Nằng nặc đòi mua đồ giống bạn bè hoặc liên tục so sánh mình với người khác là dấu hiệu trẻ gặp vấn đề tâm lý tại trường học.
1. Liên tục so sánh mình với người khác
“Matt có một chiếc iPad. Con có thể sở hữu một chiếc như vậy không?”, trẻ nói.
So sánh xã hội là một phần tự nhiên của cuộc sống và đó là cách mỗi người xây dựng bản sắc của mình. Tuy nhiên, Desiree Wee, Nhà tâm lý học lâm sàng, Viện Sức khỏe tâm thần Singapore, cho biết trẻ em gặp khó khăn trong việc phần biệt giữa nhu cầu và mong muốn.
“Những đứa trẻ nghĩ rằng chúng phải có những thứ giống bạn bè, nếu không sẽ ít người chơi cùng. Trẻ em có thể buồn, tức giận hoặc cảm thấy cô đơn khi không được đáp ứng nhu cầu như bạn bè”, Desiree giải thích.
Cách khắc phục
Desiree đề nghị bố mẹ chấp nhận cảm xúc của trẻ bằng cách nói: “Mẹ biết con cũng muốn có iPad giống Matt” hoặc “Có iPad thích thật đấy. Mẹ biết con rất buồn khi Matt có mà mình thì không”.
Bố mẹ cần tránh gạt đi hoặc phớt lờ yêu cầu của trẻ, hoặc dùng một số từ mang ý nghĩa tiêu cực như “tham lam”, “hư hỏng”. Việc này có thể khiến trẻ nghĩ nhu cầu của mình không quan trọng hoặc bố mẹ không ủng hộ điều trẻ muốn.
“Phụ huynh cần dạy trẻ rằng chúng không cần có hoặc làm mọi thứ như bạn bè. Thay vào đó, bố mẹ có thể nói về các giá trị vật chất và tinh thần khác mà trẻ sở hữu, nhấn mạnh việc trẻ vẫn hạnh phúc với những điều đó”, Desiree nói thêm.
Nhà tâm lý học lấy ví dụ, “Thật buồn khi không có iPad nhưng con biết gì không, chúng ta có một chiếc tivi để xem những bộ phim mình yêu thích. Mẹ thấy hạnh phúc khi cả nhà cùng nhau xem tivi”.
Ảnh: Shutterstock |
2. Trở thành kẻ bắt nạt
Trẻ em bắt nạt người khác vì rất nhiều lý do. Theo Desiree, những đứa trẻ trở thành kẻ bắt nạt thường có thành tích học tập kém và có khả năng bị trầm cảm.
“Về lâu dài, những hành vi hung hăng khiến các kỹ năng xã hội của trẻ kém phát triển, tăng nguy cơ sử dụng chất kích thích và vi phạm pháp luật”, Desiree nói.
Cách khắc phục
Khi biết trẻ bắt nạt bạn bè, bố mẹ có thể giận dữ, khó chịu hoặc xấu hổ nhưng điều quan trọng là phải giữ bình tĩnh. Những đứa trẻ này gặp khó khăn trong việc kiểm soát hành vi tiêu cực và cần có bố mẹ làm gương trong cách xử lý xung đột một cách lành mạnh.
Desiree khuyên để giải quyết hành vi bắt nạt, bố mẹ cần tìm hiểu nguyên nhân. “Liệu trẻ có cảm thấy buồn bực, giận dữ hoặc cô đơn khi ở trường hay không? Từ đó bố mẹ dạy trẻ cách kiểm soát và xử lý cơn giận, giảm sự tiếp xúc của trẻ với các chương trình tivi, game bạo lực. Trường hợp không thể can thiệp, bố mẹ cần đến gặp bác sĩ tâm lý”, bà nói.
3. Bị bắt nạt
Donus Loh, nhà tâm lý học, giám đốc Weave Singapore, chia sẻ nạn nhân của việc bắt nạt thường hướng nội, thụ động khi xảy ra xung đột, có kỹ năng xã hội kém và thường không có khả năng tự bảo vệ mình. Theo thời gian, những đứa trẻ này có thể nghĩ mình yếu đuối và bất lực, gia tăng nguy cơ bị trầm cảm.
Sanveen Kang-Sadhnani, nhà Tâm lý học lâm sàng cao cấp tại Promising Health, cho biết thêm một số đặc điểm khác của những đứa trẻ bị bắt nạt là có năng khiếu tại một lĩnh vực nào đó, thu hút sự chú ý của người khác.
Cách khắc phục
Bố mẹ có thể hỏi trẻ hiểu bắt nạt là gì vì trẻ có xu hướng nghĩ bắt nạt là hành vi gây hấn về thể chất. Nếu trẻ chưa hiểu đúng, bố mẹ cần chỉ ra biểu hiện của bắt nạt còn bao gồm các hành động trêu chọc, đe dọa tinh thần.
“Nếu mọi chuyện nghiêm trọng, bố mẹ cần ghi lại tất cả sự cố với trẻ, sau đó nói với giáo viên và nhờ đại diện trường học can thiệp”, Donus nói.
Ảnh: Shutterstock |
4. Gian lận trong kiểm tra và thi cử
Các hành vi gian lận có thể là biểu hiện của việc trẻ gặp áp lực học tập và kỳ vọng phải đạt điểm số cao, không thua kém bạn bè.
Cách khắc phục
Bố mẹ cần giải thích cho trẻ hậu quả của gian lận và việc này ảnh hưởng thế nào đến những học sinh đã cố gắng làm bài một cách tử tế. Hãy nói với trẻ, không trung thực mang lại những giá trị không thật. Việc đạt kết quả cao không có ý nghĩa gì nếu không xuất phát từ khả năng thật sự của mình.
Bên cạnh việc phê phán hành vi gian lận, bố mẹ cần khen ngợi và thưởng cho trẻ vì sự trung thực, can đảm khi hoàn thành bài kiểm tra bằng thực lực của mình.
5. Bị điểm kém
Khi trẻ bị điểm kém, nhiều bố mẹ có phản ứng tiêu cực, mất bình tĩnh và cho rằng trẻ bất cẩn, lười biếng hoặc ngu ngốc… “Những phụ huynh này cho rằng việc phê bình sẽ thúc đẩy trẻ, nhưng thực tế không phải vậy”, Donus nói.
Cách khắc phục
Bố mẹ nên hỏi trẻ cảm thấy như thế nào về kết quả học tập và tôn trọng những điều trẻ nói ra, từ đó khích lệ bằng cách nhấn mạnh vào khả năng khác để trẻ tự tin hơn.
Thanh Hằng (Theo Young Parents)