Ngay khi bước vào đầu năm học, với học sinh (HS) đầu cấp THPT, lãnh đạo các trường đều cho biết chuẩn bị các kế hoạch hoạt động giáo dục có tính đón đầu.
Ông Phạm Phương Bình, Hiệu phó
Trường THPT Nguyễn Hữu Huân (Q.Thủ Đức, TP.HCM), cho biết trường tư vấn cho HS ngay từ năm lớp 10 nhằm
định hướng nghề nghiệp, năng lực học tập. Việc chọn ban theo xu hướng xét tuyển của các trường ĐH và qua sự lựa chọn này nhà trường xây dựng kế hoạch giảng dạy theo định hướng các môn nâng cao cho HS. Tư vấn chọn ban được xét trên 3 yếu tố là sở thích nghề nghiệp, việc làm của các em sau này – gắn liền với ngành học ở trường ĐH – khối xét tuyển; truyền thống và định hướng của gia đình trong việc chọn nghề; năng lực học tập của HS. Việc chọn ban được tư vấn trao đổi kỹ giữa nhà trường, phụ huynh và HS. Kết thúc năm học, HS có thể chuyển ban nếu có nguyện vọng thay đổi.
Theo ông Bình,
việc chọn ban từ lớp 10 sẽ giúp các em có thời gian để đầu tư các môn thế mạnh, các môn sở trường, có năng khiếu vì vậy đòi hỏi cần đánh giá đúng khả năng của mình, năng lực và sở thích ngành nghề sẽ chọn trong tương lai.
Còn tại Q.1, phó hiệu trưởng phụ trách chuyên môn của một trường THPT thông tin, nhà trường tổ chức thăm dò định hướng chọn bài thi tổ hợp và khối thi truyền thống của HS lớp 10. Dự kiến, trước mắt trong học kỳ 1, nhà trường tổ chức cho HS học đều các môn sau đó, khi Bộ công bố chính thức phương án thi thực hiện sau năm 2020 thì trường sẽ căn cứ vào lựa chọn của HS để xây dựng thời khóa biểu cho từng môn học cụ thể, phù hợp.
Ông Hà Hữu Thạch, Hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn (Q.3), cũng nói nhà trường họp phụ huynh, thăm dò HS định hướng, mong muốn ngành học, trường học, nghề nghiệp trong tương lai. Từ những lựa chọn sở thích chọn ngành, nhà trường nắm thông tin về khối thi mà thí sinh sẽ thực hiện trong 3 năm tới. Với nền tảng này, các giáo viên bộ môn sẽ đảm bảo kiến thức chuẩn và xây dựng lộ trình kiến thức để bổ sung, nâng cao kiến thức cho HS.
Cũng để đón đầu những thay đổi về
phương thức thi tốt nghiệp và xét tuyển ĐH trong thời gian tới, ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (Q.10), cho biết nhà trường giới thiệu, hướng dẫn và tư vấn cho phụ huynh, HS định hướng nghề nghiệp căn cứ vào những tiêu chí học lực, sở thích, mong muốn. HS cùng gia đình có thời gian chia sẻ để đưa ra những lựa chọn ban đầu. Trong học kỳ 1, nhà trường sử dụng thời gian này để HS thể hiện khả năng của mình với thời khóa biểu áp dụng cho các môn theo như quy định. Sang đến học kỳ 2, các em đã có thể nhìn nhận rõ bản thân thì nhà trường mới thực hiện kế hoạch giảng dạy sao cho HS đáp ứng những mục tiêu của kỳ thi.