HomeGiáo dụcHà Nội dự kiến tổ chức thi vào lớp 10 ngày 1/6

Hà Nội dự kiến tổ chức thi vào lớp 10 ngày 1/6

Theo kế hoạch tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2020-2021 được UBND Hà Nội phê duyệt ngày 18/2, dự kiến sáng 1/6 thí sinh sẽ thi Ngữ văn, chiều thi Toán, mỗi môn 120 phút. Sáng 2/6, các em thi Ngoại ngữ, chiều thi môn thứ tư (sẽ quyết định vào tháng 3), mỗi môn 60 phút.

Thời gian xác nhận nhập học vào trường từ ngày 17/6 đến 19/6, nộp hồ sơ nhập học tại trường và trường THPT xét tuyển bổ sung từ ngày 23/6 đến ngày 1/7.

So với năm ngoái (thi ngày 2-3/6), năm nay học sinh toàn thành phố nghỉ ba tuần chống dịch Covid-19, từ 3/2 đến hết 23/2 và có thể còn nghỉ hết tháng 2 theo kiến nghị của Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo. Thời điểm kết thúc năm học dự kiến bị lùi lại, sau ngày 31/5.

Việc không điều chỉnh lịch thi có thể gây khó khăn cho học sinh và các trường THCS vì thời gian ôn luyện gấp rút. Trong ba tuần nghỉ phòng dịch, một số trường đã sử dụng hình thức học trực tuyến, giao bài tập về nhà cho học sinh, nhưng chủ yếu là ôn lại bài cũ.

Thí sinh Hà Nội thi vào lớp 10 năm 2019-2020. Ảnh: Giang Huy

Thí sinh Hà Nội thi vào lớp 10 năm 2019-2020. Ảnh: Giang Huy

Tuyển hơn 66.000 học sinh vào lớp 10 công lập

Năm học 2019-2020, Hà Nội dự kiến có 107.240 học sinh xét tốt nghiệp THCS, tăng 6.600 em so với năm trước. 62% (khoảng 66.490 thí sinh) sẽ được tuyển vào trường công lập, 21.450 em tuyển vào trường ngoài công lập và 2.780 em vào trường công lập tự chủ. So với năm ngoái, chỉ tiêu vào trường công lập và ngoài công lập đều tăng, lần lượt là 2.230 và 4.440 em.

Trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên tuyển khoảng 8.000, trường dạy nghề tuyển 8.400 học viên. 

Tương tự năm 2019, năm nay thí sinh sẽ thi 4 bài độc lập, gồm: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và bài thi thứ tư được chọn ngẫu nhiên từ một trong trong các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Giáo dục công dân, Địa lý. Với bài Ngoại ngữ, thí sinh được chọn một trong bốn thứ tiếng: Anh, Pháp, Đức, Nhật.

UBND Hà Nội khẳng định đề thi chủ yếu nằm trong chương trình lớp 9, trong đó đề Toán và Ngữ văn đảm bảo bốn cấp độ nhận thức: nhận biết, thông hiểu, vận dụng cấp độ thấp, vận dụng cấp độ cao. Hai môn còn lại đề thi đảm bảo 3 cấp độ: nhận biết, thông hiểu và vận dụng cấp độ thấp.

Nguyên tắc tuyển sinh như sau:

Điểm xét tuyển = (Điểm thi môn Toán + Điểm thi môn Ngữ văn) x 2 + (Điểm thi môn Ngoại ngữ + Điểm thi môn thứ tư) + Điểm ưu tiên.

Trong đó điểm các bài thi tính theo thang 10 và chỉ xét tuyển thí sinh có đủ bài thi, không vi phạm quy chế đến mức hủy bài thi, không có bài thi bị điểm 0.

Thí sinh đăng ký dự thi theo khu vực tuyển sinh (22 quận huyện chia làm 12 khu vực), riêng trường Chu Văn An và Sơn Tây được tuyển trên toàn thành phố.

Mỗi học sinh được đăng ký dự tuyển vào hai trường THPT công lập trong cùng khu vực tuyển sinh, không kể nguyện vọng các lớp chuyên của trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam, THPT Nguyễn Huệ và THPT Sơn Tây.

Ngoài ra, học sinh có thể dự tuyển vào trường THPT ngoài công lập và giáo dục thường xuyên bằng phương thức xét tuyển.

Xuân Hoa

Nguồn bài viết

Xem nhiều

spot_img