”, bên trong là hàng trăm ghế sofa giống nhau đang nằm im lìm trong căn phòng hỗn độn và hiu quạnh.
Năm 2019, chủ quán cà phê Internet Chen Ruidi đã mua những chiếc ghế sofa này với giá 570 nhân dân tệ (gần hai triệu đồng), nhưng giờ anh chỉ có thể rao bán chúng trên trang mua bán đồ cũ với giá 50 nhân dân tệ (khoảng 170 nghìn đồng) kèm hy vọng sớm thanh lý hết.
Cuối tháng 2, khi thông báo đóng cửa quán Internet, Chen Ruidi nghĩ đó là một quyết định tạm thời. Chen dọn dẹp hàng quán gọn gàng, sạch sẽ để đón Tết. Anh còn dán hai câu đối đỏ lên cửa kính bóng loá cùng lời nhắc ấm áp tới khách hàng thân thuộc: “Hẹn gặp lại vào năm mới”.
Tuy nhiên, dịch bệnh lại diễn biến phức tạp và ngày càng trầm trọng. 5 tháng sau, Chen Ruidi quay cuồng trong các khoản tiền thuê nhà, tiền vay nợ, tiền lương cho quản trị website. Chen cay đắng nhận ra rằng “các quán cà phê Internet cũng không thể thoát khỏi bi kịch phá sản”. Lời chào cuối năm ngoái lại trở thành lời chia tay cuối cùng.
Chen Ruidi vừa tốt nghiệp năm ngoái, anh yêu thích thể thao điện tử và quyết định về quê khởi nghiệp bằng một quán cà phê Internet tầm cỡ. “Tôi vay 2 triệu nhân dân tệ (hơn 6,7 tỷ đồng) và dùng 850 nghìn nhân dân tệ để trang trí. Còn lại là tiền để lắp dàn máy và chuẩn bị cho các dịch vụ tốt nhất”, Chen nói anh đã đặt nhiều kỳ vọng vào mô hình kinh doanh này, từ việc lựa chọn địa điểm, đến trang trí, rồi mua sắm thiết bị. Tất cả đều do Chen tự tay mua sắm và thi công.
Những ngày đầu khai trương, các quán cà phê Internet hạng sang như của Chen Ruidi rất hút khách. Sau gần một năm hoạt động, cửa hàng bắt đầu kín chỗ. Anh cũng xây dựng được một cộng đồng khách quen trên WeChat và thường có một số hoạt động nhỏ để gắn kết với khách hàng. “Theo kế hoạch, tôi sẽ mở thêm một chi nhánh mới trong năm 2020”, Chen nói.
Đại dịch nổ ra và làm xáo trộn mọi kế hoạch của Chen, không những thế quán cà phê Internet của anh còn bị đẩy đến bờ vực phá sản. “Dịch bệnh bùng phát khiến cửa hàng phải đóng cửa gần nửa năm. Thu nhập không có nhưng tiền chi trả hàng tháng cho mặt bằng, nhân công vẫn rất lớn. Sau khi được kinh doanh trở lại, mỗi ngày chỉ có 30 – 40 khách ghé qua, phần lớn máy móc phủ bụi nằm im một chỗ”, Chen Ruidi nói. Cuối cùng, anh phải bán tất cả thiết bị với giá rẻ và cho thuê lại mặt bằng. “Chắc chắn sẽ lỗ nhưng ít nhất vẫn có thể vớt vát chút đỉnh để trả tiền nợ còn thiếu”, 9x này nói. Giờ đây, một bộ máy tính chạy chip Intel core i5-4460 giá chỉ còn khoảng 800 nhân dân tệ.
Zhang Chan, một thanh niên khác đang điều hành bốn quán cà phê Internet lo lắng rằng hai quán của mình trong thị trấn đang thua lỗ. Riêng chi phí thuê mặt bằng đã hơn 300.000 nhân dân tệ mỗi năm.
“Trong thời gian tạm nghỉ, chúng tôi thiệt hại khoảng 500.000 nhân dân tệ, đặc biệt việc học chuyển sang trực tuyến ảnh hưởng rất lớn đến việc kinh doanh. Để giảm bớt áp lực, chúng tôi phải bán lại máy tính, bàn ghế ở một số cửa hàng, ít nhất cũng có tiền để duy trì các quán còn lại hoặc có vốn để kinh doanh mô hình khác”, Zhang nói. Sau khi bàn bạc với bạn bè, anh quyết định bán tiếp 148 máy tính. “Tôi mới mua được 6 tháng, còn bảo hành một năm, 3 tháng. Mỗi chiếc có thể bán được 1.000 – 2.000 nhân dân tệ (3,4 – 7 triệu đồng). Như vậy còn tốt hơn là để chúng phải phủ bụi”, Zhang Chan cho biết.
