Ngày 23.9, Sở GD-ĐT TP.HCM đã triển khai hướng dẫn các trường THCS, THPT thực hiện việc đổi mới phương pháp, hình thức dạy học và kiểm tra, đánh giá.
Học trong thư viện, trên sân trường…
Theo đó, trong năm học 2020 – 2021, Sở GD-ĐT TP.HCM tiếp tục yêu cầu các trường thực hiện đa dạng, hợp lý các phương pháp dạy học tích cực. Tăng cường công tác kiểm tra đánh giá theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất học sinh.
Cụ thể cần đa dạng hóa các hình thức học tập, chú ý các hoạt động trải nghiệm, nghiên cứu khoa học của học sinh. Giáo viên sử dụng các hình thức dạy học trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông như: dạy học trực tuyến, trường học kết nối… Ngoài việc tổ chức cho học sinh thực hiện các nhiệm vụ học tập ở trên lớp, cần coi trọng giao nhiệm vụ và hướng dẫn học sinh học tập ở nhà, ở ngoài nhà trường.
Tăng cường hình thức tổ chức dạy học ngoài lớp học như tại thư viện, các không gian tổ chức học tập khác trong nhà trường (vườn trường, sân tập, phòng học STEM, phòng truyền thống) nhằm tăng hứng thú cho học sinh.
|
Tích cực triển khai công tác nghiên cứu khoa học đối với học sinh trung học, tăng cường tổ chức các hoạt động như thí nghiệm – thực hành của học sinh; huy động các nguồn lực để phát triển hoạt động học sinh nghiên cứu khoa học.
Thi trên giấy hoặc máy tính
Về các hình thức kiểm tra, đánh giá, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó giám đốc Sở GD- ĐT TP.HCM, chỉ đạo các trường THCS, THPT thực hiện hiệu quả các phương pháp và hình thức kiểm tra, đánh giá theo định hướng phát triển năng lực học sinh. Lưu ý sử dụng định dạng đề thi đánh giá năng lực tiếng Anh dành cho học sinh phổ thông. Không kiểm tra, đánh giá những nội dung, bài tập, câu hỏi vượt quá mức độ cần đạt về kiến thức, kỹ năng của chương trình hiện hành.
Theo lãnh đạo Sở, các trường thực hiện đánh giá thường xuyên trực tiếp hoặc trực tuyến bằng các hình thức: Hỏi – đáp, viết, đánh giá qua hồ sơ học tập, vở hoặc sản phẩm học tập. Hay có thể đánh giá qua việc học sinh báo cáo kết quả thực hiện một dự án học tập, nghiên cứu khoa học kỹ thuật, báo cáo kết quả thực hành, thí nghiệm hoặc đánh giá qua bài thuyết trình về kết quả thực hiện nhiệm vụ học tập.
Còn các bài kiểm tra, đánh giá định kỳ, gồm kiểm tra, đánh giá giữa kỳ và kiểm tra, đánh giá cuối kỳ, được thực hiện thông qua bài kiểm tra (trên giấy hoặc trên máy tính), bài thực hành, dự án học tập. Trong đó đề kiểm tra phải được xây dựng theo ma trận, đặc tả câu hỏi tự luận, trắc nghiệm khách quan hoặc trắc nghiệm khách quan kết hợp với tự luận cần biên soạn theo mức độ cần đạt của chương trình môn học, hoạt động giáo dục.
Đối với kiểm tra, đánh giá bằng bài thực hành, hoặc dự án học tập thì yêu cầu cần đạt của bài thực hành hoặc dự án học tập phải được hướng dẫn cụ thể bằng bảng kiểm các mức độ đạt được phù hợp với 4 mức độ nhận biết, thông hiểu, vận dụng, vận dụng cao của các kiến thức, kỹ năng được sử dụng.
Căn cứ vào mức độ cần đạt của chương trình môn học, hoạt động giáo dục, mức độ phát triển năng lực của học sinh, nhà trường xác định tỷ lệ các câu hỏi, bài tập theo 4 mức độ yêu cầu trong các bài kiểm tra, đánh giá đảm bảo sự phù hợp với đối tượng học sinh và tăng dần tỷ lệ các câu hỏi, bài tập ở mức độ yêu cầu vận dụng, vận dụng cao; có hướng dẫn cụ thể trước khi tổ chức thực hiện.
Ngoài ra, Sở cũng chỉ đạo các nhà trường, giáo viên kết hợp dạy học qua internet với dạy học trực tiếp trên lớp. Sử dụng CNTT, phần mềm dạy học để giao nhiệm vụ học tập, kiểm tra, đánh giá quá trình học tập, hỗ trợ học tập, tự học và thực hiện các hoạt động phù hợp trên môi trường internet. Chú trọng các hoạt động giúp học sinh có thể tự học, tự nghiên cứu như: Hướng dẫn đọc, tra cứu tài liệu, sách giáo khoa, tài liệu tham khảo, video, thí nghiệm mô phỏng để trả lời các câu hỏi, bài tập được giao. Có giải pháp giám sát quá trình học tập và bảo đảm sự phù hợp để học sinh tự truy cập vào bài học, thực hiện các nhiệm vụ học tập dưới sự với sự theo dõi, giám sát, hỗ trợ, đánh giá của giáo viên.