Trên các trang thương mại điện tử, các từ khoá như “đóng cửa quán cà phê Internet”, “máy tính cũ đã qua sử dụng”, “bán lại quán cà phê Internet” xuất hiện ngày càng nhiều. Chủ quán không còn lựa chọn nào khác ngoài việc đóng cửa, tuyên bố phá sản hoặc bán lại để vớt vát chút vốn.
Thống kê toàn Trung Quốc trong nửa đầu 2020 có 1.557 công ty kinh doanh quán cà phê Internet mới đăng ký. Cùng thời gian này, 6.487 quán cà phê Internet đã thông báo phá sản hoặc phải đóng cửa. Điều này cho thấy xu hướng tăng trưởng âm đáng báo động của dịch vụ. Điều đáng buồn hơn cả là những dàn máy cấu hình khủng bỗng chốc biến thành “đồ đồng nát”.
Tiến thoái lưỡng nan
Li Zhangqi, một khách quen của các quán cà phê Internet, nói: “Gần chục quán trong quận tôi sống đã đóng cửa và chỉ có một quán mở cửa trở lại”. Li thường đến các quán game để chơi thể thao điện tử cùng bạn bè, anh phát hiện ra các quán quen của anh đã phá sản trước khi tiền giờ trong thẻ được dùng hết. “Các quán lần lượt đóng cửa, không nhiều người lui tới mỗi ngày, 2/3 máy trong quán không có người dùng”, Li Zhangqi nói.
Trên thực tế, ngay cả ở khu vực thành thị, những quán Internet sống sót được qua mùa đông lạnh giá vẫn ế ẩm.
“Dịch bệnh vẫn chưa được kiểm soát hoàn toàn. Nhiều thành phố quản lý chặt chẽ các quán Internet. Một số nơi yêu cầu quán chỉ được đón tối đa 50% khách so với thông thường. Chỉ cần quá một khách là quán đối mặt với nguy cơ bị đóng cửa”, chủ một quán cà phê Internet ở Thượng Hải nói.
Sau khi hoạt động trở lại vào tháng 7, chi phí khử trùng và phòng chống dịch bệnh ở các quán cà phê Internet tăng lên rất cao. Ngoài tiền nước khử trùng, găng tay, khẩu trang, khối lượng công việc của quán cũng tăng lên. Các quán cà phê Internet phải có người đo nhiệt độ, đăng ký mã số sức khoẻ. Lỡ có người dương tính vào quán, họ phải đối mặt nguy cơ đóng cửa tiếp.
Khối lượng công việc của nhân viên cũng tăng lên nhưng lương lại hạ xuống. “Cũng không còn cách nào khác, chúng tôi cần khử trùng, mở quạt thông gió cho các quán mỗi ngày. Từ việc vệ sinh bàn ghế, tai nghe đến bàn phím, khối lượng công việc mỗi ngày đều tăng lên đáng kể”, Chen Lu, quản lý quán Internet từ năm 2018, nói: “Trong thời kỳ dịch bệnh, nhiều khách hàng quen thuộc liên tục hỏi bao giờ quán mở cửa, nên dù khó khăn tôi vẫn cố gắng bám trụ”.
Để duy trì hoạt động của quán, lương của Chen tạm thời bị giảm 1.000 nhân dân tệ. “Điều này cũng dễ hiểu, dù sao bây giờ cũng không dễ để tìm được việc mới nếu nghỉ việc. Công việc khác chắc chắn lương cũng thấp thế thôi”, Chen nói.
Quán cà phê Internet nhơi Chen Shu làm việc đã tìm mọi cách để giảm chi tiêu. Như nhiều cửa hàng khác, họ đang rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan. Nếu để giá thấp thì tiếp tục lỗ, nhưng nếu tăng giá thì sẽ không có khách. Cả hai đều dẫn đến một kết cục chung là phá sản.
“Bởi vì chỉ còn một quán cà phê Internet trong quận mở cửa, nên giá theo giờ đã tăng từ 6 lên 8 nhân dân tệ. Mặc dù mức tăng có vẻ không đáng kể, với những người chơi cả buổi như tôi, đó là số tiền lớn”, Li Zhangqi nói.
Bao Shi, một khách quen của các quán game ở khu vực Tây Nam, cho biết các quán Internet anh ngồi đã tăng giá từ 1 đến 3 nhân dân tệ một giờ. Những quán cao cấp có giá 25 nhân dân tệ mỗi giờ. Sau khi trò chuyện với các chủ quán, Bao Shi hiểu rằng họ không có lựa chọn nào khác vì đã thua lỗ quá nhiều.
Với những quán cà phê Internet mở gần trường học, sự cạnh tranh càng khốc liệt. Giá cả ở đây vô cùng nhạy cảm, nếu muốn tăng hoặc giảm, họ phải làm cùng các cửa hàng khác. Nếu tự ý, cửa hàng không chỉ mất khách mà có thể bị tẩy chay thậm chí bị báo cáo lên cơ quan chức năng.
Cơ hội nào cho mô hình cà phê Internet
Thực tế, dù không có dịch bệnh, mô hình quán cà phê Internet cũng đang trên đà thoái trào. Covid-19 chỉ đẩy nhanh quá trình. Số liệu từ năm 2015 cho thấy trong bốn năm liên tiếp, số lượng đăng ký kinh doanh mô hình cà phê Internet giảm đều. Năm 2019 chỉ có 4.677 hồ sơ, thấp nhất trong 10 năm qua, chưa kể hàng nghìn quán khác tuyên bố phá sản.
Nguyên nhân đầu tiên đến từ sự bùng nổ của “game mobile”. Các nhà phát triển ngày càng trú trọng các ứng dụng trên smartphone thay vì thiết kế game PC. Hầu hết trò chơi trong quán Internet là trò chơi cũ.
Theo “Báo cáo phát triển ngành dịch vụ Internet Trung Quốc 2018”, ba game trực tuyến hàng đầu là League of Legends, Crossing the Line of Fire và Dungeon and Warriors… đều đã phát hành hơn 10 năm.
Từ những năm 2015, tựa game mang tên Heroes of War do Tencent phát hành đã chính thức được thử nghiệm trên nền tảng Android và iOS. Sau đó, game này trên di động được đổi tên thành Glory of the King và trở thành đã trở thành “đao phủ” của của các quán Internet. Game di động không bị giới hạn bởi địa điểm và thiết bị cũng như số lượng người chơi.
Một lý do khác khiến ngành công nghiệp cà phê Internet tan rã là bởi mô hình hoạt động lẻ tẻ, phân tán. Tính đến năm 2018, số lượng quán cà phê Internet chuỗi chỉ chiếm 20%. Theo Hiệp hội Công nghiệp Dịch vụ Internet Trung Quốc, mô hình này buộc phải thay đổi và nâng cấp nếu muốn tồn tại.
Một trong những hướng đi được ưu tiên là bổ sung các dịch vụ ăn uống. Tuy nhiên, hướng đi này không khả quan. Dịch vụ ăn uống trong quán cà phê Internet chỉ chiếm 18,5% doanh thu.
Ngoài việc chuyển đổi thành một quán cà phê thuần tuý, nhiều nơi làm thêm cà phê Internet cho game di động, hội trường thi đấu thể thao điện tử hay cà phê Internet dành riêng cho nữ cũng được nhiều người lựa chọn. Trước đó, các tỉnh Phúc Kiến, Quảng Châu, Hồ Nam, Thiểm Tây… cũng mở thêm các điểm chơi game di động ngoại tuyến theo mô hình mở.
Tuy nhiên những hướng đi này đều không hiệu quả. Một người có thâm niên trong ngành kinh doanh này nói: “Những mẫu máy tính mới cùng mô hình nạp tiền trả phí vẫn không hấp dẫn người dùng. Nhu cầu chơi game PC giảm và người dùng chỉ có nhu cầu ngắn hạn”. Bản thân mô hình Internet game di động hay quán bar VR và hội trường thể thao điện tử chưa thể phát triển thành một mô hình thương mại thực sự.
Hơn nữa, thói quen người dùng đã thay đổi. Trước đây nhiều người vào quán game để chat, gửi mail, giờ đây, nhu cầu này biến mất hoàn toàn. Các quán cà phê Internet lụi tàn kéo theo bao ký ức về thời kỳ đầu của Internet vào thập niên 80, 90.
Sau hai mươi năm bùng nổ của ngành công nghiệp cà phê Internet, đại dịch đã đẩy ngành công nghiệp này sang một trang mới.
Khương Nha (theo Sina